Giai đoạn từ năm 2014 đến 2018 khi trường ĐH Bách khoa mới triển khai chương trình chất lượng cao (CT CLC), điểm chuẩn thường thấp hơn chương trình đại trà (ĐT). Hiện tại, khoảng cách điểm chuẩn giữa hai chương trình này ngày càng rút ngắn, tập trung vào các ngành/nhóm ngành thu hút đông thí sinh xét tuyển.
Ngành Máy tính CLC dẫn đầu điểm chuẩn toàn trường
Trong kỳ tuyển sinh năm nay, trường ĐH Bách khoa áp dụng phương thức ưu tiên xét tuyển. Theo đó, điểm chuẩn ngành Khoa học máy tính CLC là 86,7 (cao hơn mức 86,5 của ĐT); Kỹ thuật máy tính CLC là 85,4 (cao hơn mức 85,3 của ĐT). Một số ngành CLC khác có điểm chuẩn ngang ĐT như Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng với 85,6 (ĐT là 85,8); Kỹ thuật y sinh 81,2 (ĐT là 81,8).
Sinh viên theo học chương trình chất lượng cao của trường ĐH Bách khoa. |
Năm 2020, theo phương thức đánh giá năng lực (ĐGNL), điểm chuẩn trúng tuyển ngành Khoa học máy tính cũng rất cao - 926 cho CLC và 927 với ĐT. Nhiều ngành CLC có điểm chuẩn cao hơn ĐT như nhóm ngành Kỹ thuật môi trường, Quản lý tài nguyên và Môi trường CLC là 736 (ĐT là 702); Kỹ thuật dầu khí 727/704; Kỹ thuật cơ khí 711/700; nhóm ngành Kỹ thuật xây dựng, Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông 703/700.
Liên tiếp ba năm 2019-2021, thủ khoa toàn quốc kỳ thi ĐGNL của trường ĐH Bách khoa đều chọn học CT CLC.
Phản ánh xu hướng chọn ngành của thí sinh
PGS.TS Bùi Hoài Thắng - Trưởng phòng Đào tạo, trường ĐH Bách khoa - thừa nhận xu hướng tăng dần điểm chuẩn CT CLC không chỉ xuất hiện ở những ngành/nhóm ngành thu hút nhiều thí sinh đăng ký mà còn ở những ngành bình thường. “Nguyên nhân trực tiếp là số lượng thí sinh đăng ký nhiều nhưng chỉ tiêu thấp nên mức độ cạnh tranh cao, dẫn tới điểm chuẩn tăng”, phó giáo sư chia sẻ.
Theo ông Thắng, nguyên nhân sâu xa là một bộ phận thí sinh muốn học tập trong môi trường tốt hơn, nhất là chương trình dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh. Bởi ngoại ngữ không còn là rào cản với nhiều thí sinh.
Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tối thiếu 20% số lượng tín chỉ học phần thuộc khối kiến thức cơ sở ngành và chuyên ngành của CT CLC phải được dạy bằng tiếng Anh. Trường ĐH Bách khoa là một trong những đơn vị giảng dạy 100% bằng tiếng Anh.
Mặt khác, do dịch Covid-19, nhiều thí sinh có dự định du học nước ngoài đã chuyển hướng sang học CLC vì chương trình đào tạo thuần ngoại ngữ và môi trường giáo dục quốc tế.
TS Đặng Đăng Tùng - Giám đốc Văn phòng đào tạo quốc tế ĐH Bách khoa, đơn vị vận hành CT CLC - lý giải thêm: “Về mặt lý thuyết, điều kiện để thí sinh đăng ký nguyện vọng vào CT CLC là trình độ tiếng Anh, điểm xét tuyển cao, điều kiện tài chính tốt. Số lượng thí sinh đáp ứng các điều kiện này không nhiều nên mức độ cạnh tranh ít, điểm chuẩn thấp. Trong khi đó, thí sinh đăng ký vào CT ĐT chỉ cần đáp ứng điều kiện về điểm xét tuyển nên đối tượng tuyển sinh đông, điểm chuẩn cao hơn là tất yếu”.
PGS.TS Bùi Hoài Thắng (trái) và TS Đặng Đăng Tùng. |
Tuy nhiên, ông Tùng cho biết hiện tượng điểm chuẩn ĐT cao hơn CLC chỉ là ngắn hạn. Khi nhiều thí sinh đáp ứng tiêu chí xét tuyển thì điểm chuẩn CT CLC sẽ tăng lên. “Mục tiêu lâu dài của nhà trường là khi tình hình Covid-19 được kiểm soát, CLC vẫn là lựa chọn ưu tiên của những thí sinh muốn theo học chương trình đào tạo bằng tiếng Anh”, TS Đặng Đăng Tùng nhấn mạnh.
Từ 29/8 đến 5/9, thí sinh có thể điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển theo phương thức thi tốt nghiệp THPT. Việc điều chỉnh nguyện vọng hợp lý giúp thí sinh có cơ hội trúng tuyển vào trường, ngành yêu thích.
Để hỗ trợ thí sinh chọn đúng ngành nghề, vào khung giờ 8h-12h ngày 8/8, trường ĐH Bách khoa tổ chức “Ngày hội trực tuyến Bách khoa quốc tế 2021” qua ứng dụng Zoom. Độc giả đăng ký tại đây.
Bình luận