Các ngành mới tập trung vào 2 xu hướng: đi trước đón đầu và có nhu cầu cao về lao động.
Khối ngành sức khỏe “lên sóng”
Một loạt trường có đào tạo khối ngành sức khỏe ở khu vực phía Nam dự kiến mở thêm ngành mới năm nay. ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch cho biết trường đang làm thủ tục mở ngành Phục hồi chức năng. ĐH Duy Tân dự kiến mở mới 2 ngành khối khoa học sức khỏe là Y học cổ truyền, Kỹ thuật y sinh và Quản trị bệnh viện.
ĐH Văn Lang dự kiến mở 2 ngành mới là Y khoa và Y học cổ truyền. Năm nay, ĐH Quốc tế Hồng Bàng dự kiến mở 16 ngành học mới, nâng tổng số ngành đào tạo của trường lên 68, trong đó có 8 ngành thuộc khối sức khỏe. Đáng chú ý, lần đầu tiên xuất hiện các ngành học như Sức khỏe răng miệng, Chăm sóc bệnh trẻ em, Hoạt động trị liệu, Kỹ thuật hình ảnh y học…
Thí sinh cần cân nhắc chọn ngành học phù hợp với năng lực bản thân. Ảnh: Tiền Phong. |
ĐH Công nghệ TP.HCM sẽ có thêm 5 ngành, gồm Robot và Trí tuệ nhân tạo, Khoa học dữ liệu, Quản trị nhân sự, Quan hệ công chúng, Quan hệ quốc tế. Trường còn dự kiến tuyển sinh cho 2 ngành thuộc lĩnh vực khoa học sức khỏe là Kỹ thuật xét nghiệm y học và Điều dưỡng.
Trong kế hoạch tuyển sinh dự kiến, ĐH Kinh tế TP.HCM sẽ mở thêm 10 ngành đào tạo và 2 chuyên ngành tại TP.HCM, riêng phân hiệu Vĩnh Long mở 4 ngành mới. Các ngành mới chủ yếu thuộc khối kinh tế theo hướng đào tạo của trường, như Bất động sản, Quản trị nhân lực, Kinh doanh nông nghiệp, Quản lý bệnh viện, Thương mại điện tử, Kiến trúc đô thị…
Việc mở ngành mới tập trung vào 2 hướng: những ngành đi trước đón đầu và những ngành đang có nhu cầu cao trong thị trường lao động. Theo lý giải của những trường mở mới nhiều ngành khối sức khỏe, đây là nhóm ngành trường tuyển sinh khá tốt trong năm 2020. Nhu cầu xã hội và sự quan tâm của thí sinh khá lớn nên trường muốn chuẩn bị đào tạo nhân lực cho 4-5 năm sau.
Trao đổi với báo chí, ông Trần Anh Tuấn, Phó chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TP.HCM, kiến nghị Nhà nước tăng cường công tác quản lý, đánh giá và quy hoạch lại các ngành, nghề đào tạo, thu gọn những ngành không còn tuyển sinh được, tránh việc các trường tuyển không được lại chuyển sang ngành khác.
Theo ông Tuấn, việc chuyển đổi đào tạo hiện nay chủ yếu mới theo lý luận định hướng là chính, chưa nhiều trường chuyển đổi về cơ cấu để phù hợp với phát triển công nghệ như đầu tư về trang thiết bị…
Vì vậy, nhiều ngành mở mới chỉ phù hợp cho giai đoạn đặc thù trước mắt, nhu cầu nhất định nào đó, nhưng nếu mở quá nhiều và quảng bá nhiều, đặt tên “hot” khiến thí sinh lầm tưởng và bị cuốn hút vào các ngành này mà quên đi năng lực bản thân. Việc này dễ dẫn tới tình trạng chọn ngành không phù hợp bản thân, dư thừa lao động đầu ra.
Do đó, thí sinh cần bình tĩnh khi chọn ngành nghề theo học, không nên quá chú ý vào những ngành nghề tên tuổi hay sự hào nhoáng của ngành đó. Điều quan trọng là năng lực của mình phù hợp với ngành nào.
Sáu nhóm ngành hợp xu thế 4.0
Theo các chuyên gia, hiện có 6 nhóm ngành học phù hợp với xu thế 4.0 và thời đại công nghệ số, gồm Công nghệ thông tin (Phân tích dữ liệu, Kỹ thuật phần mềm, An ninh mạng,...) và Công nghệ thông tin trong hoạt động kinh doanh tài chính và nhiều lĩnh vực khác; Công nghệ tự động hóa (Cơ điện tử, Điện tử, Điều khiển tự động, Chế tạo ôtô, Chế tạo vật liệu,…); Kỹ thuật xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng cao cấp, Năng lượng, Công nghệ in 3D; Công nghệ sinh học, Công nghệ chế biến, Kỹ thuật y sinh (tích hợp kỹ thuật số - vật lý - sinh học); Quản trị, dịch vụ quản trị tài chính-đầu tư, Logistics, Du lịch, Dinh dưỡng…; và Nghệ thuật, xã hội, nhân văn và sáng tạo (kiến trúc, thiết kế, dịch thuật...).
Các chuyên gia khuyên thí sinh cần cân nhắc chọn ngành học phù hợp với năng lực bản thân. Sau đó, cần có thái độ học tập tốt, làm việc có kỷ luật, xây dựng được giá trị nghề nghiệp, kết hợp với công nghệ, phát triển tư duy…
Nhiều chuyên gia nhận định, việc tuyển sinh các ngành mới vẫn được xếp vào loại dễ. Các trường hút được thí sinh do các ngành này đều mở ra nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực thị trường lao động phục vụ Cách mạng công nghệ 4.0. Thống kê cho thấy, hiện có 367 ngành nghề ở hệ đại học, 575 ngành hệ cao đẳng, 822 ngành hệ trung cấp.