![]() |
Nhiều trường học đã thông báo dừng hoạt động dạy thêm, học thêm có thu phí. Ảnh: An Khương. |
"Hôm 5/2, nghe cô giáo dạy thêm tại nhà nói có thể nhà trường và cô sẽ dừng dạy thêm từ ngày 14/2, em sốc, hoang mang, không biết sắp tới sẽ học thêm ở đâu. Em lo việc tự học sẽ không hiệu quả để thi vào cấp 3", Ngọc Anh, học sinh lớp 9 tại huyện Tiên Du (Bắc Ninh), chia sẻ với Tri Thức - Znews.
Cô giáo dạy thêm tại nhà của nữ sinh cũng là giáo viên dạy em ở trường.
Không chỉ Ngọc Anh, nhiều học sinh, phụ huynh cũng băn khoăn khi Thông tư 29/2024 của Bộ GD&ĐT quy định về dạy thêm, học thêm có hiệu lực từ 14/2.
Giáo viên, trường học thông báo dừng dạy thêm
Chị Nguyễn Thu (phụ huynh có con học lớp 9 ở Mỹ Đức, Hà Nội) cho biết từ trước Tết, giáo viên dạy thêm môn Ngữ văn, cũng là giáo viên dạy con trên lớp, đã thông báo "giải tán" lớp học thêm nhằm thực hiện đúng quy định tại Thông tư 29.
"Các môn học thêm còn lại, thầy cô chưa thông báo gì, nhưng chắc chỉ nay mai. Nhà trường cũng tương tự", chị Thu cho biết.
Không chỉ giáo viên, nhiều trường học trên cả nước cũng đã thông báo dừng hoạt động dạy thêm tại trường, chỉ dạy thêm với 3 nhóm và không thu tiền, gồm: Học sinh có kết quả chưa đạt ở một môn bất kỳ trong học kỳ liền kề; học sinh được chọn bồi dưỡng học sinh giỏi; học sinh cuối cấp tự nguyện đăng ký ôn thi lớp 10, thi tốt nghiệp theo kế hoạch của nhà trường.
Trao đổi với Tri Thức - Znews, thầy Nguyễn Khắc Lý, Phó hiệu trưởng trường THPT Phùng Khắc Khoan (Thạch Thất, Hà Nội), cho biết trong buổi họp phụ huynh trước Tết Nguyên đán, ban giám hiệu trường đã thông báo tới phụ huynh về việc dừng dạy thêm có thu phí.
Trường THCS Văn Quán (quận Hà Đông, Hà Nội), trường THCS Hải Bối (huyện Đông Anh, Hà Nội), THCS Ngô Sĩ Liên (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cũng ra thông báo tương tự. Trường THPT Võ Minh Đức (Thủ Dầu Một, Bình Dương) thông báo dừng hoạt động dạy thêm, học thêm có thu phí trong nhà trường từ ngày 14/1 cho đến khi có thông báo mới.
Thầy Hoàng Chí Sỹ, Hiệu trưởng trường THPT Lưu Hoàng (huyện Ứng Hòa, Hà Nội), cũng cho biết hoạt động dạy thêm ở trường đã dừng từ sau kỳ nghỉ Tết, không "cố" dạy tới 14/2 rồi dừng giữa chừng.
"Hiện tại, chúng tôi đang đợi hướng dẫn của Sở GD&ĐT", thầy Sỹ nói.
Một hiệu trưởng ở quận Hà Đông cho biết khi thông tư có hiệu lực, nhà trường sẽ thực hiện. Hiện tại, trường vẫn tổ chức học bình thường do nhu cầu của phụ huynh về công tác bán trú.
![]() |
Nhiều phụ huynh ở khu vực nông thôn lo lắng bởi không có nhiều trung tâm dạy thêm như ở thành phố. Ảnh minh họa: Thế Bằng. |
Học sinh, phụ huynh lo "học ở đâu?"
Ngọc Anh cho biết hiện tại, em học thêm ở trường 3 buổi/tuần, học phí chỉ 15.000 đồng/buổi. Ngoài ra, cuối cấp, Thư học thêm ở nhà thầy cô 6 buổi/tuần, học phí cũng thấp.
"Ở quê ít lựa chọn, không có trung tâm, em thấy học ở trường và nhà thầy cô như vậy là hợp lý", nữ sinh đánh giá việc học thêm như vậy hiệu quả, giúp em có thêm kiến thức, được thầy cô định hướng, chi phí lại rẻ so với những gì em nhận được.
Trước thông báo của thầy cô, Thư sốt ruột, không biết sắp tới sẽ học ở đâu khi kỳ thi chuyển cấp ngày một đến gần. Các bạn cùng lớp nữ sinh cũng hoang mang không kém, mấy ngày nay, chủ đề bàn tán của các em thường xoay quanh việc dừng dạy thêm này.
"Giáo viên của em đang tính tới việc sẽ mở lớp online hoặc đến nhà kèm chúng em để có đủ kiến thức cho kỳ thi sắp tới", Ngọc Anh nói.
Con học cuối cấp, chị Nguyễn Thu cũng lo ngại việc học của con bị ảnh hưởng khi nhà trường và giáo viên đều dừng dạy thêm. Lâu nay, con học thêm ở trường chỉ mất hơn 2 triệu đồng học phí cho cả năm học, mỗi tuần được học tới 5 buổi chiều, phụ huynh tự nguyện đăng ký.
Chị đánh giá như vậy là quá rẻ, con vừa được thầy cô trên lớp sát sao, kèm cặp, bố mẹ lại yên tâm đi làm.
"Nhà trường cho nghỉ buổi chiều, giáo viên cũng cho nghỉ, con ở nhà lại chỉ tivi, điện thoại, không tự giác. Bố mẹ đi làm, dù có giao bài tập cũng không thể quản lý được. Dần dần mai một kiến thức, thi cử thế nào đây", chị Thu nói.
Nữ phụ huynh cũng nhận định đối tượng được dạy thêm trong trường có cả học sinh cuối cấp ôn thi, nhưng không được thu học phí, các trường cũng "ngại" tổ chức.
Vì vậy, rất có thể, chị Thu phải tìm gia sư về tận nhà dạy con vì ở quê chỉ có trung tâm ngoại ngữ, không có trung tâm nào dạy Toán, Văn...
"Tìm gia sư ở quê cũng rất khó vì không phải ai cũng có kinh nghiệm ôn thi cuối cấp, nguồn cung cũng ít. Nếu có, học phí cũng phải 250.000-500.000 đồng/buổi, gấp hàng chục lần ở trường", chị Thu nói.
Không chỉ ngoại thành, ở khu vực nội thành, nhiều phụ huynh cũng than khó, nhất là ở những trường thực hiện công tác bán trú.
Chị Ngọc Yến (phụ huynh có con học lớp 7 ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết từ trước Tết, chị đã nhận thông tin trường dừng tổ chức dạy bổ trợ kiến thức (học thêm) cho học sinh, áp dụng từ ngày 3/2.
Bản thân chị không bất ngờ, phần vì con gái chị không tham gia lớp bổ trợ, chỉ tham gia câu lạc bộ học sinh giỏi (miễn học phí), nên không ảnh hưởng, phần vì gia đình đã có phương án dự phòng.
Tuy nhiên, với nhiều phụ huynh khác, chị đánh giá đây thực sự là vấn đề lo ngại. Theo chị, với nhiều bố mẹ đi làm xa trường, con học lực trung bình, trường không tổ chức dạy thêm là "bó tay" vì bố mẹ không thể đưa đón buổi trưa, các con tự về bằng nhiều phương tiện.
Buổi chiều, con nghỉ học ở nhà sẽ không ai quản lý, kể cả lớn cũng rất dễ "dán mắt" vào màn hình hoặc đi chơi.
Bên cạnh đó, việc phải ra trung tâm học thêm, chưa tính đến chi phí, nhưng "công bố mẹ đưa đón, chờ đợi rất mệt mỏi".
Chưa kể, nhiều trung tâm chỉ dạy buổi tối, đi học thêm tới 21-22h, trẻ sẽ không có thời gian tự học. Sinh hoạt gia đình cũng đảo lộn theo, ảnh hưởng tới sức khỏe của con.
Chị Yến cho biết hiện tại, nhiều phụ huynh trong lớp mong được trường tổ chức dạy thêm như cũ nhưng khó, vì quy định đã có, nhà trường và giáo viên phải tuân thủ.
![]() |
Thông tư số 29/2024 về quản lý dạy thêm, học thêm sẽ có hiệu lực từ 14/2/2025. Ảnh minh họa: An Khương. |
Hiệu trưởng Nguyễn Khắc Lý và hiệu trưởng Hoàng Chí Sỹ cũng cho biết sau thông báo dừng dạy thêm, rất nhiều phụ huynh của trường bày tỏ băn khoăn, đặc biệt là với học sinh cuối cấp.
Bởi học phí học thêm trong trường thường rất rẻ. Bên cạnh đó, học sinh an tâm khi được học ngay tại trường, không phải tìm địa điểm bên ngoài. Các em cũng có thể được học với chính thầy cô của mình, giáo viên cũng tăng thu nhập.
Trước mắt, với thông báo của trường, các phụ huynh đều chấp hành đúng quy định, nhưng chưa biết xử lý ra sao với việc học của con.
"Ở vùng nông thôn, không có các trung tâm như nội thành, việc phụ huynh lo lắng là dễ hiểu", thầy Sỹ nói.
Đại diện Bộ GD&ĐT cho hay những quy định mới nhằm hạn chế tình trạng học sinh dù không muốn vẫn phải học thêm, hướng tới "trường không có học thêm, dạy thêm".
Theo Văn phòng Chính phủ, quy định mới về dạy thêm, học thêm nhận được nhiều sự đồng tình, song còn không ít băn khoăn.
Một số ý kiến cho rằng gốc rễ của viêc dạy thêm, học thêm chính là chương trình học tập còn nặng, trong khi tâm lý coi trọng bằng cấp của nhiều người còn khá phổ biến.
Với chương trình sách giáo khoa mới, kỳ thi tốt nghiệp THPT mới, cách xét tuyển đại học mới, tỷ lệ "chọi" vào các trường đại học uy tín ngày càng khốc liệt. Học chỉ để phục vụ các kỳ thi nên dạy thêm, học thêm sẽ còn biến tướng.
Do đó, Phó thủ tướng Lê Thành Long chỉ đạo Bộ GD&ĐT rà soát, nắm bắt thông tin phản ánh để kịp thời có giải pháp xử lý.
Hiện tại, một nhà trường cho biết đang cho học sinh lớp 12 đăng ký để triển khai ôn tập cuối cấp miễn phí theo đúng quy định. Tuy nhiên, đối tượng chỉ bao gồm học sinh yếu, kém, thay vì tổ chức ôn đại trà toàn khối 12 như mọi năm.
Lý do liên quan đến ngân sách Nhà nước đã cấp cho các trường từ đầu năm, trong đó không có phần để chi trả cho hoạt động dạy thêm. Nếu không thu học phí của học sinh, các trường sẽ khó đảm bảo kinh phí bởi không thể dành hết ngân sách một năm chỉ để chi trả hoạt động dạy thêm.
Bạn đang cảm thấy mình đã quá tuổi để học?
Được học - câu chuyện về cô gái 17 mới được đến trường lần đầu và đã trở thành tiến sĩ ngành Sử học về sau - hơn cả một câu chuyện truyền cảm hứng về học tập. Đó là hành trình đi tìm bản ngã của Tara Westover, khi cô đánh mất gia đình mình với những lời cáo buộc nghiệt ngã. Đó là sự trưởng thành về nhận thức trước một thế giới rộng lớn hơn gấp nhiều lần những gì cô được nhồi nhét trước kia. Đó là một hành trình giáo dục mà không phải ai cũng sẽ dễ dàng hoàn thành được. Độc giả có thể tìm hiểu thêm về Được học tại đây.