Theo bức thư kêu gọi này, nhà trường đã đưa ra kế hoạch bổ sung và sửa chữa trang thiết bị phục vụ cho giảng dạy và học tập như sau:
Mua mới 5 phòng và sửa chữa bàn ghế học sinh 256,250 triệu đồng. Lắp camera cho các lớp bán trú 265 triệu đồng. Sửa chữa khu bếp ăn bán trú và các phòng chức năng 450 triệu đồng. Tổng là 971,250 triệu đồng.
Được biết, bức thư kêu gọi này là của trường Tiểu học Nguyễn Văn Tố (quận Lê Chân, TP Hải Phòng).
Bức thư kêu gọi này xuất hiện đã thu hút sự quan tâm của rất nhiều phụ huynh.
Một người bức xúc: “Nhà trường đã đưa ra những con số 'trên trời' để phục vụ mục tiêu lạm thu đầu năm. Ví dụ như khoản 265 triệu có thể lắp được hàng trăm chiếc camera mà nhà trường đâu có đến hàng trăm phòng học. Vậy số tiền còn lại sẽ đi đâu? Rồi sửa chữa bếp ăn những 450 triệu là con số không thể chấp nhận.
Trong khi đó, nhiều tỉnh thành hiện nay đã có quy định cấm lập các quỹ hoặc để ban đại diện cha mẹ học sinh lập quỹ ép buộc học sinh đóng góp dưới danh nghĩa đóng góp tự nguyện, cấm thu các khoản khoản đóng góp tự nguyện để sửa chữa hoặc mua sắm trang thiết bị của nhà trường… Với vấn đề này, chúng tôi cần một lời giải thích rõ ràng từ vị đứng đầu ngành giáo dục Hải Phòng”.
Sáng 17/8, ông Nguyễn Xuân Trường - Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Phòng - cho hay trước khi nhận được phản ánh của báo, ông đã nắm được thông tin về sự việc. Sáng 17/8, ông đã cử cán bộ xuống tận trường Tiểu học Nguyễn Văn Tố kiểm tra các nội dung liên quan, cũng như gặp gỡ phụ huynh để làm rõ.
Sau khi kiểm tra, làm rõ, nếu phát hiện nhà trường có sai phạm trong vấn đề kêu gọi tài trợ, sở sẽ xử lý đúng theo quy định của pháp luật.
Nguyên tắc về việc kêu gọi các nguồn tài trợ hay xã hội hóa là phải căn cứ yêu cầu cũng như quy định xem khoản nào được thu, khoản nào không được thu. Đồng thời, các khoản được thu phải được nhà trường bàn cụ thể cùng ban đại diện cha mẹ học sinh và xin ý kiến của các quận huyện, khi được sự phê duyệt mới triển khai chứ nhà trường không được tự ý đặt ra và triển khai.
Một lãnh đại Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ GD&ĐT) cho hay theo Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT, ban đại diện cha mẹ học sinh sẽ không được lập quỹ nào cả, cũng như không được thu quỹ của người học.
Vấn đề kêu gọi tài trợ theo nguồn xã hội hóa theo đúng Thông tư 19 của Bộ GD&ĐT về trình tự thủ tục tài trợ trong giáo dục mọi thứ phải được thực hiện theo tinh thần tự nguyện không thông qua quỹ của Hội phụ huynh học sinh. Nhà trường không được đứng ra kêu gọi.
Tự nguyện tức là phải đảm bảo một số nguyên tắc như không ép buộc dưới bất kỳ hình thức nào; dự toán để sửa chữa hay lắp đặt phải rõ ràng và công khai; quy trình quyết toán, kiểm soát do những người tự nguyện đóng góp giám sát…, chứ không phải do nhà trường đứng ra thu và đứng ra thực hiện.
Trước đó, Sở GD&ĐT Hà Nội có công văn số 3120 về việc hướng dẫn công tác quản lý thu chi đầu năm học 2018-2019. Theo đó, năm học 2018-2019 chấm dứt việc thu chi khoản đóng góp tự nguyện để sửa chữa hoặc mua sắm trang thiết bị của nhà trường. Việc tiếp nhận các nguồn viện trợ, tài trợ, quà biếu thực hiện theo đúng quy định của Bộ GD&ĐT về việc tài trợ cho các cơ sở thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.
Như vậy, theo quyết định này của Sở GD&ĐT Hà Nội, các cơ sở giáo dục chỉ được thu các khoản thu theo quy định (đối với cơ sở giáo dục công lập chỉ được tiến hành các khoản thu khác sau khi có thống nhất bằng văn bản của cơ quan quản lý cấp trên), không được trực tiếp thu kinh phí hoạt động của ban cha mẹ học sinh, không thu gộp nhiều khoản thu vào đầu năm học đồng thời thực hiện đầy đủ các chế độ quản lý tài chính theo quy định.
Ngoài các khoản thu theo quy định, các cơ sở giáo dục công lập không được thực hiện hoặc đề nghị Ban đại diện cha mẹ học sinh thực hiện các khoản thu khác từ người học, cha mẹ người học dưới bất kỳ hình thức nào. Không tự ý lập các quỹ hoặc để ban đại diện cha mẹ học sinh lập quỹ ép buộc học sinh đóng góp dưới danh nghĩa đóng góp tự nguyện.