Tòa nhà dạy học được xây tối đa 5 tầng. Ảnh: Phương Lâm. |
Bộ GD&ĐT mới ra thông tư số 23/2024/TT-BGDĐT về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định tiêu chuẩn cơ sở vật chất các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học.
Đáng chú ý, thông tư mới nêu rằng các hạng mục công trình phục vụ trực tiếp cho các hoạt động dạy học và tổ chức các hoạt động giáo dục cao không quá 5 tầng; bảo đảm điều kiện cho học sinh khuyết tật tiếp cận sử dụng.
Ở thông tư cũ, bộ quy định các tòa nhà ở trường tiểu học không cao quá 3 tầng còn bậc THCS và THPT là không cao quá 4 tầng.
Về phần quy mô, thông tư mới nêu rằng trường mầm non có quy mô tối thiểu 9 nhóm, lớp và tối đa 30 nhóm, lớp. Thông tư cũ giới hạn quy mô tối thiểu là 9 và tối đa là 20.
Căn cứ điều kiện các địa phương, các điểm trường có thể được bố trí ở những địa bàn khác nhau nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ em đến trường.
Bộ cũng nhấn mạnh việc bố trí không quá 5 điểm trường. Trường tại các xã thuộc vùng khó khăn, tùy theo điều kiện thực tế có thể bố trí không quá 8 điểm trường, trường hợp đặc biệt tại các địa bàn có địa hình hiểm trở, chia cắt bố trí không quá 12 điểm trường.
Một lưu ý khác là tổng diện tích khu đất xây dựng trường (bao gồm các điểm trường) được xác định trên cơ sở số nhóm, lớp, số trẻ em với bình quân tối thiểu 12 m2 cho một trẻ em.
Đối với các đô thị loại III trở lên (theo công nhận loại đô thị của cấp có thẩm quyền), diện tích đất bình quân tối thiểu là 8 m2 cho một trẻ em.
Nội dung xây dựng khu vệ sinh cho trẻ cũng được sửa đổi. Cụ thể, thông tư yêu cầu khu vệ sinh được xây dựng khép kín với phòng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em, có vách ngăn cao không nhỏ hơn 1,5 m giữa chỗ đi tiểu và bồn cầu (thông tư cũ yêu cầu vách ngăn cao 1,2 m).
Đối với trẻ mẫu giáo, các trường cần bố trí nhà vệ sinh riêng cho trẻ em trai, trẻ em gái. Trong trường hợp khu vệ sinh được xây dựng riêng biệt, trường phải liên thông với phòng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em qua hành lang giao thông, thuận tiện cho sử dụng và dễ quan sát; có thể trang bị thêm hệ thống thiết bị cấp nước nóng phù hợp với điều kiện thực tế.
Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc những cuốn sách nuôi dạy trẻ trong thời đại 4.0.
Cuốn sách Nuôi con 4.0 - Làm thế nào để trẻ không bị nghiện thiết bị công nghệ? của TS Shimi Kang (nhà khoa học, tâm lý học, chuyên gia giáo dục, tác giả của nhiều tựa sách bán chạy) được đánh giá là hữu ích cho các phụ huynh có con em nghiện sử dụng thiết bị điện tử.
TS Shimi Kang đưa ra hàng loạt dẫn chứng và phân tích khoa học về cách thức tác động của thiết bị công nghệ đến bộ não đang trong giai đoạn phát triển của trẻ. Sau đó, bà chỉ ra những tác động tiêu cực đến sức khỏe, hành vi và tính cách của trẻ.