Những học sinh có thành tích cao nhất tại trường được tặng suất ăn trưa đặc biệt tại bàn ăn riêng. Ảnh: SCMP. |
Vụ việc xảy ra tại trường Trung học Shishichengfei (Trung Quốc). Nhà trường cung cấp bữa trưa đặc biệt cho những học sinh đạt thành tích cao. Bàn ăn của các em này được dán nhãn là "khu vực dành cho học sinh đạt điểm A".
Theo nhà trường, chỉ những học sinh có điểm tổng kết cao nhất, có điểm môn học cao nhất và có tiến bộ nhiều nhất tại mỗi lớp trong kỳ thi tháng 12 mới được thưởng thức bữa trưa ngon hơn và nhận được một món quà nhỏ.
Học sinh có điểm số bình thường sẽ ăn tại khu khác của căng tin. Sau khi clip ghi lại vụ việc này lan truyền trên mạng, dư luận bùng nổ tranh cãi. Ngày 17/12, nhà trường đã gửi lời xin lỗi, thừa nhận phần thưởng cho học sinh giỏi là quyết định vội vàng, chưa được cân nhắc kỹ lưỡng và có thể gây ra những tác động tiêu cực.
Trường cũng tuyên bố hủy bỏ chương trình này và cam kết sẽ đối xử công bằng với tất cả học sinh.
Một nhân viên nhà trường cho biết việc thiết lập khu vực ăn uống đặc biệt cho học sinh giỏi chỉ được làm mỗi tháng một lần, sau mỗi bài kiểm tra. Nó không phân biệt đối xử bất kỳ học sinh nào mà chỉ đơn giản là đánh giá cao thành tích học tập.
“Mỗi học sinh đều có những ưu điểm riêng. Nhà trường nên khuyến khích các em tỏa sáng trên con đường các em chọn chứ không phải phân chia họ thành các thứ hạng theo kết quả thi cử", một người dùng mạng xã hội bức xúc.
“Trông nó giống một công ty hơn là một trường học", người khác nói.
Tuy nhiên, một số người lại bày tỏ sự ủng hộ nhà trường, cho rằng học sinh có được bữa ăn ngon hơn nhờ sự chăm chỉ.
"Nền giáo dục Trung Quốc định hướng học để thi, nên tôi không thấy có vấn đề gì khi xếp hạng học sinh theo kết quả thi cử. Ngay cả khi không có những phần thưởng đặc biệt như khu vực ăn uống ưu tiên, học sinh vẫn phải đối mặt với áp lực học tập rất lớn để đạt được thành tích tốt trong các kỳ thi", một người nói.
Theo SCMP, học sinh Trung Quốc phải đối mặt với áp lực học tập rất lớn. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, các trường học đã cố gắng áp dụng một phương pháp giáo dục toàn diện hơn nhằm mục đích phát triển toàn diện cho học sinh.
Năm 2021, Bộ Giáo dục Trung Quốc đã cấm các trường tiểu học và THCS công bố bảng xếp hạng học sinh. Tuy nhiên, một số người bày tỏ lo ngại về sự bất bình đẳng do nguồn lực giáo dục không đồng đều giữa các khu vực và gia đình.
“Trong khi học sinh ở các vùng nghèo khó đang vật lộn để học những cuốn sách giáo khoa tiêu chuẩn, những đứa trẻ ở các khu vực phát triển có thể dễ dàng tận hưởng tất cả hoạt động ngoại khóa góp phần vào sự phát triển toàn diện của chúng", một người nêu ý kiến.
Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc những cuốn sách nuôi dạy trẻ trong thời đại 4.0.
Cuốn sách Nuôi con 4.0 - Làm thế nào để trẻ không bị nghiện thiết bị công nghệ? của TS Shimi Kang (nhà khoa học, tâm lý học, chuyên gia giáo dục, tác giả của nhiều tựa sách bán chạy) được đánh giá là hữu ích cho các phụ huynh có con em nghiện sử dụng thiết bị điện tử.
TS Shimi Kang đưa ra hàng loạt dẫn chứng và phân tích khoa học về cách thức tác động của thiết bị công nghệ đến bộ não đang trong giai đoạn phát triển của trẻ. Sau đó, bà chỉ ra những tác động tiêu cực đến sức khỏe, hành vi và tính cách của trẻ.