Giải đáp thắc mắc của bạn Hoàng Anh ở quận Đống Đa (Hà Nội), luật sư Vũ Ngọc Chi (Đoàn luật sư Hà Nội) cho biết:
Theo quy định của Bộ luật hình sự, có hai trường hợp người kết án được xóa án tích là: đương nhiên xóa án tích và xóa án tích theo quyết định của tòa án.
Việc xóa án tích theo quyết định của Tòa án được áp dụng đối với những người đã bị kết án về các tội quy định tại Chương XI (các tội xâm phạm an ninh quốc gia) và Chương XXIV (các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh) của BLHS.
Điều 63 Bộ luật hình sự quy định rất rõ, những người sau đây đương nhiên được xóa án tích là: người được miễn hình phạt; người bị kết án không phải về các tội quy định tại Chương XI và Chương XXIV của Bộ luật này, nếu từ khi chấp hành xong bản án hoặc từ khi hết thời hiệu thi hành bản án người đó không phạm tội mới với thời hạn cụ thể:
Một năm trong trường hợp bị phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù nhưng được hưởng án treo; 3 năm trong trong trường hợp hình phạt là tù đến ba năm; 5 năm trong trường hợp hình phạt là tù từ trên ba năm đến mười lăm năm; 7 năm trong trường hợp hình phạt là tù từ trên mười lăm năm.
Với trường hợp đương nhiên được xóa án tích, người bị kết án nộp hồ sơ lên cơ quan có thẩm quyền là tòa án cấp sơ thẩm để được cấp giấy chứng nhận xóa án tích.
Còn trường hợp xóa án tích theo quyết định của tòa án, người bị tòa bác đơn xin xóa án tích lần đầu phải chờ một năm sau mới được xin xóa án tích.