Chiều 1/11, trao đổi với Zing.vn, cô Trần Thị Phương Thủy, Phó hiệu trưởng trường THPT Đông Sơn 2 (huyện Đông Sơn, Thanh Hóa), cho biết từ đầu năm học 2017-2018, trường đã triển khai nội dung giáo dục mới để nâng cao văn hóa khi sử dụng mạng xã hội Facebook cho học sinh.
Theo đó, Ban giám hiệu nhà trường đã giao cho Đoàn Thanh niên và giáo viên chủ nhiệm triển khai những yêu cầu đối với học sinh khi sử dụng Facebook như sau:
Tuyệt đối không được nói tục, chửi bậy hoặc văng bậy, kể cả chửi bậy bằng những từ viết tắt (...). Phải sử dụng ngôn ngữ trong sáng, thuần Việt.
Tuyệt đối không dùng Facebook để nói xấu bất cứ ai.
Chỉ like status (thích trạng thái) khi đã đọc kỹ nội dung của nó. Nếu like những status có nội dung xấu, chủ nhân Facebook sẽ bị quy trách nhiệm. Bởi vậy, cần phải biết đấu tranh, bày tỏ quan điểm trước status có nội dung xấu hoặc không lành mạnh.
Tuyệt đối không được để bạn bè hiểu lầm khi đọc status, nên phải viết rõ ràng.
Facebook cũng là nơi thể hiện sự văn hóa của mỗi cá nhân, nên cân nhắc kỹ trước khi like một comment (bình luận) nào đó, hoặc viết trạng thái thể hiện tâm trạng của bản thân.
Facebook không phải là nhật ký, bởi thế mọi riêng tư không nên đưa lên đây.
Học sinh trường THPT Đông Sơn 2. Ảnh: Nguyễn Dương. |
Các nội dung này được Đoàn Thanh niên trường và giáo viên chủ nhiệm tuyên truyền cho các em khi sinh hoạt dưới cờ hoặc trong các buổi sinh hoạt lớp. Có lớp tuyên truyền bằng miệng, có lớp thảo thành văn bản để các em dễ nhớ, tiếp thu.
Cũng theo phó hiệu trưởng trường THPT Đông Sơn 2, những nội dung này đã được trường tham khảo các quy định, phù hợp lứa tuổi học trò. Việc này để tránh những hệ lụy không đáng có khi học sinh sử dụng mạng xã hội.
"Mạng xã hội như con dao hai lưỡi. Bên cạnh việc chia sẻ kinh nghiệm, khó khăn trong học tập, đây cũng có thể là nguyên nhân của những mâu thuẫn, hiểu nhầm dẫn đến những hệ lụy không đáng có. Vì thế, nhà trường triển khai những nội dung này", cô Thủy nói.
Trường THPT Đông Sơn 2. Ảnh: Nguyễn Dương. |
Cô Ngô Thị Hà, giáo viên chủ nhiệm lớp 10A2, trường THPT Đông Sơn 2, chia sẻ trước kia, khi lên mạng xã hội, một số học sinh vẫn còn nói tục, chửi bậy nhiều.
"Sau khi thực hiện những lưu ý của nhà trường, có những thay đổi rõ rệt, học sinh không còn nói tục, chửi bậy và đặc biệt là khiêu khích nhau trên mạng", cô Hà vui vẻ nói.