Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trường lạm thu, suất ăn có vấn đề, ai chịu trách nhiệm?

Dẫn ra vụ việc học sinh chết trên xe đưa đón, lạm thu ở các trường phổ thông, ông Lương Lê Minh (ĐH Luật Hà Nội) đặt vấn đề về cơ chế chịu trách nhiệm đối với trường phổ thông.

Tại hội thảo khoa học cấp quốc gia về hoàn thiện hệ thống văn bản dưới luật để triển khai thực hiện Luật Giáo dục năm 2019 được tổ chức sáng 22/11 ở TP.HCM, nhiều giáo viên, chuyên gia giáo dục đã tranh luận, góp ý về những văn bản triển khai Luật Giáo dục 2019.

Theo ông Lương Lê Minh, nghiên cứu sinh ĐH Luật Hà Nội, thực tế hoạt động giáo dục phát sinh nhiều vấn đề cần được điều chỉnh bằng văn bản luật, nghị định, thông tư. Một trong số đó là mối quan hệ giữa học sinh, phụ huynh học sinh và nhà trường.

Một vấn nạn của giáo dục phổ thông hiện nay là lạm thu. Học phí cấp phổ thông rất rẻ nhưng những khoản thu ở trường lại lớn. Cấp học càng nhỏ thì càng nhiều khoản thu.

Theo ông Minh, ở góc độ dân sự, các loại hình quỹ của nhà trường như khuyến học, tiền ăn… là hình thức của quỹ ủy thác. Học sinh, phụ huynh đóng và nhà trường đứng ra sử dụng. Cơ chế nào để giám sát nhà trường sử dụng quỹ này?

truong lam thu anh 1
Nghiên cứu sinh Lương Lê Minh đặt vấn đề về cơ chế chịu trách nhiệm của các trường phổ thông. Ảnh: M.N.

"Thực tế không có phụ huynh nào dám lên tiếng vì điểm của con mình do thầy cô chấm và thầy cô cũng là người thu tiền. Pháp luật cũng không đủ hành lang về mặt dân sự để kiểm soát những quỹ này. Nhìn rộng ra, không chỉ các quỹ trong trường học mà các loại quỹ ủy thác khác đời sống, Bộ luật dân sự thiếu hẳn một chương để xử lý vấn đề này", nghiên cứu sinh ĐH Luật Hà Nội nói.

Một vấn đề khác cũng được ông Minh đề cập là cơ chế chịu trách nhiệm của nhà trường. Ông dẫn trường hợp  trường Gateway ở Hà Nội, học sinh chết trên xe buýt đưa đón của trường. Vấn đề là dịch vụ đưa đón học sinh này do một công ty bên ngoài kết hợp nhà trường thực hiện.

Khi có vấn đề xảy ra, trách nhiệm của nhà trường đến đâu vì rõ ràng là phụ huynh đóng tiền cho trường và trường đứng ra để thuê đơn vị dịch vụ bên ngoài?

"Ví dụ, trường thuê công ty là sân sau của mình để cung cấp suất ăn. Nếu có sự cố xảy ra đối với suất ăn của học sinh thì cắt hợp đồng với bên dịch vụ là xong, vì tôi đâu có trực tiếp nấu ăn,chỉ thuê thôi. Cơ chế để giải quyết vấn đề này như thế nào?", ông Minh nêu câu hỏi.

Từ đó, ông Minh đề nghị khi soạn thảo các thông tư, nghị định hướng dẫn thực hiện Luật Giáo dục 2019, các cơ quan soạn thảo nên quy định những vấn đề trên thật cụ thể.

Tại hội thảo, ông Trần Minh Ngôn, Trưởng phòng Giáo dục quận 4 (TP.HCM) cũng đưa ra nhiều điểm vướng mắc khi Luật Giáo dục được áp dụng vào thực tế. 

truong lam thu anh 2
Trưởng phòng Giáo dục quận 4 (TP.HCM) cho rằng Luật Giáo dục áp dụng vào thực tế còn nhiều vấn đề cần giải quyết. Ảnh: HCMULAW.

Ông Ngôn cho biết những năm gần đây xã hội, chúng ta kêu gọi tinh giảm biên chế. Nhưng đối với ngành giáo dục, mọi thứ đều đã có công thức, bao nhiêu học sinh thì bấy nhiêu giáo viên. Nếu tinh giản bộ máy, tinh giản con người, hoạt động của các trường sẽ gặp khó khăn.

"Nếu học sinh đông mà không đủ giáo viên, chúng tôi đóng lớp, đóng trường hay sao? Đầu năm học, sở nội vụ nói với biên chế được giao, trưởng phòng giáo dục làm sao để bộ máy được hoạt động, nếu trưởng phòng làm không được thì kiểm điểm trưởng phòng. Như thế là rất khó", ông Ngôn cho hay.

Một vấn đề khác cũng là khúc mắc giữa Bộ Nội vụ và Bộ GD&ĐT, làm đau đầu các trường học, chính là các vị trí kế toán, thủ quỹ, văn thư, y tế. Bốn vị trí nhân sự nhưng trường chỉ được tuyển dụng có 2 người.

'Luật hiện hành có sự bất cập về trường quốc tế'

Theo thạc sĩ Lưu Đức Quang, hiện nay, luật không có quy định cụ thể về loại hình trường quốc tế. Trong khi đó, nhiều trường quốc tế trên thế giới đang hoạt động ở Việt Nam.

Minh Nhật

Bạn có thể quan tâm