Đến nay đã tròn 12 năm kể từ ngày ông mất nhưng dường như chưa có nghệ sĩ Trung Quốc nào khỏa lấp được vị trí mà tài tử sinh năm 1956 bỏ trống.
Trương Quốc Vinh (1956 – 2003) là một diễn viên, ca sĩ, nhạc sĩ nổi tiếng của Hong Kong. Không chỉ sở hữu một sự nghiệp âm nhạc và điện ảnh thành công rực rỡ, Trương Quốc Vinh còn được biết đến như một trong những ngôi sao được yêu thích và có ảnh hưởng nhất tại châu Á.
Trương Quốc Vinh. |
Trương Quốc Vinh (tên tiếng Anh là Leslie Cheung) đã trải qua những năm tháng khởi nghiệp đầy khó khăn, từng bị đuổi khỏi sân khấu, album đầu tay không được đón nhận, tham gia phim có khá nhiều cảnh “lộ liễu” làm xấu đi hình ảnh trong mắt khán giả.
Tuy nhiên, nhờ sự kiên trì nhẫn nại, cố gắng không ngừng, ông đã gặt hái được nhiều thành công lớn. Được ưu ái gọi là Elvis Presley của Hong Kong, Trương Quốc Vinh từng được CNN bầu chọn vào Top 5 Biểu tượng âm nhạc toàn cầu, bên cạnh Michael Jackson, The Beatles, Bob Marley và Elvis Presley.
So với lĩnh vực âm nhạc, sự nghiệp điện ảnh của Trương Quốc Vinh khởi sắc có phần muộn màng hơn. Cho đến khi giã biệt cuộc đời, Trương Quốc Vinh đã có kinh nghiệm 24 năm tuổi nghề, tham gia tổng cộng 61 bộ phim. Nhiều vai diễn của ông thổi một làn gió mới đến với điện ảnh Trung Hoa và trở thành bất tử trong lòng người hâm mộ.
Trong Encore (1980) và Thất nghiệp sinh (On Trial, 1981), Trương Quốc Vinh đảm nhận hai vai phụ. Tuy nhiên, tài năng diễn xuất của ông lại nhanh chóng được công nhận với đề cử Nam diễn viên phụ xuất sắc tại Giải thưởng Điện ảnh Hong Kong (HKFA) cho vai diễn trong Thất nghiệp sinh.
Sau đề cử này, Trương Quốc Vinh được mời vào vai nam chính trong Teenage Dreamers (1982), và kể từ đó, hầu như anh luôn đảm nhận vai chính trong những phim mình tham gia.
Trong những năm 1980 đến 1986, hầu hết những bộ phim của Trương Quốc Vinh đều là phim dành cho giới trẻ. Trong số này, Liệt hỏa thanh xuân (No Mad, 1982) được các nhà phê bình và giới truyền thông Hong Kong nhận định là "một làn sóng mới" của điện ảnh. Vai Louis trong Liệt hỏa thanh xuân cũng đem lại cho Trương Quốc Vinh một đề cử giải Nam diễn viên xuất sắc nhất tại Giải thưởng Điện ảnh Hong Kong.
Sau này, Trương Quốc Vinh phát biểu, Liệt hỏa thanh xuân chính là phim điện ảnh "thật sự" đầu tiên của mình. Trong thời gian này, Trương Quốc Vinh còn tham gia vào một số phim truyền hình của TVB như Once Upon an Ordinary Girl và The Fallen Family.
Liệt Hỏa Thanh Xuân/No Mad (1982) - bộ phim khắc họa về đề tài văn hóa, đời sống của giới trẻ Hong Kong. |
Yên Chi Khâu/Rouge (1988) là bộ phim kể về một mối tình nồng cháy, đan xen giữa ngọt ngào, mê đắm với đau khổ bi ai giữa nàng kỹ nữ hồng bài Như Hoa (Mai Diễm Phương) và thập nhị thiếu gia Trần Chấn Bang (Trương Quốc Vinh). Tình yêu ấy bị gia đình quyền thế của Chấn Bang ngăn cản, khiến hai con người trẻ tuổi quyết định tự vẫn để sống cùng nhau.
Tuy nhiên, nàng kỹ nữ Như Hoa đợi người yêu dưới suối vàng hơn 50 năm mà không được gặp nên quyết định lên dương thế tìm anh. Sự thật phũ phàng bày ra trước mắt cô gái xinh đẹp: người đàn ông cô từng yêu say đắm chưa chết, năm xưa anh tránh né cái chết để tiếp tục hưởng nốt những thú vui lạc giới ở đời. Rốt cuộc bao tháng ngày qua chỉ có một mình nàng chờ đợi, chỉ mỗi nàng yêu chân thành dám chết vì tình yêu.
Đến chạm mặt với Chấn Bang – lúc này đã thành một ông già hơn 70 tuổi, tinh thần lẫn cẫn, sống cuộc đời nghèo khổ, nàng nhận ra, tuy còn sống nhưng cuộc đời của Chấn Bang chẳng tốt hơn nàng bao nhiêu. Cuối cùng, nàng đã chọn cách buông bỏ chấp niệm, trả lại hộp son đỏ (kỷ vật định tình Chấn Bang tặng nàng) và ra đi đầu thai kiếp khác.
Tuy xuất hiện chỉ ở phân nửa đầu phim, nhưng vai diễn thiếu gia của Trương Quốc Vinh là yếu tố quan trọng, làm nền cho danh ca Mai Diễm Phương tỏa sáng ở phần sau của phim. Anh đã nhận về giải thưởng Nam diễn viên xuất sắc ở hai liên hoan phim danh giá Hong Kong và Đài Loan.
Từ giữa thập niên 80 đến thập niên 90 là thời kỳ vàng son của điện ảnh Hong Kong, và cũng là giai đoạn đỉnh cao trong sự nghiệp điện ảnh của Trương Quốc Vinh. Năm 1991, A Phi Chính Truyện được công chiếu và thành công rực rỡ.
Nếu như điện ảnh Mỹ năm 1994 có sự phá cách trong trật tự kịch bản bởi sự xuất hiện của Pulp Fiction thì điện ảnh Hong Kong cũng không hề kém cạnh với A Phi Chính Truyện/Days of Being Wild (1991) của đạo diễn Vương Gia Vệ. A Phi Chính Truyện được diễn tả theo một cách khác biệt khác hẳn với mô típ làm phim từ trước đến giờ: dựa vào tâm lý nhân vật và để nhân vật tự sự câu chuyện của mình.
Bộ phim lấy bối cảnh ở Hong Kong và Philippines những năm 1960, Trương Quốc Vinh vào vai Húc Tử - một dân chơi sành sỏi trong việc tán tỉnh các cô gái, mang trong mình một nỗi ám ảnh về tình yêu vì bị mẹ bỏ rơi từ nhỏ. Những đối tượng của anh mỗi người một tính cách nhưng cũng đều không thể níu chân được người yêu. Trong tác phẩm kinh điển này, diễn xuất của Trương Quốc Vinh được đánh giá rất cao.
Chính vai diễn này mang về cho anh giải thưởng Nam diễn viên xuất sắc tại lễ trao giải điện ảnh Hong Kong lần thứ 10 và anh được cũng gắn với hình tượng Cánh chim không chân - trích từ một lời thoại trong phim: “Tôi đã nghe về một loài chim không chân, loài chim ấy cứ bay mãi, bay mãi trên bầu trời, và tựa vào cơn gió mỗi khi thấm mệt. Loài chim ấy chỉ đáp xuống một lần trong đời nó, đó là khi chết đi”.
Năm 1997, một tác phẩm nữa có sự góp mặt của Trương Quốc Vinh lại làm biết bao khán giả phải xúc động và vương vấn trong nhiều năm, đó là Xuân Quang Xạ Tiết (Happy Together).
Là bản tình ca buồn về một tình yêu không biên giới, Xuân Quang Xạ Tiết nói về chuyện tình của hai chàng trai trẻ Hà Bảo Vinh (Trương Quốc Vinh) và Lê Diệu Huy (Lương Triều Vỹ). Bộ phim hiện đang đứng thứ hạng 5 trong Top 100 phim Trung Quốc được yêu thích nhất mọi thời đại.
Diễn xuất của cả Lương Triều Vỹ và Trương Quốc Vinh được đánh giá rất cao. Với Trương Quốc Vinh, qua vai diễn này, ông như được sống thật với con người mình, được hòa cảm xúc và bản năng vào một Hà Bảo Vinh cá tính, phóng túng.
Góp phần làm nên cái hấp dẫn của phim cũng phải kể đến phần nhạc phim, bản Prologue (Tango Apasionado) vang lên đầy day dứt, lúc chầm chậm khi Huy đứng bên dòng thác Iguazu khóc dòng, hay vội vàng hơn khi 2 người khiêu vũ cùng nhau.
Diễn giỏi và diễn tốt ở nhiều thể loại phim, từ phim cổ trang, phim hài, đến phim hành động, phim nghệ thuật, Trương Quốc Vinh được nhiều đạo diễn "chọn mặt gửi vàng" qua nhiều vai diễn khác như Ninh Thái Thần trong Thiện Nữ U Hồn (1987), Âu Dương Phong trong Đông Tà Tây Độc (1994), Hồng Sắc Luyến Nhân (1998), Phong Nguyệt (1996), Bạch Phát Ma Nữ truyện (1993).
Tuy nhiên, thành công rực rỡ nhất và sẽ được nhớ đến nhiều nhất đó chính là sự kết hợp giữa Trương Quốc Vinh và đạo diễn Trần Khải Ca trong tác phẩm kinh điển Bá Vương Biệt Cơ/Farewell My Concubine (1993). Lần đầu tiên, một diễn viên Hong Kong được mời tham gia đóng phim của Trung Quốc đại lục.
Anh đã dành 6 tháng trời ở lại Bắc Kinh để học về ngôn ngữ cổ của Trung Quốc và cũng để học trình diễn kinh kịch Bắc Kinh. |
Bộ phim kể về số phận của diễn viên kinh kịch Trình Điệp Y (Trương Quốc Vinh) với người bạn diễn Đoàn Tiểu Lâu (Trương Phong Nghị) trong bối cảnh Trung Hoa từ năm 1924 đến năm 1977. Bộ phim chứa đầy những rung cảm nghệ thuật, xoáy sâu vào nỗi ám ảnh và sự phản bội trong cả một thời kỳ lịch sử kéo dài nửa thế kỉ, từ những năm đầu chế độ Dân Quốc cho đến những năm cuối của Cách mạng văn hóa.
Trình Điệp Y là một diễn viên hết mình vì sự nghiệp kinh kịch và cũng hết mình vì người bạn diễn, người sư huynh Đoàn Tiểu Lâu. Điệp Y đã xóa nhòa khoảng cách phân định nam và nữ, kịch và đời. “Nàng” luôn bị ám ảnh về niềm tin đặt vào Tiểu Lâu, cũng như Ngu Cơ hết lòng và dành trọn tình yêu dành cho Bá Vương.
Nhập tâm quá xuất sắc, Trương Quốc Vinh được đề cử cho cả hai hạng mục Nam diễn viên xuất sắc và Nữ diễn viên xuất sắc tại Liên hoan phim Cannes 1993. Riêng tác phẩm được đề cử 2 giải Oscar năm 1994. Vai diễn này đã đưa Trương Quốc Vinh lên hàng ngôi sao quốc tế.
Không chỉ tài năng mà ở Trương Quốc Vinh còn có một nhân cách đáng quý, đó là sự chính trực, lòng nhân từ, sự tận tâm với nghề và tình yêu quê hương tha thiết. Anh lao tâm thực hiện nhiều dự án để tôn vinh, thúc đẩy sự phát triển của Hong Kong, cũng giống như nhân vật Điệp Y khi bị xét xử vì tội phản quốc cũng đã nói: “Tôi có hát cho người Nhật, tôi cũng căm thù người Nhật. Nhưng ở đấy có những người thực sự nghe tôi hát. Nếu còn sống, tướng Aoki sẽ mang nghệ thuật tuồng cổ đến Nhật”.
Đã 13 năm kể từ ngày Trương Quốc Vinh ra đi đột ngột, nhưng những đóng góp của anh với nền nghệ thuật vẫn còn sáng mãi, là niềm tự hào của biết bao người hâm mộ, là tấm gương cho những diễn viên, nghệ sĩ hay những bạn trẻ đang theo đuổi nghệ thuật noi theo. Có lẽ, tài năng của anh cũng giống như loài chim không chân ấy, cứ bay cao, bay xa mãi, để rồi chỉ đậu xuống đúng một lần duy nhất, đó cũng là lúc anh ra đi...