Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trường tư xứ Huế 'thoi thóp'

Ra đời khoảng 10 năm lại đây, hệ thống trường phổ thông ngoài công lập tại Huế vốn đã ít, nay đứng trước nguy cơ phải ngưng hoạt động, do gặp quá nhiều khó khăn về tuyển sinh.

Năm học 2016-2017 này được xem là thời điểm khó khăn nhất đối với hệ thống trường phổ thông ngoài công lập tại Thừa Thiên Huế. Theo Sở GD&ĐT tỉnh, số lượng tuyển sinh trường ngoài công lập cứ “tụt dốc không phanh”, năm sau giảm nhiều hơn so với năm trước.

Năm nay, mặc dù cơ sở vật chất được đầu tư rất tốt, tất cả các trường ngoài công lập tại Thừa Thiên - Huế (trừ mầm non) đều tuyển không đủ chỉ tiêu đề ra; thậm chí, chỉ tuyển chưa bằng 1/3 chỉ tiêu đăng ký với Sở GD&ĐT.

Khó tuyển sinh

Đơn cử, Trường Huế Star (huyện Phú Vang) chỉ tuyển được 13 trên 60 chỉ tiêu học sinh (HS) vào khối lớp 10, Trường Chi Lăng (Huế) tuyển được 43 trên 90 chỉ tiêu THPT, Trường Trần Hưng Đạo (Huế) tuyển 20 trên 90 chỉ tiêu.

Tương tự, lượng tuyển khối THCS của các trường tư thục cũng hết sức nghèo nàn. Trường Huế Star chỉ tuyển được 13 trên 40 chỉ tiêu vào lớp 6 (riêng khối tiểu học tuyển được 15 HS lớp 1).

Bước vào năm học mới này, hai bậc đào tạo tiểu học và THCS của Trường Chi Lăng chỉ còn lại 76 HS (trong đó có 42 em khối tiểu học).

truong tu xu Hue anh 1
Tất cả HS khối tiểu học và THCS Trường Chi Lăng (thành phố Huế) phải chuyển giao về trường công. Ảnh: Tiền Phong.

Theo ông Phạm Văn Hùng, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Thừa Thiên - Huế, khó khăn về tuyển sinh của các trường ngoài công lập ở Huế đã nảy sinh từ những năm trước.

Ông Hùng cho biết mặc dù Sở GD&ĐT đã bình đẳng hóa trong việc tạo cơ hội tuyển sinh cho cả trường tư, lẫn trường công, trường phổ thông ngoài công lập vẫn gặp khó khăn, hụt hơi về tuyển sinh so với trường công và đứng trước nhiều nguy cơ.

Nguyên nhân chính là tâm lý phụ huynh vẫn muốn con em học trường công hơn, mặt khác là điều kiện kinh tế gia đình không đủ trang trải cho việc học trường tư. Bên cạnh đó, “thương hiệu” trường tư tại Huế chưa đủ mạnh để thu hút người học như tại nhiều tỉnh, thành khác.

Nguy cơ đóng cửa

Mặc dù năm học mới chính thức bắt đầu đã gần một tháng, tại Trường Chi Lăng, đội ngũ quản lý hiện vẫn xoay xở chuyển giao các khối lớp tiểu học và THCS (chỉ với tổng số vỏn vẹn 76 HS) về cho các trường công lập tại Huế, do không đủ sức duy trì khi người học quá ít.

“Chúng tôi đã yêu cầu lãnh đạo trường Chi Lăng phải trực tiếp liên hệ với hiệu trưởng các trường công lập, căn cứ đăng ký của phụ huynh để chuyển giao học sinh, trên tinh thần đồng ý của UBND thành phố Huế. Đến nay, khối tiểu học đã chuyển giao xong, THCS cũng sẽ hoàn thành chuyển về trường công trong tháng 9 này”, ông Hùng cho biết. Như vậy, Trường Chi Lăng hiện chỉ còn lại khối lớp THPT, với số lượng tuyển ít ỏi như đã nêu ở trên.

Còn tại Trường THPT tư thục Thế Hệ Mới (huyện Phú Lộc), bước vào năm học mới này, đơn vị tiếp tục ngừng tuyển sinh, khối lớp cuối cùng của trường (chỉ với 11 em HS lớp 12) cũng đã ra trường từ năm học trước.

“Như vậy, trong 3 năm lại đây, trường Thế Hệ Mới đã ngừng tuyển sinh. Hiện nay, nhà trường đang làm thủ tục để giải thể”, ông Hùng thông tin.

Học sinh trường tư thục ăn trưa như thế nào?

Tại một số trường tư thục ở Hà Nội, học sinh ăn trưa với nhiều món tự chọn. Có trường, hiệu trưởng, thầy cô giáo ăn trưa cùng các em.

http://tienphong.vn/giao-duc/thoi-thop-truong-tu-xu-hue-1054718.tpo#ref-https://www.facebook.com/

Theo Ngọc Văn / Tiền Phong

Bạn có thể quan tâm