Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trượt khóc, đậu lại... mếu

Là giảng viên một trường đại học, có lẽ nỗi trăn trở lớn nhất của tôi chính là vấn đề việc làm của sinh viên.

 

Chuyện sinh viên năm cuối tâm sự về nỗi lo thất nghiệp sau khi ra trường khiến tôi suy nghĩ rất nhiều.

Có em nói rằng: “Ra trường em chưa biết sẽ làm việc ở đâu, trong khi nhà em vay nợ để em đi học cả một đống, căng lắm cô ạ”. Một em khác kể: “Trước đây bố mẹ em muốn em vào đại học là để thoát cái nghèo, nhưng thoát nghèo đâu chưa thấy đã gánh nghèo về rồi cô ạ. Chuẩn bị ra trường mà em thấy mù mờ, mông lung quá”.

Nước mắt người mẹ nghèo không có tiền cho con theo đại học

Đạt 26,75 điểm, Nguyễn Thị Phương không trúng tuyển Học viện Cảnh sát Nhân dân, nhưng có thể đỗ nhiều đại học khác. Vì gia đình khó khăn, nữ sinh phải đi làm thuê kiếm sống.

Tôi nhớ năm ngoái, có một em nữ sinh viên năm đầu đã tâm sự thật lòng rằng: “Đúng là trượt cũng khóc mà đậu đại học cũng mếu cô ạ. Bố mẹ em lo nhất là đầu ra sau này của em. Con vừa bước chân vào đại học mà bố mẹ đã lo ngay ngáy từ bây giờ rồi”.

Nhưng nhiều nhất có lẽ là sinh viên năm cuối, không ít em tỏ ra bi quan về tương lai, nỗi lo thất nghiệp chồng chất.

Có em bảo luôn trong trạng thái quay như chong chóng với tiền trọ, tiền ăn, tiền tiêu, tiền học trong suốt những năm tháng sinh viên. Bố mẹ ở quê làm lụng cực nhọc gửi tiền lên chỉ mong con nhanh có tấm bằng để tự lo tương lai, nhưng sao càng đến ngày tốt nghiệp thì nỗi lo càng nhiều, sự kỳ vọng của cha mẹ càng khiến em căng thẳng. Nhiều em mang tâm lý sợ ra trường là vì thế.

Tôi vẫn kết nối thường xuyên với sinh viên của mình. Nhiều em tâm sự không hào hứng khi học đại học mà vẫn giữ “nếp cũ” như giờ giảng lý thuyết khô khan, rồi chuyện đọc chép vẫn còn diễn ra. Cũng có lúc tôi nhận được một vài phản hồi buồn của sinh viên như chán học.

Tại sao nhiều em lúng túng trước ngưỡng cửa tương lai, chỉ biết than thở với nỗi lo thất nghiệp? Chẳng ai cứu được các em nếu như các em không tự cứu mình. Các em có bao giờ tự vấn bản thân mình rằng ngồi trên giảng đường này để làm gì, sẽ làm gì tiếp theo không hay chỉ biết than ngắn thở dài, bối rối, mù mờ khi sắp sửa cầm tấm bằng trong tay mà chẳng biết làm gì?

Các em phàn nàn rằng nhiều môn học thiếu thực tế, không được ứng dụng thực tiễn, lý thuyết suông nên sợ rằng ra trường sẽ không làm được việc, không đáp ứng được yêu cầu của các nhà tuyển dụng, sẽ lơ ngơ như gà mắc tóc.

Thời gian này, sinh viên năm cuối các trường đại học đang đi thực tập, làm khóa luận tốt nghiệp, chuẩn bị bảo vệ luận văn nên chuyện sinh viên than thở, nỗi lo thất nghiệp càng nhiều, tâm lý của các em cũng bị bối rối, mất bình tĩnh trước ngưỡng cửa cuộc đời.

Những áp lực của sinh viên năm cuối khiến các em có những ngã rẽ khác nhau. Nhiều em tự tin, có chút ít kinh nghiệm do đi làm thêm trong thời gian sinh viên thì định hướng được các bước sẽ thực hiện sau khi có tấm bằng như nộp đơn vào cơ quan nào đó.

Tuy nhiên cũng có nhiều em chưa xác lập được con đường đi của mình vì bị “âm” kiến thức, thiếu kỹ năng cũng như nông cạn lý tưởng. Một em còn than thở: “Em không biết sẽ làm gì khi cầm tấm bằng”. Có em tâm sự rằng: “Chắc em phải học lên thạc sĩ để giết thời gian”.

Cách nhìn của các em đã thực tế hơn rất nhiều khi chuẩn bị tốt nghiệp đại học. Cái đích là một công việc tốt, thu nhập cao nhưng thực tế, nhiều em đang thiếu lòng tin vào tấm bằng đại học, về kiến thức nhận được trong suốt mấy năm ngồi trên giảng đường. Để rồi bao lớp sinh viên ra trường thường quay về đổ lỗi cho nền giáo dục không “chất”, không thực tế, không được thực hành nhiều, lý thuyết suông, những bài giảng dài lê thê nên... thất nghiệp!

Có lẽ các em thiếu thật sự, nhưng chưa hẳn là kiến thức chuyên môn hay những giờ giảng, những giờ thực hành mà là thiếu lý tưởng. Tôi nghĩ nhiều người sẽ không đồng tình với ý kiến này nhưng thật sự nhiều em khi sắp sửa ra trường ngoài cảm giác buồn chán, mù mờ, lạc đường thì không có định hướng rõ mình sẽ làm gì, cụ thể là đi theo hướng nào.

Thiếu kỹ năng mềm, thiếu kế hoạch cho tương lai đang đẩy các em vào ngõ cụt. Các em cần sự trải nghiệm, sự dấn thân, bản lĩnh của người trẻ thay vì suy nghĩ cực đoan cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ thời nay “rẻ như bèo”, thất nghiệp dài dài và mình không nằm ngoài số đó...

Nhiều em chấp nhận đi đường vòng, làm những công việc không đúng chuyên môn, chấp nhận thử thách và được trải nghiệm nên dần dần đã thể hiện được năng lực của mình chứ không ngồi đó “kêu gào”, cực đoan chê trách chương trình học trong trường đại học 10 nhưng dùng chỉ được 1 phần.

 

Con không thích vào đại học

Một người bạn điện cho tôi khóc lóc kể rằng con trai út chị ấy kỳ thi vừa qua được 23 điểm, dư sức vào một số trường đại học công lập tại TP.HCM, nhưng cậu bé lại “không thèm” vào đại học mà xin vào làm công nhân... tại một xí nghiệp Q.Tân Bình! Lý luận của cậu:

- Với số lượng cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp hàng trăm ngàn người trên cả nước, mẹ đã thấy xóm mình mấy anh chị có bằng đại học lại xin đi làm công nhân sau nhiều năm xin việc không thành. Vậy tốt nhất con đi làm công nhân, khỏi học đại học, như vậy có thể tiết kiệm cho gia đình một trăm triệu đồng chi phí cho 4 năm học đại học.

Nói xong, cậu đủng đỉnh đi làm công nhân dù chị bạn tôi hết sức giải thích bằng đại học như một “giấy thông hành” giúp con tự tin vào đời. Vợ chồng chị sẵn sàng chịu tốn kém chỉ để con có bằng đại học “với người ta”. Vậy mà con trai vẫn tỉnh bơ:

- Là một công nhân giỏi tay nghề sau bốn năm cũng đủ tự tin rồi.

Cậu còn thêm vào khi viết đơn xin vào làm công nhân với trình độ 12/12, cậu đã dư sức tự tin mình sẽ được tuyển dụng và sẽ làm tốt công việc công nhân. Chị bạn và chồng đều “cứng họng” trước lập luận của con trai sau 12 năm liền là học sinh giỏi. Họ hỏi tôi cách giải quyết vấn đề. Tôi xin chuyển đến báo để nhờ bạn đọc chung tay góp ý.

Nguyễn Ngọc Hà

http://tuoitre.vn/tin/giao-duc/20150831/truot-khoc-dau-lai-meu/961179.html

Theo Lê Nhi/Tuổi Trẻ

Bạn có thể quan tâm