Liên quan đến vụ hơn 400 tỷ "biến mất" ở chi nhánh Hải Phòng, Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) đã ra quyết định truy nã với 3 bị can tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định Điều 139 Bộ luật hình sự.
Những người bị truy nã gồm: Trần Thị Kim Chi (43 tuổi, quê Nam Định, Giám đốc Chi nhánh Hải Phòng - Ngân hàng thương mại TNHH MTV Đại Dương); Lê Vương Hoàng (36 tuổi, quê Thái Bình, kiểm soát viên chi nhánh ngân hàng) và Nguyễn Thị Minh Huệ (35 tuổi, quê Thái Bình, cán bộ chi nhánh ngân hàng).
3 bị can bị phát lệnh truy nã gồm Huệ, Chi, Hoàng (từ trái qua). |
Cụ thể, Oceanbank cho biết thông qua kiểm tra, giám sát nội bộ và điều chuyển cán bộ trụ sở chính về hỗ trợ chi nhánh Hải Phòng trong thời gian một số cán bộ chi nhánh tham dự phiên tòa xét xử vụ án Hà Văn Thắm và đồng phạm từ ngày 25/8, ngân hàng đã phát hiện dấu hiệu vi phạm.
Các dấu hiệu vi phạm tại Oceanbank chi nhánh Hải Phòng liên quan đến nghiệp vụ huy động tiền gửi tiết kiệm. Cụ thể, thông tin trên thẻ tiết kiệm không khớp với thông tin được hạch toán trong hệ thống corebanking về tên người gửi, số tiền gửi.
Qua xác minh ban đầu, Oceanbank cho hay sự việc gian dối trên bắt đầu phát sinh từ năm 2012.
17 khách hàng có đơn gửi đến cơ quan chức năng tố cáo Oceanbank chi nhánh Hải Phòng thoái thác trách nhiệm nhằm chiếm đoạt tiền gửi của khách.
Nội dung đơn tố cáo cho biết năm 2012, 17 khách hàng gửi hơn 400 tỷ đồng tại chi nhánh này. Đến tháng 9/2017, những người này đi tất toán thì được thông báo sổ không hợp lệ và hơn 400 tỷ đồng này không có trong hệ thống.
Cùng lúc đó, nguyên Giám đốc chi nhánh là bà Trần Thị Kim Chi bỏ trốn nên họ làm đơn tố cáo.
Trước đó, ngày 16/9, Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự đối với Trần Thị Kim Chi, nguyên Giám đốc Oceanbank chi nhánh Hải Phòng cùng đồng bọn lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Điều 139 - Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản: Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
1. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;
g) Gây hậu quả nghiêm trọng
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;
b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
3.Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;
b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
4.Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.”