Công an tỉnh Thái Bình vừa hoàn tất bản kết luận điều tra, đề nghị truy tố vợ chồng ông Nguyễn Văn Lẫm (59 tuổi) và bà Phạm Thị Quyết (54 tuổi, cùng ở Thái Bình) về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo Khoản 4 Điều 175 Bộ luật Hình sự 2015.
Vợ chồng ông Lẫm, bà Quyết là chủ Công ty TNHH Lâm Quyết, có trụ sở tại xã Vũ Chính, TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình.
Vợ chồng ông Lẫm, bà Quyết hầu tòa hồi tháng 5/2020. Ảnh: N.H. |
Bản kết luận điều tra xác định từ năm 2012 đến khi bị khởi tố, bắt tạm giam vào năm 2018, ông Lẫm cùng bà Quyết đã vay của 12 cá nhân và Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Thái Bình tổng cộng gần 21 tỷ đồng.
Trong số này, có 2 khoản vay trị giá 400 và 500 triệu đồng từ vợ chồng ông Đỗ Văn Tới và bà Lê Thị Tuyết (cùng ở TP Thái Bình). Các khoản vay lần lượt được lập thành hợp đồng vào ngày 23/1/2013 và 20/1/2016 với lãi suất 2%, tài sản thế chấp là ôtô Camry biển kiểm soát 17K-9966 của vợ chồng ông Lẫm. Ông Tới không giữ ôtô do có mối quan hệ tốt, tin tưởng 2 bị can.
Sau nhiều lần cho khất nợ, tháng 1/2017, ông Tới yêu cầu trả tiền gốc tổng 2 khoản vay với số tiền là 900 triệu đồng. Tuy nhiên, 2 bị can đã khất lần, sau đó tạo dựng việc đã trả tiền cho ông Tới và ông Tới có viết giấy biên nhận, để chối bỏ trách nhiệm trả nợ, đồng thời chiếm đoạt 900 triệu đồng của chủ nợ.
Kết luận điều tra còn cáo buộc vợ chồng ông Lẫm gian dối khi tự ý bán chiếc xe là tài sản thế chấp cho ông Phạm Công Tự ở TP Thái Bình khi chưa trả số tiền vay và không hỏi ý kiến ông Tới. Việc sử dụng chiếc ôtô này cũng được 2 bị can che giấu.
Ngoài ra, trong các khoản vay của bị can còn có khoản vay trị giá 1,7 tỷ đồng từ Nguyễn Thị Dương (vợ Đường "Nhuệ") trong năm 2017. Chiều 3/10/2017, hay tin chủ công ty bỏ trốn, tẩu tán tài sản nên Đường cùng con nuôi là Bùi Mạnh Tiến (tức Tiến "Trắng") đến trụ sở Công ty Lâm Quyết ngăn người khác xâm phạm, lấy đồ trong lúc ông Lẫm và bà Quyết chưa về.
Hai bị can tố Đường cùng đàn em chiếm giữ nơi này hơn 2 tuần, lấy máy móc, thiết bị và cả giấy biên nhận việc trả nợ 900 triệu đồng cho chủ nợ. Trước tòa, Đường "Nhuệ" phủ nhận những cáo buộc này.
Đường "Nhuệ" phủ nhận tố cáo siết nợ, lấy giấy biên nhận trả nợ của vợ chồng chủ Công ty Lâm Quyết. Ảnh: H.L. |
Kết luận điều tra xác định hành vi của các bị can Lẫm, Quyết là đặc biệt nghiêm trọng, xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của vợ chồng ông Tới, bà Tuyết. Do đó, cơ quan điều tra vẫn giữ nguyên quan điểm, đề nghị truy tố 2 bị can giống như bản kết luận điều tra ban hành lần đầu.
Ngày 12/4/2018, Công an TP Thái Bình ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can. Tới ngày 21/5/2018, vụ việc được VKSND TP Thái Bình chuyển cho Công an tỉnh Thái Bình điều tra theo thẩm quyền.
Ngày 12/6/2019, TAND tỉnh Thái Bình đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm, tuyên phạt 2 bị cáo Lẫm và Quyết lần lượt 14 và 13 năm tù về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Ngày 11/5/2020, tại phiên xét xử phúc thẩm, TAND cấp cao tại Hà Nội tuyên hủy bản án sơ thẩm, trả hồ sơ, đề nghị VKSND tỉnh Thái Bình trả hồ sơ yêu cầu điều tra lại toàn bộ vụ án.
Ngày 27/5/2020, VKSND tỉnh Thái Bình trả hồ sơ để Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình điều tra lại theo thẩm quyền.
Trong 7 nội dung yêu cầu làm rõ của HĐXX TAND cấp cao tại Hà Nội có khoản vay 1,7 tỷ đồng từ Nguyễn Thị Dương. Qua xác minh, công an xác định lãi suất khoản vay tính theo lãi suất ngân hàng nên không đủ cơ sở kết luận Dương có hành vi cho vay lãi nặng.
Về việc Đường "Nhuệ" cùng Tiến "Trắng" bị tố chiếm giữ công ty và siết nợ, công an đã tách vụ việc thành một vụ án khác, không liên quan tới vụ án này.