Theo cáo trạng, tháng 9/2019, Phan Thanh Hữu (sinh năm 1957) và Đào Ngọc Viễn đã bàn bạc, góp vốn thực hiện hành vi buôn lậu xăng giả. Sau đó Hữu, Viễn cùng Phạm Hùng Cường (ngụ TP Hải Phòng), Phùng Danh Thoại (đại tá, Trưởng phòng xăng dầu Cục hậu cần - Bộ tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam) và một người tên Trọng cùng nhau góp vốn 53 tỷ đồng để mua xăng lậu từ Singapore đưa về Việt Nam tiêu thụ và chia lời.
Viễn đã giới thiệu chủ hàng ở Singapore cho Hữu trực tiếp thỏa thuận mua xăng lậu. Nhóm này thuê của Viễn tàu biển mang tên Pacific Ocean trọng tải 3.000 tấn và tàu Western Sea có trọng tải 5.000 tấn chở xăng dầu từ Singapore về Việt Nam giao cho các tàu Nhật Minh của Hữu, đưa vào sông Hậu thuộc địa bàn thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long và khu vực tỉnh Khánh Hòa để tiêu thụ.
Phan Thanh Hữu làm việc với cơ quan công an. |
Nhập xăng nhập lậu có màu trắng, nhưng tại thị trường Việt Nam xăng bán ra có màu vàng nhạt nên Hữu đã tìm mua chất bột màu vàng và dung môi dùng để hòa tan chất bột vàng này. Sau đó, xăng lậu từ tàu Nhật Minh được bơm sang các kho chứa xăng dầu của các đầu nậu, đại lý rồi chở đi tiêu thụ cho các đầu mối ở Đồng Nai, TP.HCM, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu, Khánh Hòa....
Ngoài ra, Hữu còn sử dụng các tàu Nhật Minh vận chuyển xăng lậu bán sang Campuchia. Mỗi tháng đường dây này vận chuyển 3-6 chuyến với khoảng 5 triệu lít xăng mỗi chuyến.
Mỗi chuyến hàng nhập lậu vào Việt Nam, Hữu phải trả tiền thuê tàu cho Viễn, trả công tiền môi giới, chi phí đưa hối lộ cho các cá nhân trong các cơ quan chức năng. Sau đó, Hữu được hưởng 40% lợi nhuận, còn Viễn, Cường, Thoại được hưởng 60% lợi nhuận.
Từ tháng 3/2020 đến tháng 2/2021, Phan Thanh Hữu, Nguyễn Hữu Tứ, Đào Ngọc Viễn cùng các đồng bọn đã vận chuyển 48 chuyến, tổng cộng gần 200 triệu lít xăng lậu, trị giá khoảng gần 2.900 tỷ đồng. Trong đó, đã tiêu thụ hơn 196 triệu lít, thu lợi hàng trăm tỷ đồng, riêng Hữu hưởng hơn 105 tỷ đồng.
Công an tạm giữ các tàu vận chuyển xăng lậu. |