Trong vụ thứ nhất, Viện KSND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu quyết định truy tố các bị can: Nguyễn Thị Hoài về các tội: “Trốn thuế” và “Mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách Nhà nước”; Nguyễn Đình Tiến, Trần Anh Đức, Lê Văn Cát về tội “Trốn thuế”.
Theo cáo trạng, từ năm 2018 đến năm 2021, trong quá trình điều hành Công ty Phú Thịnh, Nguyễn Thị Hoài đã có hành vi xuất bán 51 hóa đơn GTGT ghi nội dung của Công ty Phú Thịnh (trong đó xuất khống hóa đơn GTGT 43 tờ, ghi khống thêm giá trị hàng hóa, dịch vụ 8 tờ hóa đơn GTGT) cho 4 công ty gồm: Công ty Bưu chính viễn thông, Công ty Quốc Đại, Công ty Miền Nam và Công ty Hiệp Anh, tổng giá trị chưa thuế của 51 hóa đơn GTGT hơn 3,7 tỷ đồng, thuế GTGT hơn 375 triệu đồng.
Các bị can bị truy tố về các tội “Trốn thuế” và “Mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ..." với số tiền trốn thuế hàng tỷ đồng. Ảnh: Minh họa. |
Để hợp thức hàng hóa, dịch vụ mua vào của Công ty Phú Thịnh đối với số hóa đơn GTGT xuất khống, Hoài đã sử dụng 16 tờ hóa đơn GTGT khống của các doanh nghiệp khác (Công ty Minh Quân, Công ty An Phát, Công ty Cao Trí) với tổng giá trị chưa thuế là hơn 3 tỷ đồng, thuế GTGT hơn 302 triệu đồng, để hạch toán kê khai thuế và chi phí mua vào. Kết luận giám định xác định tổng số tiền Hoài trốn thuế hơn 905 triệu đồng.
Nguyễn Đình Tiến đã trực tiếp thỏa thuận để được Hoài xuất khống 16 tờ hóa đơn GTGT của Công ty Phú Thịnh với tổng giá trị chưa thuế hơn 1,7 tỷ đồng, thuế GTGT hơn 179 triệu đồng. Lê Văn Cát được Hoài xuất khống 28 hóa đơn GTGT với tổng giá trị chưa thuế hơn 469 triệu đồng, thuế GTGT hơn 46 triệu đồng. Còn Trần Anh Đức được Hoài xuất khống 4 tờ hóa đơn GTGT với tổng giá trị chưa thuế hơn 1,2 tỷ đồng, thuế GTGT hơn 122 triệu đồng.
Tiến, Cát và Đức sử dụng các hóa đơn này để hạch toán thuế GTGT mua vào, hợp thức chi phí thuê nhân công. Kết luận Giám định thuế xác định tổng số tiền Tiến trốn thuế hơn 538 triệu đồng; Cát trốn thuế hơn 141 triệu đồng; Đức trốn thuế hơn 368 triệu đồng.
Vụ thứ hai, VKSND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu quyết định truy tố các bị can: Võ Thị Bích Lộc về tội: “Trốn thuế”; Trịnh Thị Lệ và đồng phạm về tội “Mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách Nhà nước”.
Theo cáo trạng, Võ Thị Bích Lộc là người điều hành Công ty Minh Lộc, từ tháng 9/2022 đến tháng 1/2023, Công ty Minh Lộc đã mua một số loại hàng hóa: vòng bi, bánh răng, động cơ, trục, băng tải, dây đai... không rõ nguồn gốc xuất xứ và không có hóa đơn trên thị trường phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh đá mài, thay thế vật tư dây chuyền mài của công ty và bán lại cho các khách hàng có nhu cầu.
Để hợp thức nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa đầu vào không có hóa đơn GTGT nhằm làm tăng chi phí đầu vào và làm giảm số thuế phải nộp, Lộc đã liên hệ với Nguyễn Thị Nhị để mua 37 số hóa đơn GTGT của 7 công ty khác nhau (đều là các công ty “ma”) có tổng giá trị hóa đơn chưa thuế hơn 17 tỷ đồng, thuế VAT hơn 1,4 tỷ đồng để kê khai khấu trừ thuế GTGT đầu vào. Kết luận giám định xác định tổng số tiền Lộc trốn thuế hơn 1,4 tỷ đồng.
Trịnh Thị Lệ là người trực tiếp sử dụng pháp nhân của 7 công ty trên để xuất bán trái phép hóa đơn GTGT cho Phạm Thị Mộng Tuyền, thu lợi bất chính hơn 260 triệu đồng. Tuyền mua 37 số hóa đơn của bị can Lệ rồi bán cho Nhị, thu lợi bất chính hơn 103 triệu đồng. Nhị mua 37 tờ hóa đơn của Tuyền với giá hơn 364 triệu đồng và bán cho Lộc, để Nhị hưởng chênh lệch hơn 64 triệu đồng.
Sách về Pháp luật
Cuốn sách "100 câu hỏi giải quyết tranh chấp về thừa kế tại tòa án" góp phần nâng cao kiến thức, kinh nghiệm cho những người tham gia vào việc giải quyết các vụ việc dân sự tại tòa án và nhằm tuyên truyền, phổ biến pháp luật giải quyết tranh chấp về thừa kế tới bạn đọc.