Trước đó, vào đầu tháng 1/2014, TAND Hà Nội đã quyết định trả hồ sơ vụ án bầu Kiên để tiến hành điều tra bổ sung thêm một số tình tiết chưa được làm sáng tỏ.
Sau đó, Viện KSND Tối cao đã quyết định phục hồi điều tra đối với ông Phạm Trung Cang (SN 1954, nguyên Phó Chủ tịch Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu (ACB)) về hành vi cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, theo Điều 165 Bộ luật Hình sự, đồng thời phê chuẩn quyết định khởi tố bị can đối với ông Huỳnh Quang Tuấn, thành viên thường trực HĐQT ACB cùng về hành vi trên...
Bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như tiếp tục bị truy tố trong vụ án Bầu Kiên. |
Theo đánh giá của cơ quan chức năng, hai bị can này có liên quan đến chủ trương ủy thác cho nhân viên ACB mang tiền gửi vào ngân hàng TMCP Công Thương (Vietinbank) để hưởng lãi suất 17,8% - 27%/năm. Việc làm này vi phạm quy định của Luật Các tổ chức tín dụng về nghiệp vụ ủy thác, dẫn đến bị đối tượng Huỳnh Thị Huyền Như lừa đảo chiếm đoạt hơn 718 tỷ đồng. Đây cũng là hai bị can mới được bổ sung vào danh sách tổng cộng 9 bị can bị truy tố lần này.
Tại cáo trạng lần 2, Viện KSND Tối cao vẫn truy tố Nguyễn Đức Kiên, nguyên Phó Chủ tịch HĐQT, Phó Chủ tịch Hội đồng sáng lập ACB, bị truy tố 4 tội danh: “kinh doanh trái phép”; “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”; “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “trốn thuế”.
Còn hai bị can Trần Ngọc Thanh, Giám đốc Cty cổ phần Đầu tư ACB Hà Nội; Nguyễn Thị Hải Yến, Kế toán trưởng Cty cổ phần Đầu tư ACB Hà Nội bị truy tố về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Các bị can Trần Xuân Giá, nguyên Chủ tịch HĐQT ACB; Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang, đều nguyên Phó Chủ tịch ACB; Lý Xuân Hải, nguyên Tổng Giám đốc ACB; Phạm Trung Cang, nguyên Phó Chủ tịch HĐQT ACB; Huỳnh Quang Tuấn, nguyên thành viên thường trực HĐQT ACB bị truy tố về tội “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
Tổng số tiền thiệt hại do 9 bị can gây ra trong vụ án này là 1.695,6 tỷ đồng.