Ngày 20/7, Cơ quan ANĐT Bộ Công an cho biết đã hoàn thành bản kết luận điều tra, chuyển hồ sơ sang Viện KSND Tối cao, đề nghị truy tố Nguyễn Tuấn Anh về hành vi “Làm giả tài liệu của tổ chức”.
Vụ án bắt nguồn từ việc Cơ quan ANĐT Bộ Công an điều tra vụ án Đặng Nguyễn Như Phương cùng đồng phạm tổ chức, môi giới cho người khác nhập cảnh, ở lại trái phép; làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức xảy ra tại Hà Nội và một số tỉnh, thành phố. Vụ án sau đó đã được đưa ra xét xử, Đặng Nguyễn Như Phương bị tuyên phạt 13 năm tù giam về các tội “Tổ chức cho người khác nhập cảnh, ở lại Việt Nam trái phép và làm giả tài liệu của tổ chức”.
Trong quá trình điều tra, làm rõ vụ án, các cán bộ thuộc Văn phòng Cơ quan ANĐT, Bộ Công an đã phát hiện dấu hiệu vi phạm của Tuấn Anh trong việc sử dụng phần mềm máy tính để làm giả tài liệu là các file hình ảnh chứng thực CMND, CCCD, hộ chiếu của các cá nhân liên quan gửi đến Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp với mục đích thành lập công ty theo đề nghị của Phương; các tài liệu liên quan đến việc Văn phòng Chính phủ ra các văn bản chấp thuận nguyên tắc cho 4 đoàn được nhập cảnh vào Việt Nam theo đề nghị của 3 công ty…
Căn cứ vào các tài liệu thu thập được, ngày 19/6/2023, Cơ quan ANĐT Bộ Công an đã ra quyết định tách hành vi, tài liệu quan trọng trong vụ án Đặng Nguyễn Như Phương cùng đồng phạm tổ chức, môi giới cho người khác nhập cảnh, ở lại Việt Nam trái phép; làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức xảy ra tại Hà Nội và một số tỉnh, thành phố để điều tra, làm rõ theo trình tự, thủ tục của pháp luật. Căn cứ kết quả điều tra, ngày 20/10/2023, Cơ quan ANĐT, Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “Làm giả tài liệu của tổ chức” xảy ra tại Hà Nội và các địa phương khác; diễn biến hành vi vi phạm tội của các đối tượng.
Quá trình điều tra xác định, giữa năm 2020, Đặng Nguyễn Như Phương (SN 1992, trú tại phường Phúc Xá, quận Ba Đình, Hà Nội) có nhu cầu thành lập công ty để bảo lãnh cho người nước ngoài (NNN) nhập cảnh trái phép vào Việt Nam. Qua các mối quan hệ xã hội, Phương biết Tuấn Anh làm dịch vụ thành lập công ty… Vì thế, từ tháng 10/2020 đến tháng 2/2021, đối tượng đã thuê Tuấn Anh làm thủ tục thành lập và thay đổi pháp nhân cho 8 công ty, trong đó có 7 công ty thành lập mới và 1 công ty thay đổi chủ sở hữu.
Để Tuấn Anh có thông tin thành lập, thay đổi chủ sở hữu 8 công ty, qua ứng dụng mạng xã hội, Phương đã gửi cho đối tượng này các thông tin gồm tên công ty cần thành lập hoặc mã số công ty cần thay đổi chủ sở hữu, địa chỉ công ty, vốn điều lệ, ngành nghề kinh doanh; ảnh chụp hai mặt CCCD hoặc CMND hoặc hộ chiếu, ảnh chụp chữ ký của Phương và cá nhân đứng tên giám đốc, chủ sở hữu.
Tuấn Anh đã soạn thảo 8 bộ hồ sơ đăng ký thành lập, thay đổi công ty và làm giả 6 tài liệu chứng thực CCCD/ CMND và hộ chiếu của 2 văn phòng công chứng (dưới định dạng file hình ảnh) bằng cách tải hình ảnh chứng thực (có con dấu và chữ ký của công chiến) của Văn phòng công chứng Trương Thị Nga ở phường Phúc La, quận Hà Đông, TP Hà Nội và Văn phòng công chứng Phùng Quân, ở tại phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội trên mạng về máy tính. Sau đó, các đối tượng sử dụng các phần mềm ứng dụng trên máy tính để cắt, dán hình ảnh con dấu của Văn phòng công chứng Trương Thị Nga, Văn phòng Công chứng Phùng Quân và chữ ký của công chứng viên.
Sau khi làm được 8 bộ hồ sơ, trong đó có 6 bộ chứng thực CCCD/ CMND/hộ chiếu do Tuấn Anh làm giả, đối tượng đã nộp trực tuyến trên hệ thống Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp để thành lập; thay đổi được 8 công ty. Tiếp đó, sau khi được Sở Kế hoạch đầu tư cấp giấy phép đăng ký kinh doanh, Tuấn Anh đã nhận, đi khắc dấu công ty, làm chữ ký số và chuyển lại theo yêu cầu của Phương. Về phần Phương, đối tượng đã sử dụng tư cách pháp nhân của 8 công ty để xin giấy phép lao động và các giấy tờ xin cấp mới, gia hạn tạm trú để bảo lãnh cho NNN vào và ở lại Việt Nam trái phép.
Căn cứ kết quả điều tra xác định từ tháng 10/2020 đến 2/2021, Tuấn Anh đã thực hiện làm giả 6 tài liệu được trả công hơn 21 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, đối tượng được hưởng hơn 10 triệu đồng.
Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo Văn phòng Cơ quan ANĐT Bộ Công an cho biết: Việc đưa vụ án và bị can ra truy tố, xét xử một mặt đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật; đồng thời cũng cảnh báo cho các cá nhân và các cơ quan chức năng cần cảnh giác, siết chặt hơn nữa các quy định, quy trình; có biện pháp khắc phục thiếu sót đối với hoạt động sử dụng văn bản chứng thực của các văn phòng công chứng, góp phần bịt kín sơ hở mà các đối tượng có thể lợi dụng làm chứng thực giả để thực hiện các hoạt động phạm tội.
Sách về Pháp luật
Nội dung cuốn sách "Thực hiện pháp luật về an ninh mạng ở Việt Nam" đi sâu nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn thực hiện pháp luật về an ninh mạng dưới góc độ của ngành lý luận và lịch sử nhà nước và pháp luật; đánh giá thực trạng pháp luật về an ninh mạng ở Việt Nam và tham khảo kinh nghiệm của một số nước trên thế giới,.