Khán giả quyết định đến sự sống còn của một chương trình truyền hình giải trí bằng doanh thu cao hay thấp. Rating (tỉ lệ khán giả theo dõi chương trình) là thước đo được xem chuẩn mực cho sự ăn khách hay không của tất cả các chương trình truyền hình giải trí hiện nay. Vậy nên, từ chỗ làm chương trình “phục vụ” khán giả với ý đồ dàn dựng của ê-kíp thực hiện, các đơn vị sản xuất chương trình hiện nay “nương” theo ý thích của khán giả để làm chương trình.
“Khán giả thích thế”
Trong buổi họp báo giới thiệu chương trình truyền hình thực tế The winner is (Tôi là người chiến thắng mùa thứ 3), đơn vị sản xuất (Đông Tây Promotion) công bố danh sách giám khảo của cuộc thi gồm cựu người mẫu Xuân Lan, diễn viên hài Trấn Thành, diễn viên hài Chí Tài, nhạc sĩ Đức Huy, nhạc sĩ Lưu Thiên Hương, ca sĩ Noo Phước Thịnh và ca sĩ Tóc Tiên.
Đây là chương trình truyền hình thi ca hát (ngoài phần thưởng tiền mặt 300 triệu đồng còn có một bản hợp đồng ghi âm với Universal để phát triển sự nghiệp ca hát chuyên nghiệp), việc chọn những người nổi tiếng ở lĩnh vực khác ngoài âm nhạc làm giám khảo chuyên môn khiến nhiều người lo ngại.
Thực tế, ở mùa giải trước, việc mời Nam Trung - một chuyên viên trang điểm - làm giám khảo đã dấy lên những cuộc tranh cãi theo chiều hướng không đồng tình bởi sự thiếu thuyết phục về chuyên môn. Truyền thông thường xuyên nhắc đến sự cố đó như một lựa chọn “vụng về” của đơn vị sản xuất chương trình.
Dù vậy, ở mùa giải mới, ban tổ chức tiếp tục mời những gương mặt nổi tiếng tưởng chừng không mấy liên quan ngồi ghế giám khảo, minh chứng là Xuân Lan và các diễn viên hài. Trước thắc mắc của truyền thông, đại diện đơn vị sản xuất trả lời trong buổi họp báo rằng: “Dù có liên quan hay không (về mặt chuyên môn) thì những gương mặt celeb (người nổi tiếng) mà chúng tôi mời vào danh sách giám khảo đều là những người khán giả muốn. Khán giả theo dõi chương trình thích nghe họ nói là điều không thể phủ nhận”.
Cảnh trong live show 1 chương trình Tôi là người chiến thắng. (Ảnh do chương trình cung cấp) |
Điều này cũng lý giải vì sao ở mùa giải trước, một chương trình tìm kiếm giọng ca triển vọng lại mang đậm dấu ấn hài từ duyên hài của giám khảo khách mời đến chủ ý dàn dựng của ban tổ chức. Sức hút của chương trình với màu sắc hài hước đối với khán giả là điều không thể phủ nhận nhưng việc hài hóa một chương trình thi ca hát đã làm sai lệnh tính chất cũng như thông điệp ban đầu cuộc thi.
Lý giải điều này, đơn vị sản xuất lại khẳng định: “Vì đó là điều khán giả muốn”.
“Khán giả muốn” là “bùa” giúp các nhà sản xuất chương trình hóa giải nhiều thắc mắc, tranh cãi từ nội dung, kết cấu chương trình đến kết quả nếu đó là cuộc thi. Việc giao toàn quyền hay nói đơn giản hơn là phó mặc quyền quyết định thắng thua cho khán giả là một cách làm khôn ngoan của nhà tổ chức trong các chương trình truyền hình có yếu tố tranh tài. Vì cách làm này chứng tỏ đơn vị sản xuất đứng ngoài cuộc đua tranh một cách công tâm và minh bạch. Tuy nhiên, thực tế có công tâm, minh bạch hay không chỉ những người sản xuất mới biết.
Áp lực rating
Trong buổi giới thiệu chương trình mới The Kid Host (Người dẫn chương trình tương lai), BTV Quỳnh Hương cho biết đến nay, chương trình này vẫn chưa kiếm được nhà tài trợ vì mỗi lần xách hồ sơ gặp đối tác nhãn hàng xin tài trợ, câu hỏi mà chị được nhận luôn là “chương trình có rating cao không?”.
Chị cho biết: “Tôi nghĩ bụng, chương trình chưa diễn ra làm sao biết có rating cao hay thấp”. Dù vậy, chị cũng hiểu rating chính là điều kiện tiên quyết để nhà tài trợ quyết định mở hầu bao với chương trình hay không.
Áp lực rating lớn đến mức các đơn vị sản xuất chương trình truyền hình hiện nay phải dựa vào khán giả để xây dựng nội dung. Người xem càng nhiều (rating cao), đồng nghĩa chương trình thành công bất kể hay dở thế nào, giá trị ra sao. Vì rating của chương trình, nhà sản xuất sẵn sàng sử dụng chiêu trò scandal nhằm thu hút sự chú ý của công chúng.
“Cháy” và “sốt” giám khảo là tình trạng dễ thấy ở các chương trình truyền hình thực tế hiện nay. Cảm giác giới showbiz Việt Nam không còn mặn mà với công việc chuyên môn, thay vào đó là chạy sô làm giám khảo ở các chương trình truyền hình giải trí. Từ ngôi sao hàng đầu đến ngôi sao trẻ đều được mời ngồi vị trí giám khảo ở các chương trình khác nhau.
Ngôi sao lớn ngồi ghế giám khảo để kiếm tiền, số tiền một ngôi sao ăn khách được nhận khi làm giám khảo cho một chương trình ăn khách lên đến cả tỉ đồng. Trong khi với ngôi sao trẻ, truyền hình chính là cách để quảng bá hình ảnh tốt nhất cho bản thân. Thậm chí, một MC nổi tiếng đã chấp nhận nửa tiền thù lao của một chương trình truyền hình thực tế với điều kiện anh sẽ làm giám khảo thay vì MC.
Đơn vị sản xuất chương trình tất nhiên đồng ý vì họ cần những người như anh trong chương trình để làm thỏa mãn khán giả yêu thích, bất kỳ anh ở vị trí nào. Thế nên, mới có trường hợp Khánh Thi gần ngày sinh nở vẫn rất hào hứng lên sóng truyền hình hay bà mẹ mới sinh con 3 tuần đã trở lại “ghế nóng” như Thu Minh.