Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Truyền hình thực tế đang ngày càng nguy hiểm?

Đây là câu hỏi đã được đặt ra từ lâu với ngành truyền hình sau khi hàng loạt chương trình để xảy ra các tai nạn nguy hiểm, thậm chí khiến người tham gia mất mạng.

Năm 2010, nước Đức bị sốc sau vụ tai nạn của Samuel Koch, một người chơi trong chương trình truyền hình thực tế Wetten, dass? (tạm dịch: Đặt cược không?).

Tai nạn, chết chóc đầy rẫy

Tại buổi truyền hình trực tiếp từ một trường quay, với khán giả có mặt tại hiện trường gồm mẹ đẻ của Koch, anh định lập kỷ lục sử dụng một đôi chân giả gắn lò xo và nhảy qua nhiều chiếc xe đang di chuyển. Ba lần đầu diễn ra suôn sẻ. Tới lần thứ 4, khi Koch định nhảy qua chiếc xe do chính cha đẻ lái, tai nạn đã xảy ra.

Đầu Koch đã đập vào nóc chiếc xe, khiến anh ngất xỉu khi vẫn đang ở trên không trung. Sau đó anh rơi thẳng xuống sàn trường quay, trước sự kinh hoàng của những người có mặt tại đây, cũng như khoảng tám triệu khán giả đang xem truyền hình trực tiếp. Koch không mất mạng sau tai nạn này, nhưng đã bị liệt từ cổ trở xuống.

Hành động liều mạng của Koch không thuộc dạng hiếm có tại Wetten, dass?, một trong những chương trình truyền hình thực tế thu hút đông khán giả nhất châu Âu, với các màn diễn mạo hiểm do nhiều người chơi bình thường thực hiện. Tuy nhiên, vụ tai nạn của anh đã khiến người ta phải đặt dấu hỏi về việc các chương trình truyền hình thực tế sẽ đẩy giới hạn nguy hiểm xa tới đâu, trong nỗ lực hút thêm khán giả.

Hình ảnh cho thấy Koch đã đập đầu vào nóc chiếc xe hơi khi đang trổ tài trong chương trình truyền hình thực tế Wetten, dass?.

Thực tế, vụ việc của Koch không phải là tai nạn duy nhất và chương trình Wetten, dass? cũng chưa thuộc dạng nguy hiểm nhất. Đứng đầu danh sách các chương trình truyền hình thực tế nguy hiểm nhất là Deadliest catch của kênh Discovery Mỹ. Chương trình này, nói về hoạt động đánh bắt cua ở biển Bering, đã chứng kiến rất nhiều người tham gia bị thương.

Trong 6 mùa ghi hình, đã có 26 người thiệt mạng. Ví dụ một chiếc thuyền bị đắm ngay trong mùa phát sóng đầu tiên của chương trình đã làm sáu người thiệt mạng. Ngoài ra, khán giả không thể quên cái chết của thuyền trưởng Phil Harris, người qua đời vì đột quỵ trên tàu “Cornelia Marie”.

Chương trình nguy hiểm thứ 2 là Dancing with the stars. Phiên bản Mỹ của chương trình thi khiêu vũ này đã chứng kiến 15 người tham gia bị thương, như người chơi Susan Lucci bị gãy chân, Misty-May Treanor bị đứt gân Achilles, Tom DeLay bị rạn xương chân và Marie Osmond ngất xỉu.

Thứ 3 là Survivor. Phiên bản Mỹ của chương trình với nội dung sinh tồn ở nơi hoang dã này đã chứng kiến 11 người chơi bị thương. Các thương tật dao động từ mức nhẹ là ngất xỉu tới nặng là nhiễm trùng da, trật khớp xương.

Những phần thi nguy hiểm tính mạng tại Got Talent

Nuốt cá kèo sống, xuyên thanh sắt qua mũi, cho điện chạy qua não, uống axit... là một trong những phần thi có thể ảnh hưởng đến tính mạng người trình diễn.

Càng nguy hiểm, càng hút khách?

Hồi năm 2013, chương trình Survivor phiên bản Pháp đã gây tranh cãi sau khi người chơi Gerald Babin, 25 tuổi, qua đời vì đau tim trong lúc đang tham gia ghi hình mùa thứ 16. Những người chỉ trích chương trình nói rằng nó gây nguy hiểm không chỉ với những người chơi mà còn cả với đội ngũ làm chương trình đi kèm họ. Nguyên nhân do những con người này phải sống và làm việc trong các địa điểm xa lạ, nguy hiểm. Họ cũng chịu áp lực phải tạo ra các trò mạo hiểm để thu hút khán giả xem chương trình và qua đó nhận lấy rủi ro lớn hơn.

Năm 2011, chương trình India’s Got Talent (Tìm kiếm tài năng Ấn Độ) cũng gây tranh cãi, sau khi nhà sản xuất phát sóng cảnh một nhóm các chàng trai lực lưỡng biểu diễn nhiều màn dùng búa đập gạch và bê tông đặt trên người, trên đầu thành viên trong nhóm. Mức độ nguy hiểm của màn diễn mỗi lúc một tăng dần, khi ngoài gạch đá, nhóm biểu diễn còn sử dụng cả các bàn chông sắt. Tới cuối màn diễn, một số thành viên trong nhóm đã chảy máu ròng ròng, khiến ngay cả ban giám khảo cũng không khỏi kinh hãi, còn khán giả thì băn khoăn tự hỏi không biết tài năng của người chơi nằm ở đâu?

Các chuyên gia nói rằng nguy hiểm là một phần của hoạt động kinh doanh truyền hình mạo hiểm. “Ý tưởng thực ra rất đơn giản. Nếu chương trình không có thách thức, nó sẽ nhàm chán và chẳng ai muốn xem nữa” – Marc Marcuse thuộc công ty quản lý sao truyền hình thực tế Reel Management cho biết.

"Mỗi khi bạn nghe thấy một tin tức như vụ việc của Koch, lần tiếp theo xem một chương trình truyền hình thực tế mạo hiểm, bạn nhận ra rằng tai nạn có thể xảy ra. Vấn đề là đôi khi tai nạn lại tăng thêm sự phấn khích cho công chúng” - Robert Thompson, Giám đốc Trung tâm Truyền hình và Văn hóa đại chúng Bleier (Mỹ), nhận xét – “Vì thế câu hỏi đặt ra là liệu tai nạn có khiến các nhà sản xuất phải nghĩ lại về các trò mạo hiểm, hay nó sẽ chỉ khiến khán giả mê những trò này hơn và đẩy các nhà sản xuất tới chỗ cho ra đời nhiều chương trình như thế hơn?”.

Thí sinh uống nhầm axit lên tiếng sau tai nạn

Một ngày sau sự cố uống nhầm axit trên sân khấu bán kết Vietnam's Got Talent, Tấn Phát đã hồi phục sức khỏe, nói chuyện bình thường.

 

http://thethaovanhoa.vn/van-hoa-giai-tri/truyen-hinh-thuc-te-dang-ngay-cang-nguy-hiem-n20150113081437911.htm

Theo Tường Linh/ Thể thao & Văn hóa

Bạn có thể quan tâm