Truyền hình thực tế: Đừng quá khắt khe với nghệ sĩ
Khi nghệ sĩ nhận lời tham gia truyền hình thực tế, từ việc ngồi ghế giám khảo cho đến MC, cố vấn đều rất dễ trở thành đề tài để dư luận ném đá, thế nhưng, có lẽ đã đến lúc khán giả cần có những cái nhìn thoáng hơn...
Các giám khảo của cuộc thi The Voice 2012. |
Khi trách nhiệm nặng nề hơn một chức danh
Khán giả giờ đây đã quá quen với việc nghệ sĩ xuất hiện để đảm nhận một trong các vai trò như giám khảo, huấn luyện viên, cố vấn, MC... Việc quen mặt - là điểm lợi để nhà sản xuất thu hút sự chú ý về cho chương trình của mình, tuy nhiên, với bản thân nghệ sĩ thì đó lại là những áp lực vô hình cực kỳ ghê gớm.
Đã nhận lời tham gia truyền hình thực tế thì có một quy luật bất thành văn mà nghệ sĩ phải chấp nhận đó là họ sẽ không bao giờ được phép "chỉ làm đúng chức danh" của mình. Giám khảo của một chương trình sẽ không chỉ là người nhận xét và cho điểm thí sinh dù đó chính xác là những gì mà họ cần và chỉ cần phải làm. Chỉ vừa hết tập đầu tiên của chương trình Vietnam Idol 2012, nữ ca sĩ Mỹ Tâm với vai trò giám khảo đã nhận được không ít lời chê trách. Nhiều người đồng quan điểm: "Mỹ Tâm cười ngả nghiêng cũng không “cứu” được Vietnam Idol".
Nhưng, tại sao Mỹ Tâm lại phải cứu Vietnam Idol? Chẳng phải nhiệm vụ của cô ấy chỉ là giám khảo - tức là nhận xét, cho điểm và quyết định sự đi, ở của thí sinh hay sao? Còn nếu những lời chê bai kia là thật thì chức danh giám khảo quả thật rất ghê gớm.
Mỹ Tâm bị chê vì nụ cười trong Vietnam Idol. |
Lại nói về trường hợp của Siu Black, "họa mi núi rừng" vốn được ngợi khen hết lời khi ngồi ghế giám khảo Vietnam Idol 2011. Ai cũng gật gù rằng: "Chị Siu" có nụ cười chất quá, xem chương trình chỉ nghe chị ấy cười thôi đã thấy hay".
Được đà đi tiếp, Siu Black gật đầu nhận ngay ghế giám khảo Cặp đôi hoàn hảo. Họa mi vẫn là họa mi, nụ cười ấy vẫn là nụ cười ấy nhưng chắc có lẽ đến tận bây giờ Siu Black cũng chẳng thể hiểu nổi vì sao mình lại nhận được những lời chê dữ dội như vậy. Siu Black vốn dĩ vẫn vậy, ban tổ chức thì tính toán nhiều hơn khi thấy chị đã khá thành công ở Vietnam Idol nhờ nụ cười "đặc sản".
Khán giả cũng kỳ vọng được mang cái mà họ thích từ Idol đến Cặp đôi hoàn hảo. Tuy nhiên, trong quá trình chuyển đổi ấy, khi có một vài thứ không khớp thì lỗi tất cả thuộc về Siu Black. Người ta (có thể chính là những người trước từng khen Siu Back hết lời) nay lại quay ra than thở: "Siu cười vô duyên thế".
Siu Black làm giám khảo Cặp đôi hoàn hảo. |
Lại nói đến cuộc thi đang rất được chú ý nhất hiện nay - The Voice - có thể thấy tình trạng cũng không khá hơn là bao đối với các vị huấn luyện viên. Trần Lập với tư cách là vị huấn luyện viên chuyên đi tìm các giọng rock về đội, anh luôn nhận được những lời chê rằng: "Trần Lập nhạt nhẽo quá, anh ấy chẳng chịu tranh chấp bằng những từ ngữ hóm hỉnh, có cánh, đanh đá hay thậm chí là nhẫn kim cương dụ thí sinh cũng không có", nhẹ nhàng hơn thì là: "Trần Lập hiền quá".
Nhưng ai bảo Trần Lập chỉ đến đó, ngồi chiếc ghế đó để khoe khả năng hoạt ngôn của mình, rõ ràng ban tổ chức chọn nam ca sĩ Bức Tường là để anh huấn luyện các chiến binh mạnh hơn về khả năng âm nhạc cơ mà?
Trần Lập ngồi ghế HLV The Voice. |
Còn về phía Trần Lập, sau những lời chê ấy, anh chắc hẳn ít nhiều sẽ cảm thấy, ghế giám khảo quả thực là vị trí cần phải luyện tập đầy đủ "cầm kỳ thi họa" rồi mới nên ngồi.
Như vậy, trong một chương trình truyền hình thực thế, chức danh chỉ là một chiếc áo quá chật so với những trọng trách thật sự của người nghệ sĩ. Từ khán giả cho đến cả nhà sản xuất đều có quyền đặt kỳ vọng rằng nghệ sĩ sẽ làm nên linh hồn cho chương trình, trong khi đó, bản thân nghệ sĩ thì ngay cả việc làm đúng chức danh của mình cũng không được phép. Thất bại một lần đánh sập mọi thành công
Trong khi có một vài nghệ sĩ tạo dựng được danh tiếng nhờ chương trình truyền hình thực tế thì ngược lại, đã có quá nhiều cái tên bị tổn hại chỉ vì gật đầu tham gia những vị trí không đúng sở trường. Nhạc sĩ Trần Tiến là minh chứng rõ ràng nhất cho chuyện này. Từ Sao em nỡ vội lấy chồng cho đến Ngẫu hứng phố, Ra ngõ tụng kinh, người ta đều thấy một nhạc sĩ Trần Tiến lãng đãng, du ca và tài năng như dòng suối không ngừng chảy.
Thế nhưng, chỉ một lần đến với Bước nhảy hoàn vũ, hình ảnh Trần Tiến đã khác. Những lời bông đùa đầy tính nghệ sĩ của Trần Tiến bị lên án. Nhiều năm sau, Trần Tiến vẫn buồn. Người nhạc sĩ ấy vẫn vậy, từ âm nhạc cho đến cuộc sống vẫn chỉ là môt con người rút kén nhả tơ cho nghệ thuật, tuy nhiên Trần Tiến vẫn luôn luôn nói đến Bước nhảy hoàn vũ như "một lần dại" của mình. Còn khán giả, ít nhiều cũng có quay lưng...
Trần Tiến ngồi ghế giám khảo Bước nhảy hoàn vũ. |
Rồi nhắc đến MC thảm họa, hỏi ai cũng có thể trả lời ngay đó là Nguyên Vũ. Thì cũng chẳng có gì để bàn cãi về chuyện Nguyên Vũ còn mắc nhiều lỗi trong công việc mà anh đảm nhận ở cuộc thi Bước nhảy hoàn vũ. Tuy nhiên, chữ thảm họa gắn liền với chàng ca sĩ ấy cũng thật là nghiệt ngã. Ai cần biết trước Nguyên Vũ hát thế nào, tham gia nghệ thuật ra sao, giờ thấy Nguyên Vũ là thấy... thảm họa rồi.
Nguyên Vũ làm MC Bước nhảy hoàn vũ. |
Vẫn biết quy luật của làng giải trí là vô cùng gay gắt, tuy nhiên, giờ thì có thể thấy quy luật trong các trò chơi truyền hình thực tế còn khắc nghiệt hơn thế rất nhiều.
Nghệ sĩ cũng cần được khích lệ
Thực ra, làm ở bất cứ công việc gì, con người cũng mong muốn nhận được sự khích lệ. Dù có là nghệ sĩ lớn, ca sĩ tên tuổi hay nhạc sĩ gạo cội thì cái lớn nhất mà họ muốn nhận được đó là tình cảm của khán giả.
Tham gia vào các chương trình truyền hình thực tế, thực ra các nghệ sĩ đều biết đó là thử thách lớn, là ván bài mà họ cần phải cá cược bằng chính danh tiếng của mình. Nhiều nghệ sĩ chọn giải pháp an toàn là tránh thật xa, tuy nhiên, vẫn có những người gật đầu đồng ý, bởi lẽ họ luôn tin tưởng rằng nhiều khán giả vẫn đủ khách quan để hiểu và nhận thấy những gì họ đang cống hiến.
Theo Thebox