Tội đồ của âm nhạc?
Chưa bao giờ các cuộc thi âm nhạc trên sóng truyền hình lại nở rộ như hiện nay. Tính sơ sơ, đã có gần 10 chương trình chiếu liên tục vào giờ vàng trên các kênh sóng nhiều người xem nhất. Những người trẻ đam mê ca hát, yêu học hỏi và thích chứng tỏ bản thân giờ đây có thể thoải mái lựa chọn sân chơi mà không lo chuyện “chưa có cơ hội giới thiệu bản thân”. Nhiều lứa ca sĩ bước ra từ truyền hình thực tế (THTT) như Uyên Linh, Văn Mai Hương, Hương Tràm, Đinh Hương, Đông Hùng, Nhật Thủy… đã và đang có những cống hiến cho nền nhạc Việt.
Hương Tràm - Quán quân The Voice Việt mùa đầu tiên. |
Tuy nhiên, THTT luôn bị thao túng bởi lợi nhuận của nhà tổ chức. Loại nhạc nào mang lợi nhuận quảng cáo nhiều luôn được họ ưu tiên. Cùng với đó, nhà sản xuất cũng luôn ưu ái cho “gà” của mình xuất hiện trên sóng, thay vì gửi đến cho khán giả những tác phẩm hay, giàu giá trị nghệ thuật. Dù format liên tục được cập nhật nhưng bản chất âm nhạc ở THTT là chỉ đem lại giá trị mang tính thời điểm mà thôi.
Khi trở thành ca sĩ của Văn Prodution, Sơn Tùng M-TP có cơ hội xuất hiện trực tiếp ở Viet Nam Idol, nơi giám đốc Huy Tuấn giữ vai trò giám đốc âm nhạc. |
Tại chung kết cuộc thi Britain's Got Talent 2013, trong khi cặp song ca anh em Richard và Adam Johnson trình diễn ca khúc The Impossible Dream trên sân khấu thì một trong những cô gái đang hát bè ở phía sau họ đột ngột tiến lên phía trước và liên tục ném trứng về phía giám khảo Simon Cowell – người được mệnh danh là ông trùm của THTT.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hành động trên nhưng ở một khía cạnh nào đó, có thể hiểu người tiên phong trong công nghiệp kinh doanh âm nhạc (bằng THTT) có thể là tội đồ của âm nhạc.
Khoảnh khắc "đau thương" của Simon Cowelltại Bitain's Got Talent 2013 |
Sự lên ngôi của nhạc “mì ăn liền”
Nói như nhạc sĩ Võ Thiện Thanh, dù THTT được bọc dưới hình thức nào thì “nhạc pop vẫn là phương tiện để các ông trùm showbiz kiếm tiền, dựa trên tâm lý đám đông, dễ bị xỏ mũi, cùng với bản năng dễ bị cái hào nhoáng lôi cuốn. Còn nhạc cổ điển, jazz hay các dòng nhạc thiên về nội tâm như new age... vẫn bình chân như vại. Vì chúng là tâm hồn, không phải giải trí đơn thuần”.
Bích Phương thể hiện Mình yêu nhau đi tại Vietnam Idol 2013 |
Điều này lý giải vì sao trong nửa đầu năm 2014, đa số các ca khúc ăn khách và có lượt nghe khủng đều là những bản pop có giai điệu dễ nghe của các tác giả trẻ tuổi. Những bản nhạc “mì ăn liền” này đem về lợi nhuận cao cho nghệ sĩ và được đưa lên các sân chơi THTT với nhiều hình thức khác nhau. Các ca khúc hợp với “khẩu vị” của khán giả giúp nhà sản xuất thu hút lượng lớn người xem và dường như đang dần trở thành một xu hướng sáng tác được nhiều nhạc sĩ 9x trưng dụng.
Các “đại gia” lui về ở ẩn
Theo dòng chảy của THTT, các nhà sản xuất, nhạc sĩ được chia làm hai nhánh. Một bộ phận bị cuốn vào các vị trí giám đốc âm nhạc, biên tập âm nhạc, giám khảo, huấn luyện viên... (Quốc Trung, Huy Tuấn, Phương Uyên, Hoài Sa…). Đây chính là nguyên nhân khiến cho đội ngũ producer xao nhãng công việc chuyên môn để “chạy” hết chương trình này đến chương trình khác. Một bộ phận khác hơi… bất mãn, quay lưng lùi vào hậu trường “ủ mưu” với hy vọng có thể làm được gì đó khác đi, mới mẻ hơn. Tuy nhiên, điều này luôn cần thời gian, sự kiên nhẫn và tiền.
Nhạc sĩ Võ Thiện Thanh lùi vào hậu trường với hy vọng khơi nguồn mạch mới cho nhạc Việt. |
Đắp vào những lỗ hổng đó là những sáng tác, những màn trình diễn dễ dãi, thiếu chất lượng, những sản phẩm ăn theo hiện tượng, những ca khúc rác xuất hiện nhan nhản trên mạng khiến cho khán giả ngày càng chán nản và quay lưng với nhạc Việt.
“Làm hỏng” người chơi và khán giả
Bản thân Quốc Trung, người từng giữ ghế giám đốc âm nhạc của Vietnam Idol và HLV Giọng hát Việt từng chia sẻ, ngoài mặt tốt, THTT còn kích thích sự háo danh. Có những thí sinh sẵn sàng bôi bác bản thân mình để được lên truyền hình. Trong Vietnam Idol có một số thí sinh sẵn sàng bày những trò lố để được lên sóng. Bản thân fomat chương trình cũng muốn điều đó. Như vậy vô hình chung, cuộc chơi vô tình “làm hỏng” người trẻ ngay từ khi ca hát với họ vẫn còn là giấc mơ.
Một hệ lụy khác lớn hơn là sân chơi trên truyền hình đang dần trở thành cuộc đua của người hâm mộ. Có rất nhiều thí sinh chưa có phong cách, chưa có cống hiến nhưng lại dẫn dụ fan club bằng những cái ngoài nghệ thuật. Khán giả giờ đây không trân trọng giai điệu, ca từ của tác phẩm mà bị cuốn hút bởi áo quần, chiêu trò, những câu chuyện đằng sau sân khấu.
THTT ngày một tham gia quá sâu vào đời sống nhạc Việt bởi nó thay đổi cả cách thưởng thức lẫn cách kinh doanh âm nhạc. Cứ cuối tuần, tất cả các kênh sóng đều nhan nhản các cuộc thi trong khi lâu lắm người ta mới có dịp được thưởng thức một buổi biểu diễn hay, nghe một đĩa nhạc chất. Bởi vậy, nếu người làm nhạc không có tâm, khán giả không tỉnh táo, nghệ sĩ không quyết liệt... e rằng tương lai nhạc Việt sẽ tràn ngập những quán quân, ngôi sao mà thiếu đi những sản phẩm giá trị thực thụ.