Zing lược dịch bài viết của nhà báo người Hà Lan - Anne Pinto-Rodrigues - được đăng tải trên tạp chí Hakai, Canada.
Đền thờ cá voi và các loài thú biển ở Phan Thiết. Ảnh: Edith Fotografeert. |
Phía trong ngôi đền thờ cá voi
Lăng Ông Thủy Tướng - đền thờ thần biển - là một trong hơn 1.000 ngôi đền trên đường bờ biển dài 3.260 km của Việt Nam.
Buổi chiều nắng gắt chiếu xuống thị trấn ven biển Cần Thạnh ở miền Nam Việt Nam, nhưng bên trong Lăng Ông Thủy Tướng, tòa nhà một tầng màu vàng nhạt bên bờ biển, lại luôn mang không khí mát mẻ.
Ánh sáng mặt trời hắt vào chính điện cùng mùi hương trầm tràn ngập. Một người đàn ông, có thể là một ngư dân, bước vào sảnh, đi về phía một bộ xương cá voi dài 20 m được trưng bày trong tủ kính chính giữa đền, chắp tay cúi đầu cùng sự thành kính sâu sắc.
Bộ xương cá voi đặt chính giữa đền thờ Lăng Ông Thủy Tướng ở Cần Thạnh, Việt Nam. Ảnh: CBES. |
Tại những ngôi đền này, người dân địa phương thờ những bộ xương cá voi, với nhiều kích thước và hình dạng khác nhau cùng niềm hy vọng rằng lời cầu nguyện của họ sẽ được đưa đến Cá Ông, thần cá voi, để được phù hộ những hải trình an toàn và đánh bắt bội thu.
Người thân của ngư dân cũng thường xuyên đến thăm đền để thắp nến, thắp hương và cầu nguyện cho sự bình an. Đôi khi họ cúng hoa quả, tiền vàng mã, mong lời cầu nguyện của họ được lắng nghe.
Nơi lưu giữ lịch sử, văn hóa
Trong hơn hai thế kỷ, cộng đồng các ngư dân dọc bờ biển miền Trung và miền Nam Việt Nam đã xây dựng nhiều nơi thờ cúng xác động vật biển trôi dạt vào bờ.
Từ những công trình kiến trúc lớn cho đến những ngôi mộ nhỏ, đơn giản bằng gỗ rải đầy hương và hoa, những "đền thờ cá voi" này là một phần lịch sử văn hóa của đất nước đã có từ nhiều thế kỷ trước, cũng là nơi lưu giữ những bằng chứng về lịch sử tự nhiên.
Nhà nghiên cứu động vật biển Vũ Long, đồng sáng lập Trung tâm Bảo tồn Đa dạng Sinh học và Các loài Nguy cấp Việt Nam. Ảnh: CBES. |
Vũ Long, người đồng sáng lập Trung tâm Bảo tồn Đa dạng Sinh học và Các loài nguy cấp (CBES) đặt tại TP.HCM, đã đến thăm Lăng Ông Thủy Tướng.
"Ngoài là một khía cạnh độc đáo của văn hóa Việt Nam, những đền thờ này còn là nguồn thông tin tuyệt vời cho những nghiên cứu của chúng tôi", ông Vũ Long nói.
Câu chuyện từ những bộ xương cá voi
Ông Lê Văn No, một ngư dân nghỉ hưu 71 tuổi, là người tình nguyện trông coi đền thờ hơn 20 năm. Ông đến dọn dẹp ngôi đền hàng ngày, và cùng với những người khác trang hoàng đền trong những dịp đặc biệt, chẳng hạn như lễ hội Nghinh Ông được tổ chức thường niên vào tháng 8 âm lịch.
Có nhiều đền thờ trên khắp cả nước, từ đền thờ đơn giản ngoài trời đến các công trình cầu kỳ hơn. Ảnh: Anna Art. |
Lăng Ông Thủy Tướng là một trong những ngôi đền cổ nổi tiếng có từ năm 1805. Do đó, ông No mong muốn chia sẻ câu chuyện về những bộ xương cá voi sau tấm kính - chỉ là một trong số hàng chục bộ xương gắn liền với ngôi đền này. Những bộ xương khác được xếp trong những căn phòng hoặc được cất giữ trong 17 thùng giống như quan tài đặt tại một khu đất gần đó. "Người dân địa phương đã tìm thấy con cá voi này với những vết đạn. Đó là một nạn nhân khác của chiến tranh", ông No nói.
Ông No cho ông Long xem một bức ảnh đen trắng từ năm 1971 và kể lại thời điểm xác cá voi được tìm thấy khi đang trôi nổi ở vùng biển gần ngôi đền. Khi đó, ông No chỉ mới 20 tuổi và nhớ rằng xác cá voi có độ dài khoảng 13 chiếc ghế dài, rất khó để di chuyển chỉ bằng sức người.
Vì vậy, người dân ở đây đã sử dụng một chiếc thuyền máy nhỏ để kéo xác cá voi đến khu rừng ngập mặn gần đó. Xác cá voi bị phân hủy trong vài tháng trước khi bộ xương được chuyển đến ngôi đền.
Ở Đà Nẵng, cách Cần Thạnh khoảng 1.000 km về phía bắc, ngư dân Trần Văn Mùi, 35 tuổi, đã cầu nguyện tại chùa Vạn Nam Thọ từ khi còn nhỏ. Trong một cuộc phỏng vấn trước đó do ông Long thực hiện, ông đã được nghe về niềm tin của ông Mùi vào sức mạnh kỳ diệu của cá voi.
Vào năm 2005, ông Mùi cùng đoàn đánh cá của mình đã tránh được một cơn bão mà dự báo thời tiết không lường trước được. Trên biển, thủy thủ đoàn của ông đã quan sát hành vi nổi lên của cá voi và tiến về bờ, coi đó là điềm báo của Cá Ông. Họ lên đường về nhà sớm hơn dự định. Làm như vậy, ông Mùi tin rằng họ đã tránh được cơn bão, và tính mạng của họ đã được bảo toàn.
Theo ông Long, niềm tin sâu sắc vào sức mạnh thần bí của cá voi có thể bắt nguồn từ 3 câu chuyện với nguồn gốc khác nhau. Một có nguồn gốc từ Ấn Độ giáo và câu chuyện khác là theo Phật giáo, nhưng tín ngưỡng được nhiều người tin tưởng nhất ở Việt Nam bắt nguồn từ lịch sử của đất nước.
Vào thế kỷ 18, trong một trận chiến, chúa Nguyễn Ánh có nguy cơ bị bắt. Ông đã cầu nguyện các vị thần cho một con đường để trốn thoát. Đúng lúc đó, 2 con cá voi trồi lên khỏi mặt nước biển và đưa thuyền của Nguyễn Ánh ra khỏi vòng vây.
Sau này, khi lên ngôi, để tỏ lòng biết ơn, Nguyễn Ánh đã tuyên bố rằng tất cả các loài cá voi ở vùng biển Việt Nam phải được tôn thờ như một vị thần.
Vì vậy, các ngư dân coi nhiệm vụ của mình là đưa xác cá voi trôi nổi trên biển hoặc dạt vào bờ và tiến hành lễ chôn cất. Sau 3 năm hoặc lâu hơn, ngư dân sẽ mang xương của cá voi chuyển đến đền thờ của làng.