Truyền thuyết về quán tiên của đạo diễn Đinh Tuấn Vũ, là một trong những phim Việt tiên phong “ra trận” sau thời kỳ khắc nghiệt của dịch bệnh. Chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của cố nhà văn Xuân Thiều, Truyền thuyết về quán tiên được mang lên màn ảnh rộng dưới một hình ảnh tưởng quen thuộc nhưng lại đặc biệt: Câu chuyện về những cô gái thời kháng chiến.
Không phải những cô gái xung phong hay mở đường, cũng không phải những cô gái vượt qua rào cản giới tính trong chiến tranh để cầm súng chống giặc, bộ phim xoay quanh 3 cô gái Mùi (Đỗ Thuý Hằng), Phượng (Hồ Minh Khuê) và Tuyết Lan (Hoàng Mai Anh). Được ví như “cô tiên”, cả ba cùng nhau vẽ nên những khung cảnh lãng mạn nhưng cũng gai góc đến đau lòng.
Trong cuộc chiến chống Mỹ, người chỉ huy lập “quán tiên” tại một chiếc hang trên núi làm nơi nghỉ chân cho những người chiến sĩ. Sở dĩ gọi là “quán tiên” vì nơi đây có 3 cô gái xinh đẹp trú ngụ, gồm cô quân nhân dày dặn kinh nghiệm Mùi và 2 cô gái xung phong Phượng, Lan.
Bộ phim khai thác câu chuyện về những cô gái thời kháng chiến ở một góc nhìn khác. |
Nhiệm vụ của cả ba là dựng một quán nước bên trong hang núi, nấu trà, gói bánh phục vụ những người lính có nhiệm vụ đi qua nơi này, để họ có thêm sức mạnh tinh thần. Và cũng tại quán tiên, những câu chuyện đầy uẩn ức được hé lộ.
Lấy bối cảnh thời chiến nhưng bộ phim không hề khô khan hay giáo điều. Truyền thuyết về quán tiên mang màu sắc ma mị, nữ tính từ những khung hình đầu tiên. Ba cô gái, mỗi người một tính cách, cho khán giả nhìn thấy một khía cạnh khác biệt về chiến tranh. Ở quán tiên, khan giả không thấy cảnh máu đổ của chiến tranh, thay vào đó là những cuộc chuyện trò, những khát khao, tâm sự dịu dàng của phái nữ trong cơn binh đao lửa đạn.
Người yêu của Mùi đi lính mãi chưa về. Cô ôm trong lòng nỗi buồn triền miên. Trong khi đó, Phượng và Lan lại mơn mởn sức trẻ xuân thì, họ hăng hái làm tròn trách nhiệm của “những cô tiên” mà không biết rằng, những thử thách đầy nước mắt đang chờ mình phía trước. Đó là những trắc trở về tình yêu, về một mái nhà hạnh phúc khi còn chưa hoà bình.
Truyền thuyết về quán tiên mang màu sắc ma mị, nữ tính từ những khung hình đầu tiên. |
Tác phẩm điện ảnh khéo léo truyền tải những yếu tố tưởng chừng như khó nhằn trong truyện gốc, như bản năng tính dục của phụ nữ, một cách dễ chịu và đầy thấu cảm.
Nếu quán tiên được lập ra để làm dịu lòng các chiến sĩ ngày đêm trận mạc, là trạm nghỉ thiên đường có trà, bánh, những cô gái đẹp chuyện trò trước khi đối đầu quân thù, thì cũng chính quán tiên là nơi khơi lên những khát khao yêu đương của các cô gái. Mối tình của Phượng, Lan để lại nhiều cảm xúc trong lòng khán giả.
Họ đã cuồng nhiệt, tin tưởng, chờ đợi, hy sinh và đấu tranh để có được hạnh phúc. Truyền thuyết về quán tiên sẽ khiến khán giả bất ngờ bởi những câu chuyện về tình yêu ít khi được nhắc đến trong chiến tranh.
Nhưng “nặng ký” và ấn tượng nhất vẫn là câu chuyện của Mùi và con vượn người màu đen mang theo những cảm xúc kỳ lạ. Nó rình Mùi, nó lén xem Mùi tắm suối, nó làm những trò khiến người ta phải đỏ mặt.
Nỗi sợ hãi ở quán tiên không chỉ là đạn bom hay kẻ thù, mà còn là “nó” - một con vượn đen kỳ quái. |
Nhân vật này vừa là yếu tố mang đến sự hồi hộp, tò mò cho câu chuyện; vừa là hiện thân của những khát khao về thể xác và sự yêu thương. Bộ phim tô đậm những hậu quả của chiến tranh ở một góc nhìn khác. Đó là nỗi cô đơn cùng cực của những người yêu thương bị chia cách. Không chỉ là một câu tạm biệt, đôi khi là những cái chết, những chuỗi ngày đợi chờ không điểm dừng của người con gái.
Ranh giới giữa tinh tế và thô thiển có thể dễ dàng bị phá vỡ trong Truyền thuyết về quán tiên nếu không đủ khéo léo vì chủ đề có phần nhạy cảm. Thế nhưng qua bàn tay của đạo diễn Đinh Tuấn Vũ, bộ phim được gói gọn trong một hình hài vừa bi tráng mà cũng nữ tính.
Bộ phim còn mang đến những hình ảnh tươi mới, không hề rập khuôn khi nhắc về bộ đội. |
Từng khung hình của Truyền thuyết về quán tiên đều duy mỹ, tôn lên nét đẹp của núi rừng, lẫn sự thuần khiết của những cô gái đầy sức trẻ. Diễn xuất của các diễn viên hài hoà và chân thật, vẽ nên bức tranh đa dạng về cảm xúc. Sự xuất hiện của nhân vật anh lính người dân tộc và anh lính điếc cũng mang đến nhiều thú vị, cho thấy những hình ảnh không hề rập khuôn khi nhắc về bộ đội.
Âm nhạc cũng là yếu tố góp phần làm nên thành công của bộ phim. Âm nhạc trong phim được thu trực tiếp từ dàn nhạc sống Sun Symphony Orchestra, mang đến những khúc nhạc khi hào hùng như khí chất người lính, khi lại buông lơi như những cô tiên giữa rừng già. Rồi cũng chính chất âm nhạc đó kéo khán giả trở về với hiện thực của lòng yêu nước, sự quả cảm, của những giọt mồ hôi còn chảy dài nơi tiền tuyến.
Truyền thuyết về quán tiên nhận giải thưởng “Bông sen bạc” và “Cánh diều bạc”. |
Với giải thưởng “Bông sen bạc” tại Liên hoan phim Việt Nam và “Cánh diều bạc” trong khuôn khổ giải thưởng Cánh Diều, Truyền thuyết về quán tiên mang đến cho những ai yêu điện ảnh hương vị lạ và đầy cuốn hút. Phim đang khởi chiếu tại các rạp trên toàn quốc.
Bình luận