Nằm trên địa bàn xã Yang Tao, huyện Lắk, cách trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột khoảng 40 km theo Quốc lộ 27, đá Voi Mẹ hiện lên sừng sững.
Núi đá Voi Mẹ là một điểm check-in nổi tiếng tại Đắk Lắk. Ảnh: chuuchaaa_. |
Đá Voi Mẹ có chiều dài khoảng 200 m, chu vi dưới chân đá khoảng 500 m, cao khoảng hơn 30 m. Núi đá có tạo hình như một chú voi khổng lồ nằm tựa lưng vào Tây Nguyên hùng vĩ. Đây cũng chính là tảng đá granite nguyên khối lớn nhất Việt Nam.
Từ mặt đất, chỉ mất khoảng 15 phút để bạn leo lên đến đỉnh cao nhất của tảng đá này, qua những sườn dốc thoai thoải. Từ trên đỉnh đá Voi Mẹ, có thể quan sát nhiều thắng cảnh trong vùng như hồ Yang Reh và dãy Chư Yang Sin - mái nhà của Tây Nguyên.
Truyền thuyết về núi đá voi
Không ai biết núi đá Voi Mẹ có từ bao giờ, chỉ thấy tảng đá này nằm giữa thung lũng Yang Tao từ rất lâu, vì có hình dáng giống những con voi nên dân làng gọi là đá Voi.
Đá Voi Mẹ mang trong mình những truyền thuyết ly kì, bí ẩn. Ảnh: nguyensonglinh. |
Giai thoại của người địa phương kể rằng, núi đá Voi Mẹ lúc đầu nằm ở phía Bắc, hướng mặt ra phía Hồ Lắk, nhưng chỉ sau một đêm người ta đã thấy đá Voi Mẹ nằm sừng sững trên cánh đồng giữa thung lũng mênh mông, ngay cạnh dãy Chư Yang Sin.
Theo những người già làng, ban đầu đá rất mềm, như một bãi đất bùn đùn lên mặt đất. Mọi người hào hứng trèo lên mình đá chạy nhảy, đùa giỡn. Sau đó, đá bỗng dưng cứng lại như bây giờ, trên lưng đá vẫn lưu giữ nhiều dấu tích được cho là dấu chân của con người và con vật từ xưa để lại.
Toàn cảnh tảng đá nguyên khối lớn nhất Việt Nam. Ảnh: sachinoko_. |
Khi đến đây tham quan, du khách thường được nghe người dân làng kể những câu chuyện về các dấu tích trên núi đá voi. Trong số đó, có dấu tích liên quan đến giai thoại đá Voi nuốt mỹ nữ.
Người già trong làng kể: “Ngày xưa, trong buôn có nhà phú ông Y Thui, có hai cô con gái đẹp là H’Hoa và H’Thảo. Một buổi chiều, hai chị em leo lên mình đá Voi Cha chơi đúng lúc thần đá chuyển mình sang thể cứng, H’Hoa bị lún sâu vào đá, kéo mãi không lên được.
Ông Y Thui đã huy động toàn bộ sức lực của người và cả voi, trâu làm sức kéo nhưng vẫn không thể đưa H’Hoa thoát ra. Sau 7 ngày 7 đêm, H’Hoa bị nuốt hoàn toàn vào trong mình đá. Mọi người bất lực đứng nhìn cảnh cô gái trẻ từ từ chìm vào tảng đá mà không khỏi nghẹn ngào.
Đêm đó, H’Hoa hiện về trong giấc chiêm bao của người thân, nói với họ rằng cô đang sống rất hạnh phúc với Yang Tao (thần đá). Cô nhắn mọi người đừng đau buồn, thần đá sẽ phù hộ cho buôn làng."
Vì vậy, đá Voi Mẹ được coi là linh hồn của người địa phương, họ tín ngưỡng đá như một vị thần.
Nhiều cặp đôi đến đây trao lời hẹn ước với niềm tin thần đá che chở, bảo vệ tình yêu của họ. Ảnh: vitamin.vinhha. |
Ngoài ra, đá Voi còn được coi như một vị thần tình yêu. Theo truyền thuyết, các cặp đôi yêu nhau vẫn thường ngồi trên lưng đá hò hẹn, trao lời thề nguyện, cầu mong thần đá sẽ che chở cho tình yêu của họ.
Những người thất tình hay chưa có người yêu cũng thường đến kể cho thần đá nghe về câu chuyện của mình và tin rằng sẽ được thấu hiểu và phù hộ.
Vẻ đẹp cuốn hút trên đỉnh đá Voi Mẹ. Ảnh: Duc Tuan Dang. |