Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Truyện tranh cổ tích đang bị bóp méo

Mẹ Cám mắng Tấm trong truyện tranh: “Tấm! Tao cấm mày xào nấm với dấm rồi cơ mà. Đầu mày có bị ấm không? Cẩn thận tao cho vài đấm”, hay “Tấm! Mày hâm à? Mày câm à? Sao mày làm thủng cái mâm”.

Truyện tranh cổ tích đang bị bóp méo

Mẹ Cám mắng Tấm trong truyện tranh: “Tấm! Tao cấm mày xào nấm với dấm rồi cơ mà. Đầu mày có bị ấm không? Cẩn thận tao cho vài đấm”, hay “Tấm! Mày hâm à? Mày câm à? Sao mày làm thủng cái mâm”.

Thị trường sách hiện nay xuất hiện tràn lan các loại truyện tranh cổ tích của nhiều nhà xuất bản khác nhau. Với lý do cố gắng "hiện đại hóa" truyện cổ tích, làm cho học sinh, sinh viên yêu thích truyện cổ tích nên sách truyện tranh ngày một chiếm ưu thế. Thế nhưng liệu đây là làn gió lành hay làn gió độc?

“Thay áo mới” cho truyện cổ tích

Những truyện cổ tích quen thuộc trong những cuốn sách gối đầu giường đã khắc sâu trong tâm trí bất cứ người dân Việt Nam nào như: Cây tre trăm đốt, Nàng tiên thứ chín, Thạch Sanh, Từ Thức... đều được truyện tranh “làm mới”.

Truyện "Tấm Cám thời hiện đại" xuất hiện trên nhiều trang mạng như một cuốn truyện giải trí. Thế nhưng, điều đáng nói ở đây là mặc dù cốt truyện Tấm Cám vẫn giữ nguyên như cũ, nhưng lời nói, tình huống đều bị... biến dạng.

Hãy thử nghe mẹ Cám mắng Tấm trong truyện: “Tấm! Tao cấm mày xào nấm với dấm rồi cơ mà. Đầu mày có bị ấm không? Cẩn thận tao cho vài đấm” hay “Tấm! Mày hâm à? Mày câm à? Sao mày làm thủng cái mâm”. Trong truyện tranh này, Tấm còn “âm mưu” bắn cả đỉa vào người Cám khi Cám đang ngủ trên đồng trong buổi chiều đi bắt tép.

Tiếp theo, Tấm còn mắng Cám xối xả: “Dám chôm giỏ tép của tao à? Mơ đi” sau đó chạy theo ném cả giỏ tép vào người Cám. Như vậy, người đầu tiên mà độc giả cảm thấy ác độc chính là Tấm chứ không phải mẹ con Cám.

Hình ảnh được chụp từ truyện tranh Tấm Cám thời hiện đại.

Công ty Truyện tranh Art Sign kết hợp NXB Giáo dục cùng Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển giáo dục Phương Nam xuất bản hai bộ truyện tranh cổ tích.

Phần I gồm 20 truyện cổ tích chọn lọc Việt Nam, phần II gồm truyện thần thoại và cổ tích nước ngoài. Hầu hết trong các truyện cổ tích này, những tình tiết thú vị đều đã bị cắt bỏ, thêm vào đó là những câu nói thời @ muốn tạo ra tính chất hài hước, nhưng thực chất thì lại rất nhí nhố.

Xin nêu thêm một thí dụ khác: Vợ Mai An Tiêm trong "Sự tích dưa hấu" dùng nhan sắc quyến rũ cá và dặn con khi nào chơi chán, bắt chú hổ nấu cà ri.

“Chú mèo đi hia” trong nguyên bản là bẫy chim đa đa để biếu vua, trong truyện tranh lại biến thành bẫy thỏ và mất hẳn phần chú mèo đấu trí với tên phù thủy để có được tòa lâu đài cho chủ nhân của mình.

Truyện "Công chúa ngủ trong rừng" từ 13 bà tiên trong truyện cổ chỉ còn lại 7 bà tiên trong truyện tranh.

Ở truyện "Sự tích bánh chưng bánh dày", cổ tích nguyên bản là Lang Liêu mơ thấy thần linh về báo mộng, bày cách làm món ăn từ hạt gạo để dâng vua cha được xử lý thành cảnh Lang Liêu mơ thấy mình lạc vào cuộc thi "Vào bếp với người nổi tiếng", đại hoàng tử bị ngộ độc thực phẩm vì những món ăn tự chế cốt để dâng vua...

Truyện tranh cổ tích xuất bản chủ yếu phục vụ cho đối tượng thiếu nhi, thế nhưng lại đầy rẫy những hình ảnh bạo lực từ chính những nhân vật các em đã từng tôn thờ, ngưỡng mộ. Mai An Tiêm bắn chết chú voi rừng đang líu lo múa hát, máu chảy loang trong trang sách truyện tranh. Thạch Sanh đánh trăn tinh được minh họa bởi những âm thanh mạnh như : "Á", “Phập”, “Bốp”...

Truyện tranh cổ tích hầu như đã xóa nhòa tất cả dấu ấn về văn hóa, lịch sử của dân tộc mà thay vào đó là những nhân vật "lai tạp" nửa giống truyện tranh Hàn Quốc, nửa giống truyện tranh Nhật bản.

Chỉ xét riêng về màu tóc thôi đã thấy “mỗi người một vẻ”. Anh Khoai trong “Cây tre trăm đốt” tóc màu xanh lá cây, Mai An Tiêm tóc "nhuộm" nâu pha xanh, Thạch Sanh tóc màu da cam... Không dừng lại ở đó, trên các trang mạng còn xuất hiện tràn lan những câu chuyện "xuyên tạc" truyện cổ tích. Ví dụ như truyện "Sự tích cây thuốc phiện" phỏng theo truyện Mai An Tiêm như sau: "Ngày xưa, Đại Vương thứ XVIII có nuôi một đứa trẻ thông minh khôi ngô, đặt tên là Mai Chích, hiệu là An Tiêm....Mặt hàng buôn bán của Tiêm thôi thì đủ loại từ chảo chống cháy, nồi cơm điện, main, chip vi tính cho đến các loại underwear xanh đỏ tím vàng... tất cả đều mang nhãn hiệu Made in China"

Không còn là cổ tích

Truyện cổ tích được coi là loại sách dành cho tuổi thơ mà bất cứ đứa trẻ nào cũng say mê, gửi gắm tâm hồn vào những câu chuyện thần tiên, ngây ngô và trong sáng.

Với hình ảnh được gọi là “hiện đại hóa” bằng những nét vẽ hiện đại, nhiều người sẽ kỳ vọng truyện tranh cổ tích là cách giúp trẻ ngày càng thích thú với truyện cổ tích.

Thế nhưng, khi đi sâu vào những cuốn sách này sẽ cảm thấy giật mình, khó chịu vì truyện cổ tích đã bị xuyên tạc một cách... kỳ quặc. “Hiện đại hóa” truyện cổ tích theo kiểu này chẳng khác nào xuyên tạc truyện cổ tích, làm méo mó thế giới tâm hồn, khát vọng trẻ thơ.  Khi truyện tranh xuất bản ra hàng ngàn bản cho hàng vạn người đọc thì sự "xuyên tạc" này chắc chắn sẽ để lại nhiều hệ lụy cho thế hệ sau.

Truyện tranh cổ tích gây tò mò cho trẻ 

Với những sáng tạo kiểu như trên, truyện cổ tích đã không còn là cổ tích nữa. Truyện cổ tích giống như một trò chơi của trí tưởng tượng trong một giai đoạn lịch sử nhất định, trò chơi này cũng không thể là một quả bóng để người ta lăn từ thời đại này sang thời đại khác, sẽ dần bị "biến chất".

Dẫu biết rằng vốn truyện cổ tích là một thể loại truyền miệng, truyện cổ tích thường có nhiều dị bản do những đặc điểm riêng trong nếp sống, lao động của từng vùng miền. Những người kể truyện cổ tích thường mang vào truyện những nét cá tính riêng, thêm thắt nội dung theo những ý đồ nhất định.

Nhưng "phá cách" truyện cổ tích bằng cách pha trộn chi tiết, cách suy nghĩ, cách ứng xử của cuộc sống và con người hiện đại thì sẽ biến truyện cổ tích thành một thứ... tạp phẩm.

Theo Giáo Dục Việt Nam

Theo Giáo Dục Việt Nam

Bạn có thể quan tâm