Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Truyền vitamin vào tĩnh mạch để giải rượu có hiệu quả?

Rihanna, Kate Moss... từng sử dụng phương pháp truyền vitamin vào tĩnh mạch để giải rượu sau những buổi tiệc tùng say xỉn. Chuyên gia quốc tế và Việt Nam nói gì?

Mới đây, trên Daily Mail, Charlotte Griffiths, một cô gái trẻ người Anh đã chia sẻ cảm nhận và kết quả sau khi điều trị cơn say bằng phương pháp truyền vitamin vào tĩnh mạch. Charlotte cho biết cô thường xuyên l tham gia 2 hoặc 3 bữa tiệc mỗi đêm và cảm thấy mệt mỏi vì rượu. Charlotte đã tìm hiểu và nhận thấy phương pháp truyền vitamin vào tĩnh mạch được nhiều ngôi sao nổi tiếng áp dụng như Rihanna, Kate Moss, Cara Delevingne, Nick Grimshaw để giải rượu.

Vị giám khảo mới của chương trình The X-Factor của Anh, Nick Grimshaw cũng giải rượu bằng phương pháp truyền vitamin vào tĩnh mạch. Ảnh: Dailymail.

Do vậy, Charlotte đã tới phòng khám để thử nghiệm. Sau khi đăng ký, cô được tiêm một hỗn hợp giữa vitamin B12, thuốc chống buồn nôn và một chất chống viêm pha dung dịch nước muối. Lúc đầu, cô cảm thấy nhiệt độ cơ thể giảm xuống và bắt đầu run lên. Charlotte cũng thấy buồn ngủ, nhưng cô cố gắng đi bộ để tỉnh táo hơn. Khoảng 47 phút sau khi truyền, Charlotte bắt đầu tỉnh táo, mắt sáng hơn và đầu óc không còn choáng váng. Với tác dụng như trên, rất nhiều bạn trẻ ở Anh (và Mỹ) gần như đã tạo thành xu hướng, đều thích sử dụng phương pháp truyền vitamin này để giảm những triệu chứng say xỉn, buồn nôn hiệu quả hơn.

Trước xu hướng này, 12 chuyên gia y tế tham dự bàn về sự an toàn của phương pháp truyền vitamin giải rượu.

Tiến sĩ Ian Marber, một chuyên gia dinh dưỡng cho biết không có bằng chứng nào chứng minh việc truyền vào tĩnh mạch có lợi cho sức khỏe. "Đó là phương pháp sai lầm mà nhiều người đang mắc phải, thậm chí nó còn gây hại lớn tới sức khỏe", tiến sĩ Ian khẳng định.

Charlotte Griffiths đang truyền vitamin ở phòng khám Knightsbridge. Ảnh: Dailymail.

Đồng quan điểm, chuyên gia dinh dưỡng Ellie Cannon cũng cho biết: "Các cơ quan trên cơ thể, đặc biệt là gan, cần phải phục hồi sau khi tiêu thụ rượu quá nhiều, nhưng không có bằng chứng nào cho thấy tiêm vitamin vào tĩnh mạch sẽ hồi phục chúng".

Tiến sĩ Ellie cũng khuyên bạn nên uống nhiều nước, đó là một trong những cách dễ dàng và an toàn nhất để giải rượu hiệu quả.

Truyền vitamin vào tĩnh mạch rất nguy hiểm

Về điều này, Đại tá, PGS.TS.BS Bùi Quang Huy, Trưởng khoa Tâm thần (Bệnh viện 103) – người nhiều năm nghiên cứu về ngộ độc rượu cho biết tùy theo các mức độ say rượu, có thể dùng thêm thuốc để giúp bệnh nhân nhanh chóng tỉnh táo, hạn chế cảm giác mệt mỏi và đau đầu sau khi say rượu như vitamin B1 tiêm bắp hoặc các chế phẩm thay thế như ancopir, neurobion, vitamin 3B...

Tuy nhiên việc dùng thuốc phải theo chỉ định của bác sĩ, tuyệt đối không tự ý dùng thuốc một cách bừa bãi.

Riêng về việc tiêm vitamin vào tĩnh mạch, bác sĩ Huy nhận định: “Đây là cách làm cực kỳ nguy hiểm, có thể là cách giết người không dao sạch sẽ khi gây sốc, chết người ngay tức khắc”.

Theo đó, bất kỳ dung dịch nào khi tiêm trực tiếp vào tĩnh mạch đều phải có chỉ định của y bác sĩ. Nếu tự ý tiêm các loại thuốc vào tĩnh mạch có thể xảy ra rất nhiều rủi ro. Nhẹ thì dị ứng, nặng thì gây sốc phản vệ, khiến ngưng tim, ngưng thở và nguy cơ tử vong rất cao.

Triệu chứng của sốc phản vệ theo cấp độ từ nhẹ đến nặng như sau: độ 1 – sốt, đỏ da toàn thân, nổi mề đay; độ 2 – buồn nôn, nhịp tim nhanh, tụt huyết áp, khó thở; độ 3 – sốc, co thắt phế quản; độ 4 – ngưng tim, ngưng thở.

Các triệu chứng trên xuất hiện đột ngột không quá 5 phút khi tiêm vào tĩnh mạch. Chưa kể nguy cơ nhiễm trùng từ bơm kim tiêm chưa được vô trùng đúng cách. Nên việc tự ý tiêm vitamin vào tĩnh mạch là hết sức nguy hiểm.

Phương Mai-Hà Quyên

Bạn có thể quan tâm