Olympic Toán quốc tế 2021 (IMO 2021) là kỳ thi đáng nhớ với những người dẫn đoàn như TS Lê Bá Khánh Trình, Phó trưởng đoàn Olympic Toán quốc tế của Việt Nam. Do ảnh hưởng dịch bệnh, 6 thành viên của đội tuyển Việt Nam phải ôn luyện hoàn toàn qua mạng, chưa một lần gặp mặt đầy đủ.
Năm nay, Đỗ Bách Khoa, học sinh trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, xuất sắc giành huy chương vàng. Hai em đoạt huy chương bạc là Đinh Vũ Tùng Lâm, Trương Tuấn Nghĩa, học sinh trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội.
Huy chương đồng thuộc về em Phan Hữu An (trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội), Phan Huỳnh Tuấn Kiệt (trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM) và Vũ Ngọc Bình (trường THPT chuyên Vĩnh Phúc, tỉnh Vĩnh Phúc).
Kết quả xếp toàn đoàn, Việt Nam xếp thứ 14, tốt hơn so với thành tích của năm ngoái (17). |
Thi cử luôn có điều bất ngờ
Kết quả toàn đoàn năm nay là sự bất ngờ với TS Trình và các thầy trong ban huấn luyện. Một số em năng lực tốt, được hy vọng nhiều nhưng kết quả thi lại không cao. Nếu các em thể hiện được tốt hơn, kết quả toàn đoàn sẽ được cải thiện. Nhưng thi cử luôn có những điều bất ngờ, có thể như ý hoặc không như ý.
TS Lê Bá Khánh Trình - người đạt điểm số tuyệt đối 40/40 tại IMO 1979 - thừa nhận năm nay, ông không thể đánh giá được đầy đủ và chính xác tố chất, khả năng của 6 học trò bởi việc ôn tập hoàn toàn bằng hình thức online đã hạn chế giao tiếp, tương tác, trao đổi.
Nói về Đỗ Bách Khoa - cái tên được chú ý ngay từ khi tuyển chọn vào đội tuyển - TS Trình cho biết khi thi đầu vào qua 2 vòng, Khoa không phải là người có điểm số cao nhất nhưng em tư duy sáng và nỗ lực.
Sau quá trình ôn luyện, Khoa là một trong 3 em mà các thầy đặt hy vọng sẽ giành huy chương vàng cùng Trương Tuấn Nghĩa (năm ngoái đã giành huy chương vàng) và Phan Hữu An (điểm thi vòng 2 cao nhất).
Theo TS Trình, Olympic Toán quốc tế năm 2020 cũng được tổ chức thi online nhưng các thí sinh của Việt Nam lại học tập trực tiếp, ăn ở cùng nhau nên điều kiện truyền thụ kiến thức, giao lưu tốt hơn.
Các thí sinh năm nay thiệt thòi và gặp nhiều bất lợi vì học online hoàn toàn. Thầy trò chưa có buổi gặp mặt đầy đủ nên thiếu không khí đồng đội, sự gắn kết. Nếu được gặp trực tiếp, các thầy sẽ dễ truyền đạt kiến thức và tinh thần hơn.
Mọi năm, ngoài dạy học, các thầy còn trò chuyện, dẫn các em đi tham quan thành phố, là dịp để hiểu về điểm mạnh, yếu của từng thành viên, động viên và khuyến khích lúc cần thiết.
“Việc học tập tập trung sẽ tạo không khí thảo luận, cùng tiến bộ nhanh bởi không khí thi đua, hăng hái. Các em có khả năng đột phá vì ngoài học thầy còn học với bạn. Chia sẻ điều này, tôi muốn nói đến sự thiệt thòi của các em, chứ không thể biện hộ cho thành tích vì nhiều nước cũng gặp khó như chúng ta”, TS Trình nhận định.
Buổi ra quân của cả đội, Phan Huỳnh Tuấn Kiệt và TS Lê Bá Khánh Trình chỉ có thể tham gia online. Ảnh: Lê Anh Vinh. |
Hai ngày thi căng thẳng
Kể lại trải nghiệm trong 2 ngày thi chính thức (19 và 20/7) của Olympic Toán quốc tế năm nay, người giành huy chương vàng IMO 1979 cho rằng đây là kỳ thi rất đặc biệt, đáng nhớ trong sự nghiệp dẫn đoàn của mình.
TS Trình cho biết ban đầu dự định tổ chức thi một điểm cầu ở Hà Nội, thầy và em Phan Huỳnh Tuấn Kiệt sẽ phải ra ngoài Hà Nội. Tuy nhiên, tình hình dịch căng thẳng, việc di chuyển khó và nhiều rủi ro nên Bộ GD&ĐT tổ chức thêm điểm cầu trường chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM - nơi Kiệt học tập.
Như vậy, kỳ năm nay, TS Trình có thêm một trải nghiệm thú vị khi điểm thi rất gần nhà ông. Từ lúc bắt dẫn đoàn IMO đến nay, đây là lần đầu tiên điểm thi gần nhà ông đến vậy.
Nước Nga đăng cai tổ chức kỳ thi, không quan trọng mỗi nước có bao nhiêu điểm cầu, chỉ cần đáp ứng được điều kiện cơ sở vật chất, camera và giám sát viên.
Tại cầu TP.HCM, trong lúc thi, ngoài TS Lê Bá Khánh Trình, 3 giám sát viên khác làm nhiệm vụ, trong đó có một người Hàn Quốc, cùng hệ thống camera xung quanh. Rất may mắn, trong điều kiện dịch bệnh, kỳ thi được tổ chức thành công, an toàn.
TS Lê Bá Khánh Trình nói quá trình chấm thi online không sôi nổi như chấm trực tiếp - cùng ngồi lại, tranh luận, đôi khi gay gắt nhưng rất thú vị. Giám khảo chấm online trao đổi qua chat nên khá bình lặng.
Đề năm nay được TS Trình và nhiều thầy trong ban huấn luyện đánh giá khó hơn nhiều so với đề thi năm ngoái. Mức điểm cho các huy chương cũng phản ánh mức độ khó của đề. Thông thường, để đạt được huy chương vàng, thí sinh phải làm được 29 điểm trở lên nhưng năm nay huy chương vàng chỉ cần đạt 24 điểm.
Trong 6 bài toán, 3 bài khó đối với học sinh Việt Nam là số 2, 5 và 6. Trong đó, bài số 6 ở mức rất khó. Theo truyền thống, nước tổ chức luôn muốn để lại dấu ấn trong đề bằng một câu khó, hiếm thí sinh giải được.
Bài bất đẳng thức (số 2) cũng rất khó, đoàn Việt Nam chỉ có Khoa làm được. Bài số 5 là dạng Toán tổ hợp, đây là điểm yếu của học sinh Việt Nam.
“Tôi muốn nói với các bạn kết quả này là tốt rồi vì đề thi năm nay khó, lại tổ chức thi trong điều kiện dịch bệnh. Sau ngày thi đầu tiên, tôi nói với em Kiệt, bài số 2 thông thường chỉ ở mức độ trung bình nhưng năm nay lại khó, chắc các đội mạnh cũng 'te tua' với bài này chứ không riêng gì các em", ông chia sẻ.
Từng là người dự thi IMO, nhiều năm tham gia bồi dưỡng và đưa học trò đi thi, TS Lê Bá Khánh Trình còn nhiều trăn trở với kết quả của đội. Ảnh: Quyên Quyên. |
Chưa có bước tiến đột phá
"Tất nhiên với vai trò người thầy trực tiếp dẫn đội, tôi vẫn mong, hy vọng đoàn chúng ta đứng trong top 10. Không chỉ năm nay, bất kể khi nào học trò cầm chuông đi đánh xứ người, tôi vẫn luôn khao khát như vậy", người đoạt huy chương vàng IMO 1979 nói về tham vọng của đoàn Việt Nam ở đấu trường quốc tế.
Đánh giá thực lực của đội tuyển Olympic Toán Việt Nam, TS Trình cho rằng so với mặt bằng chung trong khu vực, chúng ta ngang ngửa với Singapore, Thái Lan, dù kết quả có năm xếp dưới nhưng là ngẫu nhiên.
So với Nhật Bản, chúng ta cũng xứng tầm với họ. Với những nước ở vị trí dẫn đầu, Việt Nam đang cố gắng bám theo chứ chưa thể bắt kịp trình độ của họ.
Với vai trò người thầy trực tiếp dẫn đội, tôi vẫn mong, hy vọng đoàn chúng ta đứng trong top 10. Không chỉ năm nay, bất kể khi nào học trò cầm chuông đi đánh xứ người, tôi vẫn luôn khao khát như vậy.
TS Lê Bá Khánh Trình
"Nhiều năm dẫn đoàn, tôi nhận thấy trình độ, nội lực của thí sinh Việt Nam gần đây vẫn duy trì ở mức chấp nhận được chứ không mạnh. Tôi và nhiều người vẫn mong chúng ta bám theo các 'ông lớn' như Nga, Mỹ, Trung Quốc. Muốn vậy, kết quả của chúng ta phải thường xuyên nằm trong top 10", TS Trình đánh giá.
Theo ông, những năm qua, chúng ta "chìm nổi" ngoài top 10, chưa có bứt phá, tạo sự bám đuổi hay áp lực đáng kể với các "ông lớn". Nhưng rõ ràng chúng ta có tiềm năng đó.
Đó cũng là điều khiến ông và các thầy trong ban huấn luyện trăn trở từ nhiều năm nay. Kết quả đến từ nhiều yếu tố nhưng về mặt ôn luyện, truyền thụ kiến thức, bản thân người dẫn đoàn chưa ưng ý về chính mình.
"Có thể là trình độ của chúng tôi chỉ đến mức như vậy nên không thể bồi dưỡng tốt hơn cho học trò”, TS Trình khiêm tốn bày tỏ.