Cùng với một số cuộc thi văn hóa cấp tỉnh/TP, cuộc thi năng khiếu, điểm thi nghề phổ thông sẽ không được cộng điểm khuyến khích như trước.
Đánh giá về dự thảo này, TS Vũ Thu Hương (ĐH Sư phạm Hà Nội) cho biết:
- Đây là chủ trương đúng đắn. Bất cứ học sinh nào giỏi một bộ môn thì không thể đại diện cho tất cả các bộ môn được học trong trường. Quy định được cộng điểm khuyến khích cũng khiến việc học tập của học sinh trở nên quá tải, nặng về kiến thức và yếu kém về thực hành.
TS Vũ Thu Hương. |
Tôi nghĩ chủ trương này còn đem lại sự công bằng cho tất cả các trẻ. Tôi biết có trường hợp, bố mẹ đã làm bài hộ con, sáng chế hộ con để đem đi thi và giật các giải, với hy vọng được ưu tiên trong tuyển sinh đầu cấp.
Trong những trường hợp này, rõ ràng sự thiếu công bằng và có tác dụng rất xấu đến đứa trẻ. Giáo dục cần được tiến hành minh bạch chứ không phải gian dối như vậy.
- Hiện nay, nhiều địa phương trên cả nước đã tổ chức thi học sinh giỏi và thi nghề phổ thông. Đánh giá chủ trương là đúng, nhưng theo tiến sĩ cần có lộ trình thực hiện ra sao để học sinh và phụ huynh được chủ động?
- Tôi nghĩ cần có sự công bố sớm từ đầu năm học để học sinh và giáo viên quen dần với việc này. Những kỳ thi nào không được xét tính điểm cũng được công bố rộng rãi. Việc này sẽ giúp học sinh và phụ huynh hiểu, lựa chọn phương án học phù hợp cho con, giảm áp lực với trẻ.
Còn hiện nay là giữa năm học, những kỳ thi trẻ đã tham gia rồi và có kết quả cao, tôi nghĩ nên xem xét cộng điểm cho các cháu, tránh gây ra bức xúc cho phụ huynh và học sinh.
- Nếu bỏ cộng điểm, số lượng học sinh đăng ký tham gia học nghề ở bậc phổ thông và các cuộc thi khác có thể giảm. Theo TS, cách nào để hài hòa giữa mục tiêu khuyến khích học nghề, giúp định hướng nghề nghiệp ở bậc phổ thông, mà vẫn giảm được áp lực học hành cho học sinh?
- Định hướng nghề nghiệp là việc quan trọng bắt buộc. Theo tôi, để các học sinh được đào tạo nghề một cách đúng đắn và đầy đủ, nhất thiết phải đưa việc học nghề vào trong các môn học của nhà trường và có chế độ đánh giá giống như các môn học khác. Khi đó, các học sinh sẽ học hành nghiêm túc và coi trọng những môn học này.
Để việc này có thể diễn ra thuận lợi, nhất thiết phải có sự phối hợp giữa các trường phổ thông, trường dạy nghề với các cơ sở sản xuất. Việc này nên tiến hành linh hoạt, tùy thuộc vào điều kiện của từng địa phương, từng trường. Như vậy, việc đào tạo nghề cho học sinh vẫn sẽ được tiến hành nghiêm túc góp phần định hướng nghề nghiệp cho các em.