Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Từ 1,2 đến 1,4 tỷ đồng, chọn Mazda CX-8 hay Ford Everest?

Ford Everest kích thước lớn hơn, gầm cao hơn, vận hành mạnh mẽ ở cung đường dốc trong khi Mazda CX8 cabin đẹp hơn, phù hợp đường đô thị.

Mazda CX-8 được phân phối 3 phiên bản dùng động cơ xăng 2.5L, hộp số tự động 6 cấp là CX-8 Luxury giá 1,199 tỷ đồng, CX-8 Premium giá 1,349 tỷ đồng và CX-8 Premium AWD giá 1,399 tỷ đồng.

Ford Everest có 4 phiên bản dùng động cơ diesel 2.0 turbo là Everest 4x2 Ambiente 6MT giá 999 triệu đồng, Everest 4x2 Ambiente 10AT giá 1,052 tỷ đồng, Everest 4x2 Trend 10AT giá 1,112 tỷ đồng, Everest 4x2 Titanium 10AT giá 1,177 tỷ đồng và phiên bản cao cấp nhất Everest 4x4 Titanium 10AT động cơ Bi-Turbo giá 1,399 tỷ đồng.

Kích thước tổng thể (dài x rộng x cao) của Ford Everest là 4.892 x 1.680 x 1.837 mm, khoảng sáng gầm 210 mm so với thông số tương tự của CX-8 là 4.900 x 1.840 x 1.730 mm, khoảng sáng gầm 185 mm. Có thể thấy CX-8 rộng hơn Everest 160 mm. Khoảng sáng gầm lớn hơn 25 mm, giúp Everest có khả năng đi địa hình, lội nước tốt hơn CX-8.

Everest được trang bị mâm xe cỡ 17 inch cho phiên bản giá thấp nhất Ambiente 6MT, phiên bản Trend sử dụng mâm 18 inch và 2 phiên bản Titanium sử dụng mâm cỡ lớn 20 inch. CX-8 trang bị mâm hợp kim 19 inch cho cả 3 phiên bản.

Công suất động cơ của Mazda CX-8 cho tất cả các phiên bản là 188 mã lực, mô men xoắn 251Nm. Hộp số 6 cấp cho khả năng vận hành tốt ở các cung đường bằng phẳng, đường cao tốc…

Công suất động cơ của Ford Everest phiên bản động cơ 2.0 turbo là 180 mã lực và mô men xoắn 420Nm, phiên bản động cơ 2.0 Bi-turbo là 213 mã lực, mô men xoắn 500Nm. Mô men xoắn lớn cùng hộp số tự động lên tới 10 cấp cho phép Ford Everest có khả năng vận hành trên những địa hình khó, đường đèo dốc, tải nặng.

Về an toàn: Cả CX-8 và Everest đều có những trang bị tiêu chuẩn như phanh đĩa ABS trước và sau, cảm biến lùi, camera lùi, hệ thống cân bằng điện tử, hỗ trợ khởi hành ngang dốc, phân phối lực phanh điện tử, khởi động bằng nút bấm, chìa khóa thông minh, gương chiếu hậu gập điện, chỉnh điện.

Đối với phiên bản cao cấp nhất, cả 2 xe đều được trang bị những công nghệ hiện đại như cảnh báo lệch làn đường, cảnh báo va chạm phía trước, phanh tự động.

Ford Everest nhỉnh hơn về trang bị khi có 7 túi khí so với 6 túi khí của CX-8 và có thêm hệ thống chống ồn chủ động.

Cabin của CX-8 khá đơn giản, tinh tế, màn hình cảm ứng với kết nối Android Auto, Apple Carplay, hệ thống giải trí 10 loa được đánh giá khá cao trong phân khúc.

Cabin của Everest khá đơn điệu, đặc biệt là bệ ngăn cách giữa ghế lái và ghế phụ vẫn kiểu truyền thống, thấp, hẹp, không có nút bấm/núm xoay tiện ích như ở các dòng xe hiện đại. Bù lại, Ford Everest có hệ thống giải trí SYNC3, ra lệnh giọng nói và dàn loa cho âm thanh sống động.

Thuộc phân khúc SUV 7 chỗ, hàng ghế thứ 2 của cả hai xe đều có thể ngả ra sau, giúp người ngồi thoải mái. Hai xe đều có cửa gió điều hoà cho hàng ghế sau.

Điểm trừ của CX-8 là không có phiên bản nào có cửa sổ trời. Phiên bản cao cấp nhất Everest Titanium 4x4 AT được trang bị cửa số trời toàn cảnh.

mazda,  ford,  cx8,  everest anh 13
Cửa sổ trời chiếm gần 50% diện tích trần của Everest phiên bản Titanium 4x4.

Xét tổng quan, Mazda CX-8 sẽ phù hợp với những ai tìm kiếm một mẫu xe gia đình có ngoại hình đẹp, nội thất tinh tế và khả năng vận hành đa dạng nhưng chủ yếu chạy phố và những cung đường đẹp.

Everest có vẻ ngoài khá cơ bắp cùng khả năng vận hành tốt trên nhiều địa hình, vừa có thể chạy phố vừa có thể offroad.

Ford Everest và Mazda CX-8, mỗi xe đều có ưu nhược điểm riêng, song đây đều là những chiếc xe tốt trong phân khúc. Với mức giá gần tương đương giữa các phiên bản, người tiêu dùng có thể căn cứ nhu cầu của mình để lựa chọn một chiếc xe phù hợp.

Hùng Sơn

Bạn có thể quan tâm