Tại hội nghị trực tuyến (toàn quốc) quán triệt việc thi hành Bộ luật Hình sự (BLHS) và Luật Tiếp cận thông tin mới đây, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã bày tỏ mong muốn các cơ quan tố tụng luôn xử lý đúng người đúng tội, không để oan sai.
Bộ trưởng cho biết để triển khai BLHS 2015 (có hiệu lực ngày 1/1/2018), Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 41; Bộ Tư pháp cũng đã tham mưu cho Chính phủ ban hành các quy định triển khai thi hành BLHS.
Bộ trưởng cho rằng để các quy định của luật được nhanh chóng đi vào cuộc sống thì tất cả cơ quan có liên quan trong bộ máy nhà nước phải làm một khối lượng công việc rất lớn nhằm bảo đảm pháp luật được thi hành thống nhất, đồng bộ, kịp thời và hiệu quả trên phạm vi cả nước.
Hạn chế phạt tù, tăng phạt tiền
Tại hội nghị, giới thiệu những nội dung cơ bản của BLHS 2015, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Tiến Châu thông tin BLHS 2015 hạn chế áp dụng hình phạt tù, mở rộng áp dụng hình phạt theo hướng phạt tiền là hình phạt chính.
Nội dung này không chỉ được áp dụng đối với người phạm tội ít nghiêm trọng như quy định tại BLHS 1999 mà cả đối với trường hợp phạm các tội nghiêm trọng. Riêng đối với nhóm các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, môi trường thì phạt tiền là hình phạt chính, có thể áp dụng đối với tội rất nghiêm trọng.
BLHS cũng mở rộng nội hàm của hình phạt cải tạo không giam giữ. Theo đó, người bị phạt cải tạo không giam giữ, không có việc làm hoặc bị mất việc làm trong thời gian chấp hành hình phạt này thì phải thực hiện một số công việc lao động phục vụ cộng đồng trong thời gian cải tạo không giam giữ.
Thời gian lao động phục vụ cộng đồng không quá bốn giờ trong một ngày và không quá năm ngày trong một tuần. Biện pháp này không áp dụng đối với người già yếu, phụ nữ có thai. Hình phạt này được áp dụng cả đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng do vô ý, hoặc người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng.
Các cơ quan, đơn vị dự hội nghị trực tuyến tại đầu cầu TP.HCM. |
Đảm bảo lợi ích tốt nhất cho người chưa thành niên
BLHS 2015 có sự điều chỉnh mạnh mẽ trong chính sách hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội, đặc biệt là đối với các em từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi theo hướng bảo đảm lợi ích tốt nhất cho các em.
Theo đó, đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi, các em chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự (TNHS) về tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng (các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm con người; ma túy; xâm phạm an toàn công cộng…). Ngoài ra, các em cũng chỉ phải chịu TNHS đối với hành vi chuẩn bị phạm tội của 2/314 tội danh được quy định trong BLHS, đó là tội giết người và tội cướp tài sản.
Thứ trưởng Lê Tiến Châu phân tích: Có thể thấy trên cơ sở cân nhắc tính chất, mức độ nghiêm trọng và tính phổ biến của hành vi phạm tội do người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi gây ra trong thời gian qua cũng như dự báo trong thời gian tới, BLHS 2015 đã xác định nhóm các tội danh mà các em trong độ tuổi này phải chịu TNHS (kể cả trường hợp chuẩn bị phạm tội) chủ yếu tập trung vào các tội gây hậu quả cho tính mạng, sức khỏe con người và an toàn công cộng.
Đáng chú ý, có ba trường hợp người chưa thành niên bị kết án được coi là không có án tích gồm người bị kết án là người đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi; người bị kết án là người đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi bị kết án do lỗi vô ý về tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng hoặc tội rất nghiêm trọng và người chưa thành niên bị áp dụng biện pháp tư pháp (giáo dục tại trường giáo dưỡng).
Ngoài ba trường hợp này, theo Điều 69 BLHS 2015, người chưa thành niên bị kết án nhưng được miễn hình phạt cũng không bị coi là có án tích.
Pháp nhân phải chịu trách nhiệm hình sự
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Tiến Châu nhấn mạnh lần đầu tiên trong lịch sử lập pháp hình sự nước ta, chế định TNHS của pháp nhân thương mại đã được bổ sung vào BLHS. Đây là điểm đổi mới nổi bật, mang tính đột phá trong chính sách hình sự nước ta, làm thay đổi nhận thức truyền thống về vấn đề tội phạm và hình phạt.
Việc bổ sung chế định này xuất phát từ yêu cầu cấp bách của thực tiễn và là kết quả của gần 16 năm (từ năm 1999 đến nay) kiên trì, bền bỉ nghiên cứu, đề xuất của Chính phủ và được Quốc hội chấp thuận nhằm góp phần khắc phục những bất cập, hạn chế trong việc xử lý các vi phạm pháp luật của pháp nhân trong thời gian qua, nhất là những vi phạm trong các lĩnh vực kinh tế và môi trường. Đồng thời, tạo điều kiện bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người bị thiệt hại do các vi phạm của pháp nhân gây ra.
BLHS 2015 đã xác định rõ giới hạn áp dụng chế định TNHS của pháp nhân theo hướng hẹp cả về chủ thể lẫn về loại tội. Các chế tài áp dụng đối với pháp nhân phạm tội gồm ba hình phạt chính: Phạt tiền; đình chỉ hoạt động có thời hạn và đình chỉ hoạt động vĩnh viễn. Ba hình phạt bổ sung gồm cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định; cấm huy động vốn; phạt tiền, khi không áp dụng là hình phạt chính.
Không tử hình người đủ 75 tuổi trở lên
Bộ luật 2015 bổ sung trường hợp không áp dụng hình phạt tử hình đối với người đủ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử.
Đồng thời bổ sung hai trường hợp không thi hành án tử hình là người đủ 75 tuổi trở lên và người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn thì không thi hành án tử hình đối với họ.