Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Từ 2023, đề thi Ngữ văn sẽ tránh sử dụng lại các văn bản đã học

Bộ GD&ĐT yêu cầu trong đánh giá kết quả học tập cuối kỳ, cuối năm học tránh dùng lại các văn bản đã học trong sách giáo khoa làm ngữ liệu xây dựng đề kiểm tra đọc hiểu và viết.

Theo Bộ GD&ĐT, việc này nhằm khắc phục tình trạng dạy học nặng nề về thuyết giảng, đọc chép và yêu cầu thuộc lòng theo văn mẫu đối với môn Tiếng Việt cấp tiểu học và môn Ngữ văn cấp trung học (sau đây gọi là môn Ngữ văn).

Tăng cường hoạt động thực hành, vận dụng, trình bày, thảo luận

Cụ thể, Bộ GD&ĐT yêu cầu tăng cường hơn nữa việc phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh trong quá trình học tập môn Ngữ văn; dành nhiều thời gian cho các hoạt động thực hành, vận dụng, trình bày, thảo luận để rèn luyện kỹ năng đọc, viết, nói, nghe và cảm thụ thẩm mỹ theo yêu cầu, mức độ với từng lớp học, cấp học.

Trong quá trình dạy học, giáo viên cần giao nhiệm vụ học tập rõ ràng, phù hợp với khả năng của học sinh; nêu cụ thể các yêu cầu về sản phẩm mà học sinh phải hoàn thành; chú trọng kiểm tra, đánh giá, hỗ trợ, động viên học sinh thực hiện nhiệm vụ học tập.

Giáo viên xây dựng kế hoạch bài dạy và tổ chức dạy học môn Ngữ văn theo hướng tăng cường rèn luyện học sinh phương pháp đọc, viết, nói, nghe; thực hành, trải nghiệm tiếp nhận, vận dụng kiến thức tiếng Việt, văn học thông qua các hoạt động học ở trong và ngoài lớp học.

Đối với dạy đọc, bộ yêu cầu cần xác định rõ mục đích giúp học sinh biết cách đọc, tự đọc hiểu được văn bản; thông qua đó hình thành phẩm chất, nhân cách học sinh.

Giáo viên coi ngữ liệu là phương tiện, việc tìm hiểu ngữ liệu là cách thức để hình thành, phát triển năng lực đọc hiểu văn bản. Bên cạnh việc giúp học sinh hiểu được nội dung và hình thành văn bản, thầy cô cần chú ý trang bị cho học sinh công cụ, cách thức để đọc hiểu các văn bản cùng thể loại hoặc loại hình với văn bản được học.

Đối với dạy viết, giáo viên chú trọng yêu cầu học sinh hình thành ý tưởng, biết cách trình bày ý tưởng một cách mạch lạc, sáng tạo, có sức thuyết phục để qua đó rèn luyện tư duy, cách viết các kiểu văn bản; tập trung vào yêu cầu hướng dẫn học sinh thực hiện các bước tạo văn bản.

doi moi cach day hoc va danh gia mon Ngu van anh 1

Bộ GD&ĐT yêu cầu từ năm 2023, giáo viên không sử dụng lại các văn bản đã học trong sách giáo khoa là ngữ liệu xây dựng đề. Ảnh minh họa: Duy Hiệu.

Thay đổi cách đánh giá học sinh trong môn Ngữ văn

Việc đánh giá học sinh trong môn Ngữ văn cần đảm bảo nguyên tắc phát huy được những mặt tích cực của cá tính, trí tưởng tượng, năng lực ngôn ngữ, năng lực văn học, năng lực tư duy hình tượng và tư duy logic.

Các nhà trường cần tập trung thiết kế và sử dụng các câu hỏi, bài tập yêu cầu học sinh vận dụng kiến thức đã học và kỹ năng đọc, viết, nói, nghe vào bối cảnh và ngữ liệu mới; tạo cơ hội để học sinh khám phá những tri thức mới, đề xuất ý tưởng và tạo ra sản phẩm mới; gợi mở những liên tưởng, tưởng tượng, huy động được vốn sống vào quá trình đọc, viết, nói, nghe.

Bộ GD&ĐT yêu cầu trong đánh giá kết quả học tập cuối kỳ, cuối năm học, cuối cấp học, tránh dùng lại các văn bản đã học trong sách giáo khoa làm ngữ liệu xây dựng các đề kiểm tra đọc hiểu và viết để đánh giá chính xác năng lực học sinh, khắc phục tình trạng học sinh chỉ học thuộc bài hoặc sao chép nội dung tài liệu có sẵn.

Bộ cũng khuyến khích việc xây dựng và sử dụng các đề mở trong kiểm tra, đánh giá để phát huy cao nhất khả năng sáng tạo của học sinh; xây dựng bộ công cụ đánh giá để hạn chế tính chủ quan, cảm tính của người chấm.

Khi nhận xét, đánh giá các sản phẩm của học sinh, giáo viên cần tôn trọng, khuyến khích cách nghĩ, cách cảm riêng của học sinh trên nguyên tắc không vi phạm những chuẩn mực đạo đức, văn hóa và pháp luật.

Lấy điểm chuẩn học bạ trên 30 không phải là điều bất thường

Chuyên gia cho rằng với nguyên tắc xét tuyển lấy từ trên xuống, lượng thí sinh nộp hồ sơ vào nhiều, việc lấy điểm chuẩn xấp xỉ 30 không bất thường.

Ngọc Bích

Bạn có thể quan tâm