Ngày 21/3, TAND Cấp cao tại Hà Nội xét xử phúc thẩm đã chấp nhận một phần kháng cáo của Công ty CP Truyền thông VietArt trong vụ án tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ giữa doanh nghiệp này với Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC).
Trước đó, TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm, đưa ra phán quyết buộc VietArt bồi thường cho VCPMC hơn 210 triệu đồng (trong đó, hơn 205 triệu là bồi thường mức giảm sút thu nhập, tương đương hơn 10 triệu đồng/bài hát; còn lại là chi phí khác).
HĐXX phúc thẩm tuyên án. |
Cho rằng phán quyết nêu trên của tòa cấp sơ thẩm không khách quan, VietArt làm đơn kháng cáo, khẳng định VCPMC thể hiện sự độc quyền không lành mạnh, không xem xét đến lợi ích của các đơn vị tổ chức biểu diễn.
Theo diễn biến phiên tòa và các tài liệu có trong hồ sơ vụ án thể hiện, ngày 17/1/2019, Công ty Vietart tổ chức chương trình “Đêm Việt Nam 7” với tựa đề “Chuyện của mùa đông” tại Trung tâm hội nghị Quốc gia, Hà Nội.
Chương trình này đã sử dụng 20 tác phẩm âm nhạc của các tác giả/chủ sở hữu quyền tác giả đã ủy quyền cho Trung tâm VCPMC quản lý, khai thác và bảo vệ quyền tác giả mà chưa được sự đồng ý, chưa thanh toán tiền phí tác quyền cho trung tâm.
Lý do chưa thanh toán phí tác quyền phía Công ty VietArt đưa ra là do trước khi tổ chức, ngày 22/8/2018, doanh nghiệp này đã có công văn gửi Trung tâm bảo vệ quyền tác giả về chi phí các tác phẩm, nhưng không được trung tâm phản hồi.
HĐXX cấp sơ thẩm xác định VietArt sử dụng 20 tác phẩm âm nhạc của tác giả/chủ sở hữu quyền tác giả đã ủy quyền cho Trung tâm VCPMC, nhưng không thực hiện nghĩa vụ xin phép tác giả, không trả tiền nhuận, thù lao thông qua VCPMC là hành vi xâm phạm quyền tác giả, gây thiệt hại đến quyền, lợi ích của các tác giả/chủ sở hữu.
Tại phiên phúc thẩm ngày 21/3, HĐXX nhận định Công ty VietArt đã xâm phạm quyền tác giả 20 bài hát, phải có nghĩa vụ bồi thường cho Trung tâm VCPMC. Tuy nhiên, Trung tâm VCPMC theo Quyết định số 14 (quyết định riêng của Trung tâm) tính toán ra con số bồi thường thiệt hại mà chưa có sự thỏa thuận với tổ chức khai thác, cũng không xác định mức nhuận bút với các tổ chức khai thác bằng hợp đồng theo pháp luật.
Ngoài ra, HĐXX phúc thẩm cũng xác định các văn bản mà Trung tâm VCPMC xuất trình không thể hiện căn cứ tính giá. Bên cạnh đó, dù áp dụng cách tính theo quyết định và biểu mức riêng, Trung tâm không đưa được các tài liệu, căn cứ. Trong khi, VietArt đồng ý thanh toán cho Trung tâm VCPMC 3 triệu đồng/bài.
Theo đó, HĐXX phúc thẩm chấp nhận ý kiến tự nguyện của VietArt, tuyên sửa một phần bản án sơ thẩm, buộc VietArt bồi thường 60 triệu đồng cho 20 tác phẩm âm nhạc.
Độc giả của Znews có thể tìm đọc những cuốn sách về Luật hình sự, Luật cư trú, Luật đất đai, Luật dân sự, Luật tố tụng dân sự tại Tủ sách pháp luật.