Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Từ bartender không biết tiếng Anh đến khách mời được săn đón quốc tế

Từ nhân viên pha chế không biết tiếng Anh, Jimmy Nguyễn (TP.HCM) trở thành bartender chuyên nghiệp, được săn đón ở nhiều quốc gia sau 7 năm.

Tôi là Jimmy Nguyễn (TP.HCM), bartender kiêm cố vấn ẩm thực cho các doanh nghiệp về F&B.

Tháng 11 năm ngoái, tôi được mời tham gia sự kiện tại quán Bar Mood ở Đài Bắc (Đài Loan, Trung Quốc). Chủ quán là một "huyền thoại" trong giới bartender châu Á, người mà tôi luôn ngưỡng mộ và kính trọng.

Tôi cảm thấy rất vinh dự khi được có tên trong danh sách hơn 10 bartender đến từ 10 quốc gia khác nhau, và đặc biệt hơn khi là người trẻ tuổi nhất đại diện cho Việt Nam.

Cơ hội quý giá này có lẽ chẳng bao giờ đến nếu 7 năm trước, tôi không đưa ra quyết định táo bạo: tạm dừng việc học để đi làm từ sớm.

Vốn là người có tính cách độc lập, tôi luôn muốn tự mình trải nghiệm, khám phá cũng như muốn tự chủ tài chính. May mắn thay, gia đình luôn ủng hộ mọi quyết định của tôi.

Học nghề từ đảo ngọc

Năm 2019, tôi rời quê hương để đến với Phú Quốc. Từng có kinh nghiệm làm bếp, tôi mong muốn được tiếp tục phát triển nghề nghiệp của mình trên hòn đảo ngọc. Tuy nhiên, cơ duyên lại đưa tôi đến với quầy bar, bởi nơi tôi ứng tuyển không còn vị trí trống nào trong bếp.

Phú Quốc là một vùng đất đầy hứa hẹn nhưng cũng không ít khó khăn. Bước chân vào môi trường làm việc toàn khách nước ngoài, nhưng vốn tiếng Anh lại bằng 0. Tôi chợt nhận ra ngoại ngữ chính là trở ngại lớn nhất mình phải đối mặt.

Tôi lao vào học tiếng Anh mỗi ngày, biến căn phòng trọ thành một "lớp học" thu nhỏ với những tờ giấy ghi chú dày đặc trên tường nhà.

Chính sự nỗ lực không ngừng nghỉ đó đã giúp tôi có được khả năng giao tiếp tiếng Anh lưu loát như hôm nay, và cũng là tiền đề để tôi có được cơ hội trở thành guest shift (tạm dịch: bartender khách mời) nhiều quốc gia trên thế giới. Guest shift là cơ hội để các bartender học hỏi lẫn nhau, trao đổi kinh nghiệm pha chế và phong cách phục vụ.

Tôi vẫn nhớ mãi lần đầu tiên được mời làm khách mời, nhờ sự giới thiệu của quán bar mà tôi đang làm việc ở quận 1 (TP.HCM). Tôi đã rất bất ngờ và vinh hạnh. Có lẽ nhờ "tiếng lành đồn xa", tôi tiếp tục nhận được nhiều lời mời từ những quán bar khác.

Ngoài những địa điểm trong nước, tôi trở thành khách mời ở Singapore, Dubai, Malaysia, Thái Lan, Indonesia và Trung Quốc.

Các quán bar nước ngoài thường mời những guest shift quốc tế có giải thưởng hoặc từng vô địch các cuộc thi. Dù chưa đạt được những thành tích đó, tôi vẫn được ưu ái mời tham gia.

Ngoài kỹ năng pha chế và khả năng giao tiếp lưu loát, tôi nghĩ rằng việc sở hữu hình ảnh cá nhân chỉn chu, được thể hiện rõ nhất qua các kênh mạng xã hội, cũng là một lợi thế. Từ kinh nghiệm của mình, tôi tin rằng việc xây dựng thương hiệu cá nhân là điều cần thiết với bất kỳ bartender nào ở thời đại này.

Bartender "đa năng"

Tôi nghĩ rằng nếu chỉ học pha chế như cái nghề mà từ chối học hỏi kỹ năng khác, thu nhập sẽ chỉ mãi "ba cọc ba đồng". Bởi vậy, ngoài công việc bartender và trở thành guest shift, tôi còn tham gia lĩnh vực đào tạo nghề cho các nhân viên pha chế.

Song, nguồn thu nhập chính của tôi đến từ việc sắp đặt quán (setup quán), công việc bao gồm khâu tư vấn và hỗ trợ vận hành cho các cửa hàng, doanh nghiệp kinh doanh F&B.

Đây là một công việc đầy thử thách, đặc biệt khi nhận những dự án có vốn đầu tư lên đến hàng tỷ đồng, đòi hỏi tôi phải chịu trách nhiệm lớn trong việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn đó.

Tôi bén duyên với công việc setup quán bar từ 3 năm trước, khi còn làm quản lý tại một quán bar. Nhờ được sếp cũ tin tưởng giao phó một phần công việc sắp đặt quán, tôi đã có cơ hội tiếp xúc và dần đam mê lĩnh vực này.

Để setup quán bar thành công, biết mỗi công việc pha chế là không đủ. Tôi cần học cách tính toán chi phí, trang bị thêm kiến thức về marketing, quản lý tài chính và nhiều kỹ năng khác.

Vào thời gian rảnh, tôi luyện tập kỹ năng bịt mặt pha chế. Để thành thục kỹ năng này và có thể đem đến những màn trình diễn đầy ấn tượng tại quầy bar, tôi đã mất 2 năm thực hành.

Với tôi, khi đứng sau quầy bar, bartender chính là một "nghệ sĩ" đang biểu diễn, biến những nguyên liệu đơn giản thành những tác phẩm nghệ thuật độc đáo, mang đến những trải nghiệm thú vị cho thực khách.

Trong suốt hành trình của mình, tôi đã nhận được vô số yêu cầu pha chế độc đáo. Có lần, một vị khách nữ đã yêu cầu tôi pha một ly cocktail có "mùi đất sau cơn mưa".

Đây là một yêu cầu khá trừu tượng, khiến tôi không biết là khách hàng muốn thưởng thức hay đang thử thách tay nghề của mình. Cuối cùng, tôi đã sử dụng loại whiskey vùng Iceland, có đặc trưng là vị khói than bùn, để tạo ra một ly cocktail độc đáo và ấn tượng.

Trong tương lai, tôi ấp ủ dự định mở một quán bar riêng, một không gian mang đến niềm vui và sự tiện lợi cho khách hàng. Họ có thể ghé qua quán để thưởng thức một ly cocktail ngon lành hoặc mua mang về.

Tôi muốn xây dựng một mô hình kinh doanh xoay quanh khách hàng, nơi họ cảm thấy được lắng nghe và phục vụ tận tâm. Theo tôi, một ly cocktail ngon đa phần chỉ quyết định từ 30% thức uống, còn lại đến từ chất lượng dịch vụ đem đến cho khách hàng.

Quản lý rooftop bar ở TP.HCM, Hà Nội khó 'như làm nông'

Để theo đuổi mô hình trên sân thượng, các quán bar, pub tại TP.HCM và Hà Nội phải "nương" theo thời tiết để vận hành, chấp nhận những ngày không một bóng khách.

Gen Z quan tâm đến thế giới nội tâm nhiều hơn trước

Nguyễn Đoàn Minh Thư, tác giả của cuốn sách Hành tinh của một kẻ nghĩ nhiều là một người trẻ, một Gen Z sinh năm 2000. Cô tốt nghiệp cử nhân chuyên ngành Tâm lý tại Đại học East Anglia và hiện làm thực tập sinh tư vấn tâm lý cho Bộ Y tế Anh (National Health Service). Minh Thư cho biết câu chuyện được viết từ chính trải nghiệm của cô và nhấn mạnh mỗi người chỉ có thể cảm thấy hạnh phúc và bình yên khi hiểu chính mình.

Như Phương

Ảnh: NVCC

Bạn có thể quan tâm