Nguyễn Linh Duy (26 tuổi, xã Thanh Bình, H.Chợ Gạo, Tiền Giang) đang là ông chủ của hai trang trại nuôi rắn mối ở Tiền Giang và Cần Thơ. Hai cơ sở với gần 13.000 con, giúp Duy thu nhập trung bình 40 triệu/tháng.
Nhà nghèo bỏ học đi phụ hồ
Nhà Duy nghèo. Ba mẹ làm ruộng mướn, cấy lúa, cắt cỏ thuê… quần quật ngoài đồng nhưng vẫn đủ cho hai anh em ăn học. Là con trai cả trong nhà, sớm ý thức được cảnh khốn khó của gia đình nên Duy đã bỏ học từ năm lớp 9. Hầu hết trẻ con trong xóm nghèo đều phải nghỉ học như Duy. “Tôi là còn may mắn hơn nhiều người vì được học hết lớp 9. Ba mẹ không muốn cho nghỉ, mình cũng tiếc nhưng cứ ăn học hoài thì không đủ điều kiện”, Duy nói.
Nguyễn Duy Duy bên trang trại rắn mối của mình. |
Nghỉ học, cậu cả trong nhà đi làm phụ hồ với thu nhập khi ấy khoảng 600.000/tháng. Cậu kể về quãng thời gian phụ hồ của mình: “Tôi cùng bạn bè trong xóm đi làm cho chủ. Làm ngày nào trả công ngày ấy. Chỉ mùa nắng thì mới có nhiều việc, còn mùa mưa thì ít việc lắm, cứ rày đây mai đó, có khi xuống tận Cà Mau làm”. Cứ thế, Duy phụ hồ đến năm 20 tuổi thì nghỉ để làm bảo vệ với mức lương ít nhưng ổn định hơn công việc trước đó.
Cuối năm 2008, Duy chủ động xin nhập ngũ để tự rèn luyện mình trưởng thành hơn. Sau khi hoàn thành 18 tháng nghĩa vụ quân sự, Duy được đề nghị ở lại phục vụ quân ngũ và được đào tạo tiếp. “Khi ấy, đơn vị cho tôi cơ hội sang Dubai (Các tiểu vương quốc Ả Rập) làm việc với mức lương cao. Tôi cũng muốn đi nhưng lại không nỡ xa gia đình, muốn chăm sóc ba mẹ nên từ bỏ”, anh kể lại.
Xuất ngũ, Duy lại đi phụ hồ. Sau một năm, anh phiêu dạt lên Sài Gòn làm công nhân với mức lương tròm trèm 3 triệu, vừa đủ xài tiết kiệm và gửi về cho nhà. Những tưởng sẽ còn phải gắn lâu dài với cảnh làm công ăn lương thì một cơ hội đến với Duy. Đó là trong một lần về nhà bạn ở Long An chơi, thấy mô hình nuôi rắn mối thú vị nên Duy tìm hiểu, học cách nuôi. Và anh bỏ nghề công nhân chỉ sau 3 tháng làm để nuôi ước mơ thoát nghèo từ con rắn mối.
Nuôi rắn mối chưa từng lỗ
Ban đầu, từ cha mẹ đến vợ đều quyết liệt phản đối vì không ai nghĩ loài này lại nuôi được. Ngày qua ngày Duy cố gắng phân tích cho cả nhà thấy hiệu quả của mô hình. “Rắn mối chỉ sinh trưởng và phát triển tốt ở vùng Nam bộ khí hậu không nóng quá, không lạnh quá. Ở quê tôi thì loài này sinh trưởng rất nhiều và nguồn thức ăn dễ kiếm. Nếu cứ làm thợ hồ thì biết bao giờ nhà mới khá lên”, đó là lời Duy chia sẻ với gia đình.
Trang trại mối giúp Duy thu nhập 500 triệu/năm. |
Thấy chí thú làm ăn của con trai nên mẹ Duy lấy luôn số tiền dành dụm phòng khi bệnh tật và đi vay thêm cho Duy. Anh cũng động viên vợ bán số nhẫn cưới. Cùng với tiền tiết kiệm của mình, gom góp tất cả, Duy có được 18,5 triệu. Đầu năm 2012, Duy cầm hết số tiền để làm chuồng và nuôi 1.000 con giống. Rắn mối cho thu hoạch sau 3–4 tháng. Ngay lứa đầu tiên, anh đã lời được 10 triệu đồng và thu được số tiền vốn ban đầu. Duy thở phào vì phi vụ liều này mang lại kết quả hơn mong đợi.
Những lứa sau đó, Duy đều có thu nhập cao từ 40–50 triệu/tháng. Thời điểm khó khăn nhất, anh cũng có 10 triệu/tháng. Để tìm thêm đầu ra cho sản phẩm, Duy vào quán internet ngồi hàng giờ học cách tiếp thị, quảng cáo sản phẩm. Sau đó, anh khăn gói lên Sài Gòn với hành trang là rắn mối mang đến các cửa hàng chào bán. Nhiều lần bị bảo vệ xua đuổi nhưng anh vẫn cố gặp được gặp chủ nhà hàng mới thôi. Duy cho biết: “Tôi chế biến cho họ xem và gửi lại một ít. Sau đó thực khách ăn xong gật gù với mấy món tôi làm nên được chủ nhà hàng gật đầu mua rắn lâu dài”. Sau hơn nửa năm đi đi về về giữa Tiền Giang – Sài Gòn, Duy đã có được nguồn đầu ra sản phẩm rộng rãi, ổn định.
Duy tiếp tục mày mò để tiếp thị online. Trang website thegioibosat.net của Duy có nhiều nhà hàng đã biết đến và đặt hàng mua lâu dài. Sau một thời gian, tiếng tăm chàng trai học hết lớp 9, làm phụ hồ thành ông chủ vang xa. Nhiều người tìm đến trang trại của Duy học tập mô hình. Ông chủ Duy cũng rất sẵn sàng giúp đỡ mọi người.
“Nhiều người chưa tìm được nơi xuất hàng thì tôi nhận bao tiêu luôn sản phẩm. Các món ăn từ rắn mối ngày càng phát triển, nhất là ở Sài Gòn nên trang trại của mình thường xuyên trong tình trạng khan hiếm hàng”, Duy cho biết.