2018 là một năm đột phá đối với Kpop. BTS trở thành nhóm nhạc Hàn đầu tiên vươn tới vị trí số 1 trên bảng xếp hạng Billboard 200. Monsta X có cú “chốt năm” hoành tráng khi biểu diễn tại sự kiện Jingle Ball của iHeartRadio cùng Shawn Mendes, Cardi B và Calvin Harris. Super Junior lọt vào bảng xếp hạng Mỹ Latinh với ca khúc Lo Siento.
Kèm theo những thành tích kể trên là sự ra đời của phiên bản tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha của các bài hát Kpop. Trong bối cảnh thị trường phương Đông đang dần bão hòa, sự ra đời của những phiên bản ngôn ngữ khác nhau biểu thị một làn sóng mới, đó là sự mở rộng của Kpop sang vùng đất Mỹ Latinh.
Từ nền móng châu Á, Kpop vươn xa trên thế giới
Các nghệ sĩ Kpop không còn xa lạ với việc tạo ra nhiều phiên bản ngôn ngữ khác nhau cho các bài hát. Học một ngôn ngữ khác, thường là tiếng Nhật, đã trở thành yêu cầu bắt buộc trong chương trình giảng dạy của thực tập sinh vì nó có thể đảm bảo sự thành công của họ trong tương lai.
BTS hiện là nhóm nhạc Hàn Quốc thành công nhất tại cả Nhật Bản lẫn Mỹ. |
Bởi Nhật Bản là thị trường âm nhạc lớn thứ hai trên thế giới. Nhiều nhóm nhạc nổi tiếng Kpop đã tìm kiếm thành công với thu nhập tài chính lớn khi hoạt động tại Nhật Bản, chẳng hạn TVXQ, Big Bang, 2PM, SNSD, KARA hay mới đây là BTS, Twice…
Kpop cũng “nhúng chân” vào Trung Quốc - thị trường lớn thứ 3 trên thế giới. Trung Quốc luôn là mảnh đất màu mỡ, có sức hấp dẫn với các công ty quản lý. Đến mức mà SM Entertainment từng thành lập 2 nhóm nhỏ Super Junior M và EXO M để phát triển tại thị trường này. Sắp tới, công ty tiếp tục cho ra mắt đội hình NCT quảng bá tại đất nước tỷ dân.
Kpop đã thành công lớn tại thị trường châu Á, nhưng như thế chưa bao giờ là đủ. Từ cuối những năm 2000, các nghệ sĩ Hàn Quốc đã có những hành động "đột nhập" thị trường Mỹ. Trong một cuộc phỏng vấn khi quảng bá album Eat You Up phiên bản Mỹ năm 2009, BoA đã đề cập đến giấc mơ chinh phục Mỹ hay các bảng xếp hạng Billboard của mọi nghệ sĩ Hàn Quốc.
Girl's Generation (SNSD), Wonder Girls, và Se7en có những giấc mơ tương tự. Họ nỗ lực biến điều ước thành hiện thực thông qua các ca khúc tiếng Anh hay hợp tác với David Letterman, Jonas Brothers, Lil 'Kim…
Sự kiện KCON ngày càng được khán giả ủng hộ nhiệt tình. |
Từ năm 2009 đến nay, Kpop đã phát triển đáng kể trong cộng đồng fan quốc tế, mang đến cho giới thần tượng trẻ sự hỗ trợ cần thiết để bước ra thị trường nước ngoài. Sự tăng trưởng có thể nhìn thấy qua sự kiện âm nhạc KCON.
KCON bắt nguồn từ năm 2012 tại Los Angeles với 20.000 người tham dự. Đến năm 2015, KCON được tổ chức ở 3 thành phố khác trên khắp thế giới và thu hút khoảng 107.000 người tham dự. KCON tiếp tục mở rộng đến Abu Dhabi (2016), Mexico (2017) và Sydney (2017)...
Năm 2018, một loạt bài hát tiếng Anh được phát hành. Red Velvet vừa phát hành phiên bản tiếng Anh cho ca khúc mới nhất Really Bad Boy. NCT 127 cũng có phiên bản tiếng Anh cho bài hát Regular. BTS - những gương mặt Hàn Quốc thành công nhất ở Mỹ - từng hợp tác với nhà sản xuất nổi tiếng Steve Aoki qua ca khúc Mic Drop.
Khai phá những vùng đất mới
Ngay cả khi thần tượng Kpop tung ra bài hát tiếng Anh, thì Mỹ vẫn là một trong những thị trường khó tính nhất trên thế giới. Tuy nhiên, Mỹ không phải là thị trường phương Tây duy nhất mà Kpop đang hướng đến.
GOT7 và Super Junior là những nhóm nhạc đang dần bước khỏi ranh giới và đưa âm nhạc tới thị trường mới: Mỹ Latinh. GOT7 chủ động kết nối với người hâm mộ ở khu vực này bằng cách trở thành nhóm nhạc Hàn Quốc đầu tiên phát hành một bài hát Kpop bằng tiếng Tây Ban Nha.
Theo dữ liệu Cơ quan sáng tạo nội dung Hàn Quốc thu thập năm 2014, người hâm mộ Kpop ở khu vực Mỹ Latinh lớn thứ hai, sau người Mỹ gốc Á. Phần lớn lượt xem MV Kpop đến từ khán giả Mỹ Latinh.
GOT7 phát hành ca khúc bằng tiếng Tây Ban Nha để tiếp cận khán giả Mỹ Latinh. |
Sự hấp dẫn của thị trường Mỹ Latinh với thần tượng Kpop không phải vì thứ hạng trên thị trường tiêu dùng mà thông qua nhu cầu của fandom và sự bùng nổ của âm nhạc Mỹ Latinh tại Mỹ.
Như đã thấy trên bảng xếp hạng Billboard Hot 100 năm 2017, Despacito dẫn đầu trong 16 tuần liên tiếp. Trong nửa đầu năm 2018, âm nhạc Latin tăng trưởng 15% tổng doanh thu và được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.
K.A.R.D là một nhóm chịu ảnh hưởng nặng nề của phong cách Latinh. Nhiều bài hát Kpop khác cũng bị ảnh hưởng bởi thể loại nhạc này, ví dụ của Latata của (G)-IDLE hay Egotistic của Mamamoo. Cả hai bài hát đã giành được nhiều giải thưởng âm nhạc trong năm nay.
Ngay cả Music Bank cũng nhận ra tiềm năng của châu Mỹ Latinh khi tổ chức tour diễn tại Nam Mỹ, trong khi trước đó họ chưa một lần đặt chân đến Mỹ.
Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo? Kpop còn nhiều vùng đất chưa khai thác, như châu Âu hay Trung Đông. Và thực tế cho thấy, họ không bỏ qua bất cứ khu vực nào, dù khó khăn. KCON đã có chuyến thăm thành công tới Abu Dhabi vào năm 2016 và SM Entertainment tổ chức đêm nhạc tại Dubai trong năm nay.
Có một tương lai đầy rộng mở phía trước cho Kpop. Ngành công nghiệp âm nhạc này đang dần phát triển ở những thị trường mới và giới nghệ sĩ bắt đầu kết nối với người hâm mộ của họ thông qua các ngôn ngữ khác nhau.