Theo chương trình giáo dục phổ thông mới vừa được công bố, ở cấp THPT, các môn học bắt buộc bao gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh.
Các môn học được lựa chọn theo nhóm Khoa học Xã hội (gồm Giáo dục kinh tế và pháp luật, Lịch sử, Địa lý), nhóm Khoa học Tự nhiên (gồm Vật lý, Hóa học, Sinh học), nhóm Công nghệ và Nghệ thuật (gồm Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật), Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 2.
Như vậy, nếu ở chương trình cũ học sinh chỉ có môn bắt buộc thì ở chương trình mới có cả tự chọn và bắt buộc. Điều này đặt ra vấn đề liệu học sinh có đổ xô chọn một số môn và “từ chối” một số môn không? Vậy, vấn đề cần giải quyết là giáo viên quả tải và giáo viên thất nghiệp.
Giáo viên - người quá tải, người thất nghiệp?
Cô Nguyễn Thị Huyền Thảo - giáo viên Lịch sử THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, TP.HCM - cho hay chương trình giáo dục phổ thông mới có sự thay đổi lớn nhất ở bậc THPT, hai bậc còn lại không thay đổi nhiều ngoài giáo viên và phương pháp giảng dạy.
Sự thay đổi ở bậc THPT và ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của giáo viên khi học sinh theo phương thức tự chọn môn mình yêu thích và định hướng nghề nghiệp. Đây là điều nền giáo dục tiên tiến hướng đến để đáp ứng nhu cầu học của học sinh, giảm kiến thức hàn lâm, hướng đến tính thực tiễn và thế mạnh của bản thân.
Cô Nguyễn Thị Huyền Thảo - giáo viên Lịch sử, THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, TP.HCM. Ảnh: NVCC. |
Tuy nhiên, giáo viên sẽ chịu tác động rất lớn vì có môn được chọn và không được chọn. Việc tổ chức, quản lý trong trường học sẽ có sự thay đổi và thách thức khá lớn, không còn chủ động trong việc phân công, quản lý, tổ chức mà nó phụ thuộc vào sự lựa chọn của hoc sinh.
Nói về môn Lịch sử, cô Thảo cho hay chương trình mới có nhiều thú vị, phù hợp cho học sinh muốn khám phá. Lịch sử cũng thể hiện sự đa dạng trên các lĩnh vực: kinh tế, văn hóa, pháp luật, quan hệ quốc tế hay những vấn đề rất đặc trưng như các cuộc chiến tranh, các triều đại và sự phát triển của dân tộc.
“Tôi không bi quan khi cho rằng học sinh không chọn Lịch sử. Điều tôi băn khoăn lớn nhất là liệu giáo viên có thể dạy sử hay như chương trình dự thảo đặt ra cho môn này không? Vì mục tiêu và mong muốn còn phụ thuộc vào thực tiễn”, cô Thảo chia sẻ.
Đồng quan điểm, TS Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chuyên nghiệp (Bộ GD&ĐT) - cho hay việc giáo viên có thể thất nghiệp do không ai lựa chọn dễ xảy ra. Vì thế, công tác truyền thông cần được làm tốt, đồng thời bản thân giáo viên phải nỗ lực để thể hiện chuyên môn. Bên cạnh đó, ngay cả khi giáo viên có chuyên môn tốt nhưng nghiêm túc thì cũng có thể ít được lựa chọn.
Thầy Đào Tuấn Đạt - phụ trách chuyên môn THPT Anhxtanh, Hà Nội - cho hay ở cấp THPT, việc lựa chọn môn phụ thuộc vào kế hoạch nghề nghiệp tương lai và phương án tuyển sinh của các trường đại học, cao đẳng. Khi trường có phương án rồi thì phải điều tra diện rộng xem học sinh lựa chọn môn học như thế nào để có dự báo môn nào được chọn nhiều, chọn ít để chuẩn bị nhân lực. Để đến khi thực hiện chương trình mới bắt tay vào việc thì có thể xảy ra khả năng “vỡ trận”, tức là khủng hoảng thiếu hoặc khủng hoảng thừa giáo viên ở một số môn học.
Trả lời câu hỏi của Zing.vn tại buổi họp báo công bố chương trình bộ môn chiều 27/12, GS Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới - cho hay có mâu thuẫn trong việc học sinh tự chọn môn học thế nào và điều kiện thực tế.
“Mong muốn của chúng ta là học sinh phân hóa triệt để nhưng thực tế không phải trường phổ thông nào cũng đáp ứng được như vậy. Do đó, chương trình quy định là trường xây dựng tổ hợp môn học vừa đáp ứng nguyện vọng của học sinh, vừa phù hợp với khả năng tổ chức của nhà trường", ông Thuyết nói.
Đã yên tâm về giảm tải?
GS Nguyễn Minh Thuyết cho biết theo mô hình đang áp dụng, học sinh phải học và ghi nhớ nhiều, trong khi khả năng vận dụng thực tế hạn chế. Còn chương trình giáo dục phổ thông mới áp dụng 6 biện pháp “giảm tải”.
Đó là giảm số môn học và hoạt động giáo dục; giảm số tiết học; giảm kiến thức kinh viện; tăng cường dạy học phân hóa - tự chọn; thực hiện phương pháp dạy học mới; đổi mới đánh giá kết quả giáo dục.
TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD&ĐT. Ảnh: NVCC. |
TS Hoàng Ngọc Vinh cho hay, về lý thuyết, các biện pháp giảm tải như cắt bỏ một số nội dung trùng lắp, dạy theo hướng hình thành năng lực, tăng cường giáo dục trải nghiệm... tạm yên tâm.
Nhưng sự quá tải cho học trò để đạt được kết quả đầu ra mong muốn lại phụ thuộc quá nhiều yếu tố khác liên quan đến khả năng học tập của học sinh, năng lực của giáo viên, kỹ năng dạy học, thực hiện chương trình... Đặc biệt, sĩ số học sinh trên lớp học sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tải trọng học tập và dạy học của giáo viên theo phương pháp mới.
Vì thế, khi thiết kế chương trình, người thực hiện phải mang đi thử nghiệm trên các tập hợp học sinh khác nhau và buộc phải đánh giá kết quả qua các bài kiểm tra hoặc các hình thức khác để phân tích xem chương trình được thiết kế và tổ chức thực hiện đạt được kết quả kỳ vọng ở học sinh tham gia thử nghiệm thế nào.
"Những gì báo chí nêu lên dường như bị các nhà thiết kế bỏ qua. Họ mới chỉ hỏi giáo viên theo kiểu định tính. Khi giáo viên trả lời tốt chúng ta mới tạm yên tâm một nửa. Sự phù hợp hay không phù hợp phải thử nghiệm hướng tới học sinh mà có kết luận cả định tính và định lượng. Ví dụ, nếu sau bài giảng thử có đến trên 40% học sinh làm kiểm tra nhận dưới kết quả trung bình thì phải tìm nguyên nhân", TS Hoàng Ngọc Vinh đặt vấn đề.