Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu tại lễ khai giảng năm học 2024-2025 của Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: NB. |
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm chia sẻ điều này trong Lễ khai giảng của Học viện Nông nghiệp Việt Nam, sáng 12/10.
Theo ông, Học viện Nông nghiệp Việt Nam là một trong những đại học trọng điểm. Trong 65 năm qua, học viện đã đào tạo cho đất nước 120.000 cán bộ, trên 10.000 thạc sĩ, hơn 700 tiến sĩ. Lực lượng cán bộ của học viện cũng là nguồn nhân lực quan trọng của đất nước.
"Tôi rất vui mừng được biết học viện luôn là đơn vị đi đầu và tiên phong trên nhiều lĩnh vực", Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đánh giá về tổ chức, thể chế, học viện là một trong 6 trường đại học đầu tiên được Chính phủ tin tưởng giao thí điểm tự chủ theo của Nghị quyết của Chính phủ về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đổi với các cơ sở giáo dục đại học công lập.
Trước đó, ông đã tham quan các sản phẩm của Học viện Nông nghiệp Việt Nam và rất phấn khởi vì "trường đã có thể tự chủ, tự nuôi được bản thân". Những công trình nghiên cứu có hiệu quả sản xuất cao đã được đưa xuống các địa phương, được chuyển giao cho các doanh nghiệp…
Theo ông, các trường đại học nói chung, trong đó có Học viện Nông nghiệp Việt Nam, phải tiếp tục thực hiện công cuộc tự chủ đại học thực chất hơn, theo các tiêu chí và thông lệ của trường ở các nước phát triển; đảm bảo hội nhập toàn diện hơn về giáo dục đại học, đồng thời vẫn giữ được bản sắc.
Ông đề nghị Bộ GD&ĐT và các bộ ngành liên quan tiếp tục nghiên cứu và ban hành chính sách để các trường đại học thực hiện đầy đủ và đồng bộ quyền tự chủ đại học. Ông khẳng định tự chủ đại học không phải là Nhà nước không đầu tư, mà là đầu tư theo kết quả đầu ra mà trường cam kết.
“Nhà nước ưu tiên đặt hàng, giao nhiệm vụ với các ngành nghề khó xã hội hóa, ít hấp dẫn đối với người học, nhưng đất nước đang thực sự rất cần và là thế mạnh của chúng ta như nông - lâm - ngư - nghiệp", Tổng Bí thư, Chủ tịch nước lưu ý.
Để học viện trở thành cơ sở giáo dục đại học có uy tín cao trong khu vực và thế giới, nhà trường cần xây dựng đề án phát triển tổng thể với lộ trình phù hợp để trở thành đại học nghiên cứu đa ngành, đa lĩnh vực, đa phân hiệu theo mô hình của các trường đại học nghiên cứu tiên tiến trên thế giới.
Các bộ, ngành có trách nhiệm hướng dẫn và hỗ trợ học viện trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện thật tốt đề án này.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đánh giá trong công tác đào tạo, học viên đã kết hợp giữa đào tạo và nghiên cứu khoa học, giữa nhà trường và thực tiễn sản xuất. Các sinh viên đã mở ra các tầm nhìn, ý tưởng mới mang tính tư duy khoa học, công nghệ.
"Tôi rất vui mừng khi biết trên 97% sinh viên của học viện có việc làm sau một năm tốt nghiệp. Điều này cho thấy chất lượng đào tạo của học viện đã đáp ứng được đòi hỏi của thị trường lao động", Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đánh giá.
Những sinh viên tốt nghiệp đại học ngày nay bên cạnh kiến thức và kỹ năng chuyên môn tốt, còn phải có khả năng thích ứng nhanh, kịp thời với những vấn đề mới (như trí tuệ nhận tạo, tự động hóa và chuyển đổi số...) cùng với các kỹ năng mềm khác, đảm bảo thích ứng với yêu cầu công việc.
Vì thế, các trường phải tích cực nâng cao chất lượng đào tạo, chương trình đào tạo phải đảm bảo tính tương thích, hội nhập, quốc tế hóa theo các chuẩn mực tiên tiến càng sớm càng tốt.
Năm học 2024-2025, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đón hơn 6.000 tân sinh viên, nâng tổng số sinh viên của trường lên hơn 25.000 sinh viên.
Bạn đang cảm thấy mình đã quá tuổi để học?
Được học - câu chuyện về cô gái 17 mới được đến trường lần đầu và đã trở thành tiến sĩ ngành Sử học về sau - hơn cả một câu chuyện truyền cảm hứng về học tập. Đó là hành trình đi tìm bản ngã của Tara Westover, khi cô đánh mất gia đình mình với những lời cáo buộc nghiệt ngã. Đó là sự trưởng thành về nhận thức trước một thế giới rộng lớn hơn gấp nhiều lần những gì cô được nhồi nhét trước kia. Đó là một hành trình giáo dục mà không phải ai cũng sẽ dễ dàng hoàn thành được. Độc giả có thể tìm hiểu thêm về Được học tại đây.