Hồ Ngọc Nhi sinh năm 1994, ở TP HCM, năm 2002 sang Mỹ cùng gia đình. Cuộc sống nơi xứ lạ khá vất vả khi bố mẹ Nhi vốn là thợ may, khả năng tiếng Anh có hạn.
Nghị lực của cô gái nhỏ nơi xứ lạ
"Năm đầu tiên ở Mỹ là năm khó khăn nhất của em. Em chứng kiến mẹ em đứng bán tôm lạnh 10 tiếng ban ngày và thêm 4 tiếng ban đêm để may quần jeans - trong khi bố em từ bỏ tính gia trưởng và khiêm nhường làm công việc chăm sóc móng tay móng chân.
Chứng kiến sức khỏe của bố mẹ suy giảm hằng ngày, một cô gái 8 tuổi như em đã cố gắng trở thành người con gái mà bố mẹ tự hào" - Nhi tâm sự.
Hồ Ngọc Nhi (thứ hai từ trái sang phải) chụp chung với các bạn. |
Thay vì nhờ sự trợ giúp từ bố mẹ sau khi họ về nhà lúc 9h đêm, Nhi dành thời gian buổi chiều trong thư viện với việc đọc sách và viết. Sau khi thư viện đóng cửa, Nhi một tay cầm cuốn sách vừa mượn được, một tay cầm bút, sẵn sàng đọc thêm để cải thiện tiếng Anh.
"Khi cho bố mẹ xem bảng báo cáo với điểm số cao, họ luôn cười nhẹ....đủ để nhận thấy họ như được giảm bớt một phần mệt nhọc" - Nhi nhớ lại.
Trong suốt năm đầu, Nhi nói mình luôn gặp trắc trở ở trường. Bạn bè cười nhạo khi Nhi đánh vật với những từ mà em không thể làm chủ và em không biết chơi các trò chơi địa phương.
"Cách tệ nhất và phổ biến nhất mà người ta chế nhạo em là làm méo mó tên và xác minh của em. Nhi Ho nhanh chóng trở thành Ni Hao, Nhi Ho Ho Ho, và “đầu gối”. Em rất buồn vì thái độ của các bạn cùng lớp với tên mình đến mức mà em gần như đã phải chấp nhận một cái tên tiếng Anh.
Tuy nhiên, em đã ngăn mình lại trước khi mọi thứ được hợp thức hóa. Bỏ tên tiếng Việt, cái tên mà đã xác định cả cuộc đời em là lời chào tạm biệt cuối cùng với văn hóa VN. Tên của em là bằng chứng về bản sắc Việt trong em, và em sẽ không bao giờ từ bỏ nó.
Vì vậy, bất cứ khi nào người ta trêu trọc em về tên của em, em đều phớt lờ họ và đi tiếp. Em là chính mình" - Nhi tâm sự.
Trân trọng chính mình, Nhi học bắt đầu dự án của mình sớm để đảm bảo em có nhiều thời gian để cố gắng hết sức. Khi em trở nên tự tin về tính cách của mình cũng là lúc em chia sẻ quan điểm một cách thoải mái.
Bản chất độc lập và sẵn sàng học hỏi là giá trị lớn nhất của Nhi. Điều đó như Nhi nói sẽ giúp em rất nhiều khi vào ĐH.
Đường tới Harvard, Yale, MIT, Brown, UCLA, UC Berkele
Nhi từng được học vượt cấp, bỏ qua môn Toán ở lớp 6.
Lên lớp 11 Nhi đỗ USA Biology Olympiad, là 1 trong 20 thí sinh cuối cùng trong 10.000 thí sinh dự thi năm 2011 được chọn để tham gia chương trình đào tạo tại khu dân cư của trường ĐH Purdue.
Hồ Ngọc Nhi từng có quãng thời gian khó khăn trên đất Mỹ. |
Thời phổ thông tại trường Santa Monica, Nhi là tình nguyện viên trong các buổi trình chiếu phim ảnh và dựng quỹ để nâng cấp Trường học tim mạch cấp 2, kêu gọi quyên góp được khoảng 1.000 USD mỗi năm; chủ tịch của 1 câu lạc bộ giúp đỡ các trẻ em châu Phi.
Tốt nghiệp thủ khoa trường THPT Santa, Monica, Nhi nhận được học bổng của 6 trường danh tiếng trên đất Mỹ gồm: Harvard, Yale, MIT, Brown, UCLA, UC Berkeley.
Cuối cùng Nhi chọn theo học ngành Công nghệ sinh học tái sinh và phát triển con người, ĐH Harvard để tiếp tục theo đuổi đam mê sinh học.
Hy vọng hạ giá thành thuốc, giúp đỡ người nghèo trên thế giới
Yêu thích sinh lý học và robot từ năm lớp 10 khi nhận được học bổng về khoa học và toán học - Nhi đã sớm chế tạo cho mình robot đầu tiên có khả năng vượt mọi chướng ngại vật.
Lên lớp 12, từ ý tưởng muốn có người thay dì ở quê nhà Việt Nam giúp nhắc nhở ông nội đã 90 tuổi uống thuốc, Nhi đã chế tạo ra robot nhắc uống thuốc đúng giờ.
Ý tưởng về một chú robot nhắc uống thuốc đúng giờ của Nhi từng lọt top 10 trong cuộc thi Hackathone tại Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT).
Hiện tại Nhi đã chế tạo 3 robot: robot vượt mọi “mê cung”, robot nhắc uống thuốc, robot bay.
Không học kỹ sư nhưng tại ĐH Harvard Nhi còn là người sáng lập CLB robot ở trường vào học kỳ mùa xuân 2013 và là đồng chủ tịch trong 2 năm sau. Cô bạn cũng thường xuyên tổ chức các hội thảo về kỹ thuật cơ khí, kỹ thuật điện và mã hóa.
Ở chuyên ngành của mình, Nhi đã hoàn thành 2 nghiên cứu khoa học đăng trên tạp chí hóa học quốc tế.
Hiện tại, Nhi đang nghiên cứu về việc tái sinh các tế bào tim nhằm hỗ trợ điều trị các bệnh tai biến về tim. Dự án sẽ hoàn tất và công bố trên tạp chí khoa học quốc tế trong vài tháng tới.
“Một trong những lý do chính khiến người mắc bệnh tim tử vong là vì tế bào tim của người không thể… mọc mới. Khi một tế bào tim chết sẽ không có tế bào mới thay thế và chúng ta chỉ có thể chữa trị bằng liệu pháp cấy ghép để bảo vệ các tế bào cơ tim còn lại. Nhưng điều này là không đủ để hạn chế tổn thương do các tế báo chết gây ra.
Em đang nghiên cứu gen giúp chuột trưởng thành có thể mọc tế bào tim mới sau các cơn đau tim. Tôi hy vọng, nghiên cứu thành công và áp dụng thành quả này với con người trong tương lai không xa”- Ngọc Nhi cho biết.
Hồ Ngọc Nhi đam mê sinh học, hi vọng có thể góp sức vào việc giảm giá thành thuốc để giúp đỡ nhiều người nghèo trên thế giới. |
Tháng 6 tới đây Nhi sẽ về VN với vai trò ban tổ chức và khách mời của trại hè HViet. Đây là chương trình phi lợi nhuận đầu tiên theo mô hình lớp học của Harvard và chuẩn ĐH Mỹ, mang nền giáo dục khai phóng (Liberal Arts Education) đến với học sinh THPT tại Việt Nam.
Chương trình diễn ra từ ngày 13-20/6 tại ĐH RMIT, TP HCM. Mỗi trại sinh sẽ đóng 8 triệu đồng, bao gồm: sách vở, tài liệu, xe đưa đón, các bữa ăn và chi phí khách sạn... Ban tổ chức cho hay sẽ hỗ trợ tài chính cho trường hợp khó khăn, hiếu học.
Năm tới, sau khi tốt nghiệp ĐH Harvard, cô gái Việt sẽ học Y khoa tại ĐH California San Francisco (top 5 trường đại học tốt nhất về Y tế tại Mỹ).
Trong tương lai, tôi sẽ trở thành một bác sĩ, một nhà nghiên cứu trong lĩnh vực y sinh. Nhi hy vọng có thể tập hợp nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này để hạ giá thuốc và giúp người nghèo khắp thế giới, trong đó có Việt Nam.
Nhi hy vọng sẽ đem đến cho học sinh THPT cơ hội để có suy nghĩ toàn cầu hơn và tìm ra cơ hội xung quanh họ trong một viễn cảnh khác bằng cách tương tác với sinh viên Harvard. Nhi cũng muốn chia sẻ cho mọi người rằng em đã bước ra khỏi vỏ bọc thoải mái để cố gắng và đạt được cơ hội thứ mà đặc biệt không có sẵn với em như thế nào.