Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Từ cô gái gục khóc khi xin việc đến vị trí phó giám đốc

Năm 2006, trong lần phỏng vấn tuyển dụng vào Viettel, Thùy Linh đã khóc nức nở khi được hỏi về gia cảnh. 10 năm sau, Linh giữ vị trí phó giám đốc Viettel Thường Tín.

Với rất nhiều bạn trẻ, tốt nghiệp đại học là điều bình thường, còn với Huỳnh Thị Thùy Linh (sinh năm 1984), tốt nghiệp cao đẳng ngoại ngữ tại một trường ở tỉnh Trà Vinh đã là cố gắng to lớn của cô và bố mẹ. Việc gia đình nghèo lo tiền cho Linh đi học không phải chuyện nhỏ, bố mẹ cô đã vất vả để con gái có thể học hành.

Sau khi tốt nghiệp, Linh đạp xe đi xin việc ở khắp nơi với tâm trạng lo lắng và chạnh lòng bởi suy nghĩ: “Sinh viên đại học trường tiếng tăm còn thất nghiệp, mình có cửa nào hay không? Chẳng lẽ, với một người không quen biết ai, gia đình nghèo như mình thì cuộc sống sẽ mãi không ngẩng mặt lên được?”.

Viettel anh 1
Tại Viettel, những người có xuất thân bình thường nhưng nỗ lực lớn và đạt được thành công như Huỳnh Thị Thuỳ Linh không hiếm gặp.

Viettel Trà Vinh là một trong số những công ty Linh nộp hồ sơ sau khi đọc được thông báo tuyển dụng. Buổi phỏng vấn và mọi thứ đều ổn cho đến khi có người hỏi cô: "Hoàn cảnh gia đình em như thế nào? Bố mẹ làm gì?". Niềm hy vọng của Linh bỗng chốc tan biến. Cô gái gục mặt khóc nức nở như một đứa trẻ và xin dừng cuộc hỏi đáp, cơ hội được tuyển dụng có vẻ như đã chấm dứt tại đây.

Thế nhưng, 10 ngày sau, Linh được gọi đi làm việc. Cả bố mẹ và bạn bè Linh đều rất bất ngờ. Tết năm ấy rất đặc biệt đối với Linh.
“Lần đầu tiên gia đình tôi được hưởng cái Tết bình thường như bao nhà khác. Cầm hơn 5 triệu đồng tiền thưởng trên tay, tôi đưa cho mẹ và nói: ‘Mẹ ơi, con có lương, có thưởng rồi. Nhà mình không cần đi vay mượn tiền để ăn Tết nữa’. Mẹ và tôi đều xúc động rưng rưng nước mắt”, cô gái trẻ bộc bạch.

Đi thị trường để trưởng thành hơn

Sau 2 năm làm việc tại Việt Nam, Thùy Linh xung phong đi Campuchia làm việc khi tập đoàn bắt đầu mở rộng kinh doanh ra nước ngoài (Campuchia là thị trường quốc tế đầu tiên). Khởi đầu là một nhân viên kinh doanh, trải qua quá trình học hỏi và tích lũy kinh nghiệm, Linh được thăng chức Trưởng phòng Trung tâm Chăm sóc khách hàng của Metfone (tên thương hiệu của Viettel tại Campuchia).

Trước khi đi, Linh đã được học tiếng Campuchia một tháng, nhưng sang đất nước này, cô gái vẫn tiếp tục học thêm tiếng bản địa. Ngày đi làm, vật lộn với các chỉ tiêu thị trường, suy nghĩ những điều mà Linh chưa từng được biết tới khi bán hàng trực tiếp ở trong nước, cô gái Trà Vinh đã tự tạo cho mình những cơ hội tốt ở Metfone.

Viettel anh 2
Huỳnh Thị Thuỳ Linh trong sự kiện của Metfone tổ chức tại Campuchia.

“Có lẽ nếu không đi Campuchia, tôi không thể tiến bộ nhanh như vậy” là chia sẻ của Linh khi nói về 8 năm sống và trải nghiệm môi trường làm việc ở Metfone. Tại đây, các nhân viên người Việt làm việc cùng nhau đến tối, lãnh đạo sẽ giúp nhân viên xử lý các vấn đề khó, vướng mắc để hoàn thành công việc chứ không về sớm.

“Cuối tuần, chúng tôi tụ tập nấu nướng, hoặc giao lưu với các đồng nghiệp Campuchia, cảm giác rất gần gũi, như một gia đình”, Linh tâm sự.
Không giống như làm việc trong nước, khi hoạt động ở nước ngoài, tính tự chủ và linh hoạt của các lãnh đạo, nhân viên Viettel tại Metfone rất cao. Thay vì chờ nghe chỉ thị, ai có ý tưởng hoặc cách làm hay có để đề xuất với lãnh đạo công ty và được tiếp nhận ứng dụng vào thực tế một cách nhanh chóng, vì thế cũng trưởng thành rất nhanh.

“Nếu ở Việt Nam chỉ làm theo chỉ thị thì ở đây, tôi được quyền nghĩ ra những chính sách và hỗ trợ các chi nhánh thực hiện, rồi điều chỉnh. Đó là những cơ hội trải nghiệm vô giá mà tôi có được khi làm ở Metfone”, Linh cho biết.
Tại Campuchia, Linh cũng gặp được tình yêu của đời mình - một mối tình cách nhau 700 km. Cô gái Trà Vinh quen và yêu một đồng nghiệp người Bắc, lập gia đình khi cả 2 đang làm việc ở Metfone.

Đón nhận những cơ hội mới

Trở về Việt Nam và theo chồng ra Bắc, sau kỳ nghỉ thai sản thứ 2, Linh chủ động xin về làm việc tại Viettel huyện Thường Tín để được công tác gần nhà cũng như tiện chăm sóc con nhỏ.

Cô tâm sự: “Tôi luôn nghĩ, chỉ cần cố gắng chắc chắn sẽ làm được. Tôi vào Viettel là con số 0, sang Campuchia với rất nhiều khó khăn, nhưng cuối cùng vẫn phát triển được thì ở đây cũng sẽ làm được”.

Năm 2016, gần 10 năm kể từ khi Linh bắt đầu làm ở Viettel, công ty tổ chức thi tuyển nhiều vị trí lãnh đạo, trong đó có vị trí Phó giám đốc kinh doanh tại Viettel quận/huyện. Và cô gái Trà Vinh năm xưa cũng đăng ký dự thi kèm niềm tin rằng với sự chăm chỉ, cố gắng làm việc tích cực, không ngừng học hỏi cộng với kinh nghiệm trong nước trước đó, từ thị trường nước ngoài thì bản thân sẽ có thêm cơ hội.

Giống như lần thi tuyển vào Viettel trước đây, quyết định bổ nhiệm Phó giám đốc Viettel Thường Tín đến với Linh cũng bất ngờ. Sau 8 năm làm việc tại nước ngoài và 2 năm trong nước, cô gái năm xưa vẫn thấy Viettel luôn có đầy những cơ hội thăng tiến cho bất kỳ ai có khát khao học hỏi, chăm chỉ làm việc và sẵn sàng thay đổi.

Tổng Công ty Viễn thông Viettel (Viettel Telecom), đơn vị thuộc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội, đang tuyển dụng 100 nhân sự trong lĩnh vực Kinh doanh (quản lý bán hàng, giám đốc bán hàng, giám đốc điều hành, nguồn giám đốc Viettel quận/huyện, chuyên viên kinh doanh), 100 nhân sự lĩnh vực công nghệ thông tin (trưởng nhóm CNTT, kỹ sư CNTT), 3 chuyên viên pháp chế. Độc giả tham khảo thông tin chi tiết tại đây.

Giang Di Linh

Bạn có thể quan tâm