Thùy Chinh trong ngày tốt nghiệp Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: NVCC. |
Nguyễn Thị Thùy Chinh, sinh viên khoa Kế toán - Kiểm toán, dẫn đầu đợt tốt nghiệp năm nay của Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội (UEB-VNU), với điểm GPA 3.8/4.
"Danh hiệu thủ khoa đầu ra khiến mình rất bất ngờ vì trường còn rất nhiều bạn giỏi. Ban đầu, với GPA đạt được, mình chỉ nghĩ sẽ là thủ khoa của khoa Kế toán - Kiểm toán thôi”, Nguyễn Thị Thùy Chinh chia sẻ.
Cú rẽ trượt nguyện vọng 1
Gần 4 năm trước, Thùy Chinh thi đại học, đạt 27 điểm, trượt liên tiếp hai nguyện vọng yêu thích nhất vào Đại học Kinh tế Quốc dân. Nữ sinh nói đây là một cú sốc bởi em từng nằm trong đội tuyển Toán của trường, đặt nhiều kỳ vọng vào ngôi trường mơ ước.
“Mình đã khóc, đã thất vọng về bản thân, cũng từng tự trách do chuyển khối thi từ A00 sang D00 quá gấp - chỉ 2 tháng trước khi thi đại học - nên mới trượt nguyện vọng 1”, Chinh chia sẻ.
Đỗ nguyện vọng 3 vào Đại học Kinh tế, Chinh vui nhưng do dự, định không theo học bởi lo ngại học phí cao. Bố làm công việc tự do, mẹ làm công nhân may, Chinh đỗ vào chương trình chất lượng cao của trường, nếu quyết tâm theo học, gánh nặng học phí sẽ trở thành áp lực lớn với bố mẹ. Nữ sinh dự tính sẽ du học Nhật Bản theo dạng vừa học, vừa làm để đỡ đần gia đình.
“Cũng do bản thân mình lo lắng thái quá, chứ không phải gia đình quá khó khăn. Chính bố mẹ đã động viên mình theo học UEB. Đến bây giờ, mình nghĩ đó là định hướng và quyết định đúng đắn nhất của bố mẹ và mình", nữ sinh chia sẻ.
Lên đại học, trong những buổi học đầu tiên, Chinh may mắn nhận được sự chia sẻ của thầy giáo, rằng “nếu muốn về nhà không phải học thì cố gắng học hết trên lớp". Nữ sinh lấy đó làm kim chỉ nam để xây dựng phương pháp học cho mình ngay từ những ngày đầu.
Chinh luôn xem trước nội dung bài, tìm đọc tài liệu về kinh tế, xã hội liên quan. Trên lớp, cô lắng nghe thầy cô giảng, cùng bàn luận, đào sâu và hỏi ngay nếu có thắc mắc để nắm vững kiến thức. Cách học này giúp nữ sinh tiết kiệm thời gian lúc ôn tập, thi cử.
Không chỉ tập trung học, là lớp phó, Chi Hội trưởng Hội sinh viên của khoa, Chinh có cơ hội tham gia các chuyến đi tình nguyện, các cuộc thi, hội thảo, tọa đàm… Các hoạt động này phần nào giúp Chinh mở rộng network với các sinh viên giỏi, có thể trao đổi, hỗ trợ nhau trong học tập.
Thùy Chinh nhiều lần giành học bổng, nhận khen thưởng các cấp. Ảnh: NVCC. |
Giành học bổng hàng trăm triệu đồng
Những tháng đầu đại học, Chinh đã đặt mục tiêu học tập, rèn luyện để đủ điều kiện nhận được học bổng. Trong 8 kỳ học, nữ sinh có tới 7 kỳ nhận học bổng khuyến khích, mỗi kỳ gần 22 triệu đồng; một học bổng từ quỹ hỗ trợ sinh viên với 5 triệu đồng.
Học bổng lớn nhất Chinh nhận được trị giá 100 triệu đồng do quỹ IMG “Thắp sáng tài năng Việt” của Công ty CP Đầu tư IMG trao tặng vào năm 2 đại học
Để nhận học bổng này, sinh viên phải có GPA từ 3.6/4., không có môn nào bị điểm F, điểm rèn luyện học kỳ gần nhất đạt loại tốt, tham gia có hiệu quả các hoạt động của nhà trường, Đoàn thanh niên, nghiên cứu khoa học…
Chinh cho biết học bổng IMG rất cạnh tranh, quy tụ các sinh viên xuất sắc của trường nên trong lần đầu tiên nhận thông báo xét duyệt, cảm thấy hồ sơ của mình chưa đủ mạnh, không tự tin nên Chinh không ứng tuyển.
Thế nhưng, cơ hội đã đến với Chinh khi quỹ học bổng chưa tìm được gương mặt phù hợp nên mở đơn xét lần 2, nhưng với các tiêu chí cao hơn. Lúc này, nữ sinh đã hoàn thành 3 học kỳ tại trường với GPA 3.94/4. Hoạt động ngoại khóa cũng rất phong phú khi tham gia nhiều câu lạc bộ, cuộc thi, hoạt động của trường và địa phương… Chinh mạnh dạn nộp hồ sơ và lọt vào vòng phỏng vấn.
“May mắn, mình đã giành giải cao nhất của học bổng IMG, được trao tặng 100 triệu đồng. Lúc nhận tin đạt giải, chân tay mình run, tin đập nhanh vì không thể tin mình đã làm được", Chinh nhớ lại.
Bốn năm đại học, thủ khoa đầu ra của UEB nhận tổng cộng hơn 250 triệu đồng tiền học bổng. Số tiền này, Chinh dành hết để lo học phí và sinh hoạt phí, bố mẹ cũng đỡ gánh nặng kinh tế hơn.
Chinh cho rằng thủ khoa chỉ là một danh hiệu đánh dấu những thành công bước đầu. Ảnh: NVCC. |
Thủ khoa chỉ là một danh hiệu
Cuối năm 3, Thùy Chinh bắt đầu đi thực tập tại nhiều vị trí (nhân viên kinh doanh, kế toán, quản trị dự án…) để tích lũy kinh nghiệm, kỹ năng cũng như tìm hiểu mình thực sự phù hợp ở vị trí nào.
Ngay sau khi hoàn thành việc học, Chinh ứng tuyển vị trí chuyên viên phân tích nghiệp vụ tại một công ty phát triển phần mềm quản lý doanh nghiệp. Công việc này đòi hỏi Chinh phải vừa có kiến thức kế toán, vừa có kiến thức về công nghệ thông tin. Nữ sinh cũng không ngại khó khăn, tự học thêm mảng này để phục vụ công việc hiện tại.
Trước ý kiến nhiều người cho rằng khi là thủ khoa, nữ sinh nhất định sẽ có công việc tốt, lương cao. Thùy Chinh cho hay bản thân cũng từng áp lực về quan niệm trên, “sợ mọi người sẽ đặt kỳ vọng cao".
Tuy nhiên, sau khi suy nghĩ thấu đáo, Chinh cho rằng thủ khoa chỉ là một danh hiệu đánh dấu những thành công bước đầu, sẽ là động lực để em cố gắng hơn chứ không mặc định phải có việc tốt, lương cao nhờ danh hiệu này.
“Có những bạn không cần phải là thủ khoa, các bạn vẫn thành công trên con đường mà các bạn lựa chọn. Mình coi danh hiệu thủ khoa là một bàn đạp để mình tự đốc thúc bản thân phải ngày một tốt hơn, phát triển hơn”, Chinh chia sẻ.
Là cố vấn học tập của Chinh, cô Nguyễn Thị Thanh Hải, giảng viên khoa Kế toán - Kiểm toán (Đại học Kinh tế) ấn tượng với Chinh ngay buổi đầu nhận lớp. Nữ sinh đã năng nổ, mạnh dạn ứng cử vào vị trí cán bộ lớp.
Trong suốt 4 năm, không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, Chinh còn xuất sắc trong việc học tập, là cá nhân tiêu biểu của lớp.
“Trong các môn học, Chinh thể hiện rất tốt ở các buổi thảo luận, các bài thuyết trình, kiểm tra, đánh giá. Nữ sinh tiếp thu nhanh, kỹ năng phản biện và khả năng tự học rất tốt. Không những vậy, em cũng thường xuyên hỗ trợ các bạn xung quanh", cô Hải nhận xét.
Những cuốn sách dành cho người đứng trước cánh cửa nghề nghiệp
Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc một số cuốn sách về chủ đề nghề nghiệp, hướng nghiệp, dành cho những bạn trẻ đang băn khoăn trước cánh cửa nghề nghiệp hay người trưởng thành quan tâm đến sự biến đổi nghề nghiệp trong xã hội hiện đại.
Chiến đạo giống cuộc đối thoại, gợi mở các câu hỏi của cuộc đời, giúp người trẻ chủ động định hướng nghề nghiệp, kiến tạo tương lai.
Eight - 8 cách làm chủ trí thông minh nhân tạo: “Đa số công việc mà công viên chức đang phụ trách cuối cùng đều sẽ bị thay thế bởi trí thông minh nhân tạo", cuốn sách này sẽ giải đáp câu hỏi đó.