Có quá nhiều ám ảnh khi buộc phải làm công việc giúp các cô gái trót lầm lỡ giải quyết hậu quả là những mầm sống đang tượng hình trong cơ thể, nhưng bác sĩ Lê Thị Kim Dung – khoa sản, Trung tâm y khoa Thái Hà (Hà Nội) ám ảnh nhất với trường hợp của H. (21 tuổi)- sinh viên một trường đại học danh tiếng tại Hà Nội.
Đến gặp bác sĩ Dung với hai dòng nước mắt lăn dài trên má, H. gần như hoảng loạn khi cô phải tự gánh chịu hậu quả một mình với cái thai đang ngày một lớn lên trong bụng. Bạn trai H. đã cao chạy xa bay sau khi nghe H. thông báo có thai 12 tuần. Không may hơn, việc bỏ thai cho H. cũng gặp rất nhiều khó khăn mặc dù tuổi thai 12 tuần của cô được coi là trường hợp rất thông thường.
Tử cung gập ra phía sau nên mặc dù có đến 5 bác sĩ thay phiên nhau cũng không thể gắp được cái thai ra khỏi tử cung cô gái.
“Chúng tôi buộc phải can thiệp bằng phương pháp mổ thành bụng, nắn lại tử cung thẳng ra và nạo thai bằng cửa dưới như bình thường”, bác sĩ Dung rùng mình nhớ lại.
Sở dĩ, việc bỏ thai của H. gặp nhiều khó khăn là do cô có hình dáng tử cung dị tật bất thường – bị gập gấp khúc ra phía sau. Mọi nỗ lực của các bác sĩ cũng không thể giúp H. có một phương pháp bỏ thai ít đớn đau hơn. Sau khi phẫu thuật bỏ thai, H. mệt lịm vì đau đớn và mất máu, phần vì tủi thân. Ca bệnh đã để lại không ít những trăn trở cho những bác sĩ ngày hôm đó.
“Nhìn cô gái đau đớn, nước mắt lăn dài từ lúc vào đến lúc về, chúng tôi không khỏi chạnh lòng. Trách thì ít nhưng xót xa thì nhiều vì lầm lỡ của cô gái nhẹ dạ, yếu lòng”, bác sĩ sản xót xa.
Việt Nam đứng thứ 5 về tình trạng phá thai
Chia sẻ thêm về công việc, bác sĩ Dung cho biết, bà đã phải tư vấn, từ chối rất nhiều cô gái mang bụng thai 28 tuần đến xin bỏ. Bởi, những cái thai này, dù có được phá bỏ, đưa ra khỏi cơ thể mẹ thì nó vẫn còn sống.
Chuyên gia sản khoa này nhận định, đa số các cô gái đều biết mình có thai từ lúc nhỏ nhưng cố tình để lớn gây áp lực, ép trách nhiệm của bạn trai và gia đình.
“Các bạn gái phải tự chủ trong cuộc sống của mình; không thể dùng cái thai để níu kéo tình yêu hay trách nhiệm của ai khác. Chính vì suy nghĩ đó mà nhiều cô gái để cái thai quá lớn mới bỏ vô cùng nguy hiểm và dễ để lại hậu quả vô sinh về sau”.
Nói về tình trạng nạo phá thai hiện nay, bác sĩ Lê Thị Kim Dung khẳng định, con số thực tế cao hơn con số báo cáo gấp nhiều lần và không thể thống kê hết. Đa số các cô gái chưa có gia đình thường tìm đến các cơ sở tư nhân hoặc cơ sở chui để giải quyết hậu quả.
Cũng vấn đề này, báo Vietnamnet đã dẫn lời bà Tô Thị Kim Hoa, Phó Giám đốc sở Y tế, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: hiện nay, tỉ lệ nạo phá thai ở Việt Nam là khoảng 300.000 ca mỗi năm. Trong đó có khoảng 20% ở độ tuổi vị thành niên. Con số này cho thấy chúng ta đang là nước đứng thứ 5 trên thế giới và đứng đầu khu vực Đông Nam Á về tình trạng nạo phá thai.
Theo thống kê của Ủy ban quốc gia dân số và kế hoạch hóa gia đình, ở nước ta, cứ 1 trẻ em ra đời thì có 1 bào thai bị phá bỏ. Mỗi năm có 1,2 – 1,6 triệu trẻ em được sinh ra tương ứng với đó con số bào thai bị phá bỏ. Đáng chú ý hơn cả là số trẻ vị thành niên nạo phá thai ở Việt Nam cao hơn nhiều lần so với các quốc gia dẫn đầu về nạo phá thai.