Nhiều sinh viên tốt nghiệp loại ưu từ những trường đại học danh tiếng với số điểm GPA cao chót vót luôn mang trong mình một sự tự tin.
Rằng tôi có một nền tảng học tập tốt, nên tôi chắc chắn sẽ thành công trên con đường sự nghiệp như cách đã thành công trên con đường học tập.
Trên thực tế, môi trường công sở không giống với môi trường đại học. Công việc cũng chẳng dễ dàng hoàn thành như cách các bạn hoàn thành bài tập giữa kì hay bài thi kết thúc môn học.
Nếu học tập là một hành trình tích lũy kiến thức và kiểm tra, thì công việc, lại là nơi bạn phải thi cuối kỳ vào mỗi ngày.
Môi trường công sở không giống với môi trường đại học |
Từ lý thuyết đến thực hành
Trình độ không quan trọng bằng thái độ. Thái độ mới chính là yếu tố quyết định sự nghiệp của các bạn đi về đâu.
Và có nhiều bạn vì tự cho rằng mình tài giỏi, nên thậm chí đã có thái độ coi thường những công việc có mức lương không cao hay không phải là công việc từ những tập đoàn lớn, thậm chí là lên giọng thách thức với nhà tuyển dụng. Để rồi sau một thời gian dài thất nghiệp, các bạn mới nhận ra được vấn đề của mình là gì.
Chị Đoàn Hương Giang (27 tuổi) - chuyên viên tư vấn giải pháp nhân sự chia sẻ: “Mình làm tuyển dụng đã 5-6 năm nay, phỏng vấn và sàng lọc cả nghìn ứng viên. Nhưng mình thấy có rất nhiều bạn trẻ mới ra trường, thứ duy nhất các bạn có là tấm bằng đại học. Chưa hề có bất kì kinh nghiệm gì và nếu tuyển dụng các bạn ấy, công ty phải đào tạo lại từ đầu. Nhưng có nhiều bạn tưởng rằng có tấm bằng đại học, các bạn đã có tất cả. Tiềm năng mình chưa thể đánh giá, nhưng với thái độ như vậy, mình tin các bạn ấy không thể đóng góp tốt được cho công ty, vậy nên mình đã đánh trượt phỏng vấn”.
Từ lý thuyết đến thực hành là một chặng đường rất dài. |
Bên cạnh đó, cũng có nhiều bạn trẻ ra trường tuy chưa có kinh nghiệm nhưng có thái độ và nhận thức tốt. Tuy vậy các bạn cũng phải mất kha khá thời gian để tập làm quen với môi trường làm việc.
Ở môi trường đại học, bạn chỉ phải cố gắng học tập để làm sao đạt được số điểm cao nhất. Nhưng khi đi làm, bạn vừa phải hoàn thành tốt công việc, nhưng phải tối ưu thời gian và phương thức hoàn thành với rất nhiều kĩ năng cần phải trau dồi. Và không chỉ có vậy, bạn còn phải học cách dung hoà, đối nhân xử thế với sếp và đồng nghiệp sao cho hài hoà, khéo léo.
Từ lý thuyết đến thực hành là một chặng đường rất dài. Thậm chí có những bạn đã đi làm thêm từ khi còn là sinh viên, khi ra trường vẫn không khỏi có cho mình chút bỡ ngỡ.
Chị Nguyễn Thu Hương (28 tuổi), tốt nghiệp loại giỏi Thạc sĩ chuyên ngành Quản trị doanh nghiệp Đại học Chiết Giang, ngôi trường tốt thứ 3 Trung Quốc, hiện làm nhân viên phát triển kinh doanh.
“Mình đi du học Mỹ từ hồi đại học, rồi đi học thạc sĩ ở trường top. Khi mới đi làm, với nền tảng học thức tốt, nên khi ấy với cái tôi của tuổi trẻ cao ngút, mình đã tưởng mình giỏi lắm. Nhưng sau đi làm mới thấy, lý thuyết và thực tế nó cách xa nhau đến thế nào. Thời gian đầu mình đã rất chật vật và mình cũng đã vấp ngã rất nhiều. Phải đến 1 năm sau, mình mới thực sự quen hoàn toàn với công việc”, Hương kể.
Tô Nguyễn Trọng Nhân (23 tuổi), cử nhân tốt nghiệp loại Giỏi chuyên ngành Marketing, Đại học Kinh tế - Luật Thành phố Hồ Chí Minh, hiện làm quản lý thương hiệu chia sẻ, cũng có câu chuyện tương tự.
“Mình tốt nghiệp loại giỏi, cũng đã có 4 năm làm việc part-time tại các tập đoàn lớn theo đúng chuyên ngành mình theo học. Tuy nhiên, khi đi làm full-time, thời gian đầu mình vẫn có đôi chút bỡ ngỡ vì phương thức làm việc cũng như trách nhiệm và khối lượng khác hoàn toàn hồi mình còn đi làm part-time. Nhưng mình cũng chỉ mất một thời gian ngắn để thích nghi và làm quen vì mình cũng đã đi làm và va vấp từ sớm”.
Nên chuẩn bị những gì?
Tuổi trẻ chính là quãng thời gian khiến chúng ta cảm thấy bối rối và lúng túng trước mọi việc nhiều nhất. Có lẽ trạng thái tâm lý này xuất hiện là do khát vọng được học hỏi, trải nghiệm của chúng ta đã trở nên mạnh mẽ hơn bất kỳ lúc nào. Thế giới trở nên nhỏ hơn trong khi chân trời lại trải dài trước mắt.
Thế giới mới đang mở cửa đón mừng, bạn ham hở bước vào, nhưng trước lúc đó xin hãy dừng lại một chốt để biết được một sự thực rằng hầu hết mọi người đều không biết chính xác mình sẽ làm gì sau khi tốt nghiệp đại học.
Tuổi trẻ chính là quãng thời gian khiến chúng ta cảm thấy bối rối và lúng túng trước mọi việc nhiều nhất. |
Đây sẽ là 5 kỹ năng quan trọng mà các bạn phải biết:
1. Quản lý thời gian: Các nhà tuyển dụng tin rằng đây là một trong những điều quan trọng hơn bảng điểm. Thậm chí nếu bạn có điểm trung bình cao, nhưng cũng sẽ không ai muốn làm việc với bạn, nếu bạn không thể quản lý thời gian của chính mình.
2. Chuyên môn công việc: Kinh nghiệm làm việc là rất quan trọng trong các nhà tuyển dụng, vì họ yêu cầu rằng bạn phải hiểu biết công việc bạn muốn xin vào làm. Bạn có thể học được rất nhiều lý thuyết ở trường. Tuy nhiên, 80% kỹ năng làm việc của bạn lại được cóp nhặt từ thực tế chứ không phải lý thuyết trong trường đại học.
3. Xây dựng mạng lưới mối quan hệ: Bạn có khả năng xin danh thiếp từ những người khác nhau hay viết email cho tất cả mọi người bạn biết không? Bạn sẽ nhận thấy công việc hiện tại của mình tốt hơn rất nhiều nếu biết cách duy trì các mối quan hệ. Bạn có thể có điểm trung bình tốt nhưng bạn sẽ không được tuyển dụng nếu không biết cách nói chuyện với bất cứ một ai.
4. Cách thể hiện chính mình: Làm thế nào để thể hiện rằng bạn là người có khả năng và là người mà đơn vị tuyển dụng đang tìm kiếm. Bạn có thể là người thông minh nhưng sẽ chẳng ai quan tâm nếu bạn không thể hiện bản thân một cách đúng đắn. Tôn trọng người nghe, nói tốt và hành động một cách thích hợp và bạn sẽ có những thành tích đáng kể trong công việc của mình.
5. Phù hợp với văn hoá của công ty: Trên hồ sơ, bạn có thể là một ứng viên sáng giá nhưng điều đó không có nghĩa là bạn đã phù hợp với vị trí công việc này. Theo nghiên cứu, 21% số nhà tuyển dụng cho rằng điểm mà họ muốn nhìn nhận nhiều nhất ở một ứng viên đó là khả năng phù hợp và thích nghi với môi trường văn hoá của công ty. Vì vậy, khi đi phỏng vấn, bạn thường gặp câu hỏi "Tại sao anh (chị) lại cảm thấy mình phù hợp với công việc này?".