Theo Washington Post, thuật ngữ “tự do cherry” dần phổ biến trong giới trẻ Trung Quốc từ năm 2018. Đây là một trong nhiều cách gọi mà thanh niên nước này dùng để chỉ mức độ tài chính của bản thân.
Đứng đầu là “tự do mua nhà”, tức sở hữu cơ ngơi riêng, ước mơ lớn của nhiều người trẻ tuổi.
Giảm giá mới dám mua
Tháng 1, truyền thông Trung Quốc đưa tin virus SARS-CoV-2 được phát hiện trên một lô hàng cherry nhập khẩu từ Chile. Các nhà bán lẻ ngay lập tức hạ giá mạnh loại quả này trước tâm lý lo sợ, xa lánh của người tiêu dùng.
Để trấn an, các chuyên gia y tế tại nước này đã lên sóng truyền hình, cho hay quả cherry an toàn nếu người ăn rửa sạch chúng. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ cho biết nguy cơ nhiễm Covid-19 từ thực phẩm ở mức thấp. Thời điểm đó, phía đại sứ quán Chile ở Trung Quốc chưa lên tiếng xác nhận lô hàng đến từ nước này nhiễm virus.
Cụm từ "tự do cherry" chỉ khả năng dư dả tiền bạc để mua những loại trái cây cao cấp của thế hệ trẻ Trung Quốc. Ảnh: Reuters. |
Nhưng đã quá muộn: 288.000 tấn cherry nhập khẩu từ Chile đã được bán phá giá khi ngày hết hạn sử dụng cận kề.
Từ một loại quả có mức giá khá cao khiến nhiều người phải đắn đo, giờ giá cherry chỉ còn từ 4-6 USD/kg, rẻ bằng 1/3 giá thông thường. Nhiều người trẻ tranh thủ cơ hội này để mua cherry ăn thỏa thích.
"Trước giờ, chúng tôi coi cherry là loại trái cây cao cấp, chỉ những người dư dả mới dám mua", Gu Xi (24 tuổi) hành nghề kế toán ở Bắc Kinh, cho biết. Gu vừa bỏ ra 23 USD để mua thùng cherry nặng 2,5 kg.
Gu cho biết mình đang tận hưởng việc giá cherry đột ngột giảm mạnh, dù xác định sẵn tình trạng này không kéo dài lâu.
"'Tự do cherry' đến như một dạng ăn may, chúng không đồng nghĩa với việc mức sống và sức mua của người dân tăng lên", anh bày tỏ.
Mức giá cherry nhập khẩu chỉ còn bằng 1/3 giá thông thường sau khi có tin lô hàng nhập khẩu nhiễm virus. Ảnh: Getty. |
Trên mạng xã hội, nhiều người chia sẻ niềm vui thích khi mua cherry với giá hời chưa từng có.
"Tôi sẽ ăn cherry như ăn cơm", một người viết. "Tôi đã đạt 'tự do cherry' vào sáng nay", người khác bày tỏ, đăng kèm hình ảnh chiếc rổ đựng đầy cherry.
Một cơ sở spa ở Bắc Kinh chào mời khách ghé qua bằng bức ảnh chiếc bát thủy tinh đầy ắp loại quả này cùng lời nhắn "Bạn có thể ăn bao nhiêu tùy ý".
Để bớt lo lắng vể rủi ro nhiễm virus, người dân Trung Quốc sử dụng nhiều phương pháp làm sạch cherry. Trong đó, cách nhiều người làm theo là ngâm chúng trong baiju, một loại rượu có nồng độ cồn 60 độ.
Alice Du (30 tuổi), giảng viên đại học ở Côn Minh, cho biết cherry gợi lên hình ảnh về lối sống của tầng lớp trung lưu Trung Quốc.
"Bạn có thể coi cherry như một phiên bản khác của quả bơ. Nhiều người đặt các giá trị vô hình vào nó. Cherry không đơn thuần là tên gọi của một loại trái cây nữa", Alice nói.
Cherry được coi là loại quả phản ánh lối sống trung lưu ở Trung Quốc, khi người dư dả tiền bạc mới mua về ăn. Ảnh: Cgtn. |
Cảm thấy an toàn khi thưởng thức loại quả nhập khẩu trong thời gian này nhưng Alice cho hay cô không mua tặng bạn bè, người thân vì sợ người nhận có thể thấy phân vân, bối rối.
Lo lắng của cô không phải không có cơ sở. Vào tháng 2, một gia đình 5 người ở tỉnh Giang Tây đã phải cách ly 2 tuần sau khi nhận thùng cherry từ họ hàng.
Chính quyền cho hay thùng cherry nằm cùng trong lô hàng nhập khẩu bị phát hiện có chứa virus SARS-CoV-2. Nhóm công nhân phụ trách lô hàng cũng phải đi cách ly.
Truyền thông Trung Quốc còn đưa tin một phụ nữ họ Wang ở tỉnh Quảng Tây đã bị tiêu chảy và phải nhập viện sau khi ăn hết 3 kg cherry suốt 5 ngày. Các bác sĩ cho biết cherry là loại quả có tính nóng, gây nóng trong nếu ăn quá nhiều.
Chile là nước xuất khẩu cherry nhiều nhất sang Trung Quốc. Ảnh: China Daily. |
Đu theo trào lưu
Để giảm thiệt hại cho nhiều tấn cherry xuất khẩu, Bộ Ngoại giao Chile và Hiệp hội các nhà xuất khẩu trái cây Chile đã tài trợ cho chiến dịch quảng cáo trị giá 1,5 triệu USD trên khắp Trung Quốc.
Một quảng cáo với cảnh gia đình ngồi chơi mạt chược, với rổ cherry ở sẵn bên cạnh. Quảng cáo khác sử dụng hình ảnh bó hoa khổng lồ được xếp thành từ những quả cherry.
Tuy nhiên, theo Gu, làn sóng người tiêu dùng Trung Quốc đổ xô đi mua cherry trong thời gian này đơn giản là kết quả của hiệu ứng đám đông.
"Nhiều người chạy theo trào lưu dù chưa chắc thực sự thích ăn loại quả này. Nếu không vì giảm giá, tôi sẽ không mua cherry vì đó không phải mặt hàng thiết yếu, cần tiêu thụ mỗi ngày", anh nói.
Gu so sánh cherry nhập khẩu với loại cherry được trồng trong nước, thường được gọi là anh đào. Cherry nhập khẩu ngọt, màu sắc đẹp và quả to hơn nhưng hương vị không phải lúc nào cũng xuất sắc. Còn anh đào tuy hình thức không đẹp mắt bằng song lại có vị chua ngon hơn.
"Điều tôi thực sự mong muốn là 'tự do sầu riêng' - loại trái cây đắt nhất trong các cửa hàng ở Trung Quốc", Gu nói.