"Cách ly Covid-19" là thông tin khiến Thân Quang Tuấn (sinh năm 1996) và hội du học sinh Hàn Quốc trăn trở rất nhiều ngày qua.
Còn một kỳ học nữa Quang Tuấn sẽ tốt nghiệp. Tuy nhiên, anh vẫn phải đưa ra quyết định bất đắc dĩ: Bảo lưu 6 tháng để về nước tránh virus corona.
Ngày 2/3, trở về từ Incheon (Hàn Quốc), đáp tại sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh), Tuấn và tất cả hành khách được đưa tới khu vực cách ly ở doanh trại thuộc tỉnh Thái Bình.
"Đây là lần đầu tiên mình đến một nơi như thế này. Ban đầu cũng có xác định tâm lý trồi nhưng khi đến nơi vẫn sốc", 9X kể với Zing.vn.
Thân Quang Tuấn - du học sinh Hàn đang có mặt tại khu vực cách ly Covid-19 đặt tại tỉnh Thái Bình. |
Nguồn nước là vấn đề lớn nhất
Có mặt tại sân bay Vân Đồn lúc 14h ngày 2/3, sau 3 tiếng làm thủ tục, khử trùng và nhiều giấy tờ liên quan, tới 17h, cả đoàn được chở về khu cách ly tại Thái Bình.
20h có mặt tại doanh trại, Tuấn và nhiều bạn bè khác được cán bộ phát mỗi người một ly mỳ tôm trứng.
"Lâu lắm rồi mình mới có bữa tối ngon đến thế", 9X nói vui.
Theo lời Quang Tuấn, khu vực cách ly là một doanh trại quân đội cũ gồm khoảng 18 phòng, mỗi phòng có sức chứa 20 người.
Mỗi người trong diện cách ly sẽ được phát 1 cốc, 1 bàn chải, 1 khăn mặt nhỏ. Doanh trại khá hạn chế về nguồn nước, nam nữ đều dùng chung một bể chứa.
"Mình và hội anh em con trai cảm thấy vẫn ổn, tự động viên nhau bây giờ quan trọng nhất là sức khỏe. Còn lại vấn đề sinh hoạt hoàn toàn khắc phục được. Tuy nhiên, mấy bạn nữ có vẻ không ổn lắm với nguồn nước vì con gái cần dùng nhiều. Nhà vệ sinh nam nữ cũng xuống cấp khá nhiều", Tuấn chia sẻ.
Khu vực sống trong 14 ngày của những người thuộc diện cách ly khi trở về từ Hàn Quốc. |
Vì không đủ nước để sử dụng, mọi người đã cùng nhau góp tiền mua nước, xà phòng, bột giặt ở nhà dân.
Mọi sinh hoạt tại khu vực cách ly như ăn, ngủ đều đúng giờ. Mỗi ngày 2 lần, y bác sĩ thực hiện đo nhiệt độ thân thể từng người. Nếu ai trên 37 độ C hoặc có biểu hiện bất thường sẽ được đưa tới khu vực khác.
Quang Tuấn nói thêm, anh cảm thấy khá tủi thân khi nhiều người xung quanh tỏ ra kỳ thị, không muốn tiếp xúc với những người thuộc khu vực cách ly. "Bọn nhỏ bịt miệng bỏ chạy, đặt đồ ăn ship tới không ai nhận".
Tuy nhiên, sau 2 ngày, Quang Tuấn đã làm quen được với khá nhiều bạn bè. 9X hạnh phúc, bày tỏ niềm tự hào khi cảm nhận được rõ rệt tình cảm giữa những người đồng hương.
"Ai hòa đồng, thiếu thốn gì cùng nhau góp tiền mua. Mọi người mua bóng, cầu lông để chơi. Ai có tài đàn ca gì thì cũng thể hiện luôn cho vui. Sau 2 ngày cảm giác mọi người đã quen dần rồi", Tuấn nói.
Cách ly là phương án tốt nhất
Khi được hỏi về cảm giác sống ở nơi cách ly sau khi trở về từ Hàn Quốc, 9X thẳng thắn khẳng định: "Dù không có yêu cầu, mình cũng tự nguyện. Virus không trừ một ai nên mình nghĩ đây là phương án tốt nhất trước khi về với gia đình".
Theo dự định, Tuấn sẽ ở lại Việt Nam tránh dịch tới tháng 9 năm nay, sau đó quay lại Hàn Quốc để tiếp tục việc học.
9X bày tỏ sự đồng tình với phương án cách ly của nhà nước đưa ra. Nhớ lại những ngày học tập và làm việc tại Hàn Quốc vào thời điểm Covid-19 bùng phát, anh kể: "Người Hàn khá chủ quan. Họ vẫn tập trung biểu tình, cầu nguyện ở nhà thờ, ăn nhậu. Mọi người đều khá thản nhiên trước bệnh dịch và giống như 'ai bị thì người đó sợ'".
Ở khu vực sinh sống của Quang Tuấn, nhiều người Hàn vui đùa với nhau rằng corona chỉ là virus cúm, không có gì đáng sợ, thậm chí có người còn nói "ăn sâm nhiều vào là không vấn đề gì".
"Cũng vì người Hàn chủ quan, dịch bệnh bùng phát rất nhanh nên mình quyết định bảo lưu một kỳ học. Bây giờ chỉ cần cách ly, giữ sức khỏe tốt là được về với cha mẹ rồi", 9X nói.