Mọi người bật Happy new year và ngân nga theo vào mỗi dịp giao thừa giống như một thói quen khó bỏ. Không nhiều người quan tâm đến bài hát kể câu chuyện buồn hay vui. Giai điệu tuyệt vời của nó là thứ đầu tiên và cuối cùng khiến mọi người nhớ đến và yêu thích.
Lời chúc mừng buồn bã
Happy new year ra đời vào tháng 2/1980 do 2 thành viên nam của ABBA là Björn Ulvaeus và Benny Andersson đồng sáng tác. Giọng nữ chính của nhóm - Agnetha Fältskog là người đảm nhiệm đến 90% ca khúc này. Cô hát một cách chậm rãi, âm sắc chùng và lạnh: "Champagne đã cạn, pháo hoa đã tàn. Giờ đây chỉ còn anh và em, buồn bã và lạc lõng".
Nhóm nhạc ABBA. |
Sau thời khắc tiệc tàn, ngoài trời xám xịt, trong nhà lạnh lẽo cô đơn họ mới cất lời "Chúc mừng năm mới". Khác với khung cảnh xám xịt ở phần đầu của bài hát, lời chúc ở điệp khúc tươi sáng hơn. Đó là ước mơ về một thế giới chỉ toàn là những người bạn; là những hy vọng ước ao sẽ được thực hiện. Tuy nhiên câu hát cuối của điệp khúc xuất hiện từ “chết” khiến cho lời chúc mừng chúng xuống, kéo lại sự buồn bã từ đầu bài hát.
Bài hát le lói những ý nghĩ tốt lành nhưng lại được chưng cất trong tâm tưởng của một con người bất toàn. Dù thế, bài hát vẫn là lời chúc mừng năm mới đầy buồn bã. Có sự nhầm lẫn nào đó chăng?
Hơn 3 thập kỷ đã trôi qua, Happy new year vẫn luôn là một sự nhầm lẫn đầy thú vị. Ban đầu, nó là bài hát viết về Giáng sinh thay vì năm mới. Sự "nhầm lẫn" còn đến từ khán giả, họ say đắm trong lời chúc mừng năm mới đầy buồn bã, cô đơn từ khi ca khúc này ra đời.
Dù nỗi buồn ám lấy toàn bộ nội dung bài hát nhưng ca khúc lóe lên nhưng điều tươi sáng. “Đôi khi em nhìn thấy một thế giới mới tươi đẹp hiện lên, nó mọc lên từ trong đống tro tàn cuộc sống của chính chúng ta”. Câu hát mang đầy sự hy vọng, thứ hiện lên trong đầu ta mỗi tối trước khi ngon giấc rồi thức dậy vào mỗi sáng mai. Nó giống như hạt mầm tươi tốt còn sót lại trong chiếc hộp của nàng Pandora khi bị thần Zeus đầy xuống trần gian.
Benny Anderson từng tâm sự về Happy new year: “Một bài hát gần với Giáng sinh nhưng cũng chẳng phải để đón mừng năm mới”. Tuy vậy, ca khúc vẫn nổi như cồn và được nghe liên tục trong hơn 35 qua vào mỗi dịp giao thừa. Mặc cho những năm mới nổi tiếng và tươi vui như Auld Lang Syne thì bài hát của ABBA vẫn là lựa chọn của phần đông công chúng. Sự nổi tiếng đến mức phi thực này càng làm cho ca khúc thêm màu bí ẩn.
… đến ‘Tháng 2 uể oải’
"Tại sao lại nghe bài hát buồn bã như Happy new year vào thời khắc năm mới?" là câu hỏi khó để trả lời. Hay đúng hơn, đó là câu hỏi vô nghĩa. Tuy vậy, trong dòng chảy nhạc Việt, một bài hát khác đã nối tiếp dư âm buồn bã từ ca khúc nổi tiếng của ABBA. Đó là ca khúc Tháng hai uể oải do nhạc sĩ Đỗ Bảo sáng tác, Hà Trần thể hiện.
Nhạc sĩ Đỗ Bảo và diva Hà Trần kết hợp trong đĩa nhạc Cánh cung 3 - Chuyện của mặt trời, chuyện của chúng ta. |
Việt Nam là nước đón năm mới theo âm lịch. Dịp tết thường quẩn quanh trong những ngày tháng hai dương lịch đầy chơi vơi. Những ngày tết là khởi đầu một năm cũng là khoảng "thời gian chết" bởi họ đã vận động chu kỳ mới cách đây 1 tháng. Đối với những tâm hồn nhảy cảm, tháng hai đôi khi còn là nỗi ám ảnh của sự ngưng trệ, thậm chí là vô nghĩa lý.
Có lẽ Đỗ Bảo là người nhạy cảm như vậy. Anh từng tâm sự: "Tôi nhìn cuộc sống xung quanh thấy buồn tẻ lắm, không biết mình có thể làm gì, nói về điều gì. Tôi chỉ thấy cuộc sống đầy sự giả dối. Tôi không có cảm hứng nhưng tôi nghĩ mình phải cố gắng. Thế rồi tôi đã viết Tháng hai uể oải”.
Ngay từ đầu, ca khúc Tháng hai uể oải đã đưa người nghe vào một thế giới đầy cô đơn với khung cảnh "ngồi đếm từng giây từng phút trống rỗng qua những căn phòng thênh thang rộng". Đỗ Bảo đã ít nhiều đề cập đến ca khúc Happy new year trong câu hát "Khi bài ca năm mới mà ai còn nghe đến chán nhàm"...
Điều này càng có cơ sở hơn bởi sau đó, anh giải thích "Ơi bài ca năm mới thật buồn/ Chỉ tôi và chiếc bóng tôi mắc tưởng". Cũng không loại trừ trường hợp, chính Đỗ Bảo đang đạo diễn một Happy new year của riêng mình bằng ca khúc này?!
Ca khúc của nhạc sĩ Đỗ Bảo không lấy lời "chúc mừng năm mới" làm cái cớ để vẽ nên sự chán nhàm của dịp Tết. Anh trực diện đề cập đến điều này và không ngại đặt câu hỏi: "Nếu thực ở đây gió ấm, nếu là bài hát của mùa xuân. Hãy kể cho anh rằng một con tim bao khắc khoải, giữa tháng hai uể oải”.
Bao trùm lên toàn bộ bài hát là không khí cô đơn, uể oải và lạc lõng; điều đã hiện lên trong ca khúc nổi tiếng của ABBA. Hai ca khúc đi liền một cặp, làm say mê khán giả về những nỗi buồn trong chính thời khắc đáng lẽ vui nhất, hứng khởi nhất.
Nhưng sự say mê đó dường như chính là sức mạnh kỳ lạ của âm nhạc. Trong mọi khoảnh khắc hạnh phúc đều luôn có những khoảng buồn, sự hoàn hảo là vô nghĩa mà chính những chán chường, thất vọng chính là một phần không thể thiếu của cuộc sống. Con người đối diện và thấm thía những cảm xúc đó để thấy giá trị hơn những niềm hy vọng đang đến trong một năm mới. Âm nhạc đã nói hết được những điều đó.