Theo ông Lê Ngọc Sơn - Trưởng phòng GD&ĐT Thanh Khê (TP Đà Nẵng): “Những mặt lợi của hình thức tự học ở nhà không được bao nhiêu nhưng có nhiều nhược điểm lớn như trẻ bị thiếu hụt nhiều kỹ năng, tính hợp tác…
Trong khi giáo dục đang có sự chuyển đổi từ hướng tiếp cận nội dung sang tiếp cận năng lực, phẩm chất thì tự học ở nhà vẫn còn nặng về trang bị nội dung kiến thức”.
Ông Lê Ngọc Sơn phân tích: Theo dõi câu chuyện của hai em học sinh ở TP.HCM được gia đình cho nghỉ học ở trường phổ thông để tự học ở nhà cùng những bàn luận xung quanh câu chuyện, tôi thấy có một số ý kiến giả định rằng học sinh học ở trường có nhiều áp lực và gia đình muốn thoát ra khỏi môi trường trường học là chính.
Hai anh em Thái Anh và Nhật Anh tự học ở nhà tại TP.HCM. |
Đúng là khi trẻ tự học ở nhà, sẽ có một số mặt lợi như: Tránh được áp lực của trường học về điểm số, đánh giá, thi đua… có được không gian và thời gian học tập tự do.
Áp lực ở trường học và cả gia đình sẽ tạo cho trẻ tâm lý căng thẳng, lo lắng như điểm thấp; thậm chí là cả vấn đề bạo hành ở trường học cũng là một mối bận tâm của phụ huynh. Thế nhưng, đây cũng chỉ là một mặt và không phải là mặt phổ biến ở giáo dục phổ thông hiện nay.
“Với hệ thống giáo dục của chúng ta hiện nay thì học sinh không thể thoát ly ra khỏi nhà trường, bởi chuyển từ bậc học này sang một bậc học khác cao hơn đòi hỏi phải có đầy đủ hồ sơ, điểm số, học bạ… Chưa kể là gia đình không thể phủ hết được các mục tiêu giáo dục và các năng lực khác mà chỉ có nhà trường mới đáp ứng được.
Do vậy, tự học ở nhà, cho dù bố mẹ đảm nhiệm việc dạy học hay thuê giáo viên dạy ở nhà thì học sinh sẽ khó đạt được các mục tiêu giáo dục trong từng bậc học cũng như mục tiêu xuyên suốt của giáo dục phổ thông.
Việc tự học ở nhà thì không gian cũng như môi trường để hình thành kỹ năng cho trẻ sẽ bị bó hẹp, hạn chế, nhất là các kỹ năng giao tiếp và hoạt động xã hội.
Và với việc phụ huynh tự đánh giá hiệu quả giáo dục sẽ không theo chuẩn đánh giá chung từ hệ thống giáo dục đã được quy định sẽ dẫn đến những lệch lạc nhất định” - ông Lê Ngọc Sơn phân tích.
Ông Sơn cho rằng với việc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, trường học của chúng ta đang có bước chuyển mạnh mẽ theo hướng chuyển từ tiếp cận nội dung sang tiếp cận năng lực, phẩm chất thì tự học ở nhà vẫn còn nặng về trang bị nội dung kiến thức, thiếu các hoạt động trải nghiệm sáng tạo để học sinh làm việc trong một môi trường tập thể với nhiều cá tính khác biệt từ đó học cách thích nghi và hình thành những phẩm chất, năng lực cần thiết.
Ở một khía cạnh khác, bà Trần Thị Thúy Hà - Trưởng phòng GD&ĐT quận Hải Châu, Đà Nẵng - cho rằng nếu chúng ta đo hiệu quả của việc giáo dục ở nhà bằng số điểm IELTS, bằng các thứ hạng cao, thì chúng ta cũng đang đi vào cái mà chúng ta đang lên án ở trường, đó là học vì điểm số.