- Thời gian gần đây, anh gây ấn tượng với khán giả khi xuất hiện trong chương trình hài kịch tình huống Ơn giời, cậu đây rồi. Là một trong những trưởng phòng của chương trình, anh nói gì trước những lời chê cho rằng chương trình càng về cuối càng đuối?
- Tôi không biết ai chê, chê đến mức độ nào. Nhưng chương trình này đã quay xong, đang phát sóng tới tập cuối cùng. Bản thân chương trình Ơn giời, cậu đây rồi cũng không cầu toàn về mặt kịch bản hay, hoặc phải có những gương mặt hấp dẫn, mà nó chỉ mang tính chất là thổi một luồng sinh khí mới vào việc hưởng thụ của khán giả, thêm một dòng chảy mới cho sân khấu.
Chương trình sẽ có những số rất hay, những số sẽ không thể hay được. Vì nó không có sự chuẩn bị trước mà mang tính tương tác giữa trưởng phòng và khách mời, khán giả trong trường quay và cả giám khảo. Nếu khán giả đòi hỏi sự hoàn mỹ ở một chương trình như vậy thì rất khó, chỉ có thể tìm ở đó một sự vui vẻ nhất định.
Tự Long cùng Ngô Kiến Huy trong một tiểu phẩm của Ơn giời, cậu đây rồi. |
- Theo anh, có điều gì khó khăn khi chương trình Ơn giời, cậu đây rồi lên sóng?
- Với nhiều người, những cái mới thì sẽ được chấp nhận ngay, số khác lại đòi hỏi nó phải có tính giải trí cao, thẩm mỹ tốt hoặc mang thông điệp giáo dục. Nếu đòi hỏi tất cả thì lại rất khó. Những người tổ chức chỉ muốn đánh trúng yếu tố vui vẻ. Nhà sản xuất cũng không thể biết được người chơi sẽ phản ứng thế nào với tình huống đưa ra nên sẽ có thứ vượt ngoài tầm kiểm soát. Chỉ có người hợp với tình huống đó thì họ mới làm tốt.
Thêm nữa, vì yếu tố kết hợp giữa trưởng phòng và người chơi nên đôi khi có tình huống làm thì rất dài nhưng sự tương tác giữa người chơi và trưởng phòng không được ổn. Lắm lúc nó bị cắt gọt khá nhiều khiến khán giả không hiểu tại sao lại đến câu này, tình huống bị cụt, thành thử ra có nhiều cái hợp lý và cả bất hợp lý, gây ra cảm giác bất ngờ và chưa thoải mái.
Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi, cái gì mới thì nên khuyến khích. Còn sau này nó thích hợp hay không thì nó sẽ tự tìm hướng đi và bị đào thải nếu nó không thích hợp. Trong bối cảnh sân khấu hiện tại đang rất "chật vật" thì nên có những chương trình mới như vậy. Chúng ta không nên phán xét nó vội mà hãy để nó có thời gian chứng minh.
- Trong tiểu phẩm chung đóng cùng Công Lý, Miu Lê, anh từng chứng kiến bạn diễn bị khách mời nhảy lên người đánh đấm. Bản thân anh từng ở trường hợp tương tự nào?
- Phần nhiều những sự cố là do phản ứng của người chơi. Trong Ơn giời, cậu đây rồi, vấn đề quan trọng là khách mời thích nghi được với cuộc chơi đó hay không. Nói một cách đơn giản là chúng ta vào trong nhà mà gặp một ông chủ nhà vui vẻ, thoải mái thì người khác cũng cảm thấy thích thú, diễn biến của cuộc nói chuyện sẽ rất hay. Còn ông chủ nhà hay khách mời đều đóng cửa tâm hồn quá sớm thì cả hai bên đều khó nói chuyện. Mà chuyện đó trong Ơn giời, cậu đây rồi không chỉ diễn ra một lần mà nó có khá nhiều.
- Diễn viên hài Công Lý từng chia sẻ, các cây hài miền Nam có sự ngẫu hứng, phù hợp với format hài kịch tình huống của Ơn giời, cậu đây rồi hơn là những nghệ sĩ miền Bắc. Anh nghĩ sao về nhận xét này?
- Tôi đồng ý rằng với format như vậy thì các nghệ sĩ hài miền Nam sẽ dễ thích nghi hơn và cách làm của họ cũng giản đơn hơn. Ví dụ như Xuân Bắc - Tự Long làm gì cũng phải có đầu có kết, giống như một bài tập làm văn có mở bài, thân bài và kết luận. Nhưng riêng với chương trình này thì không cần có đoạn mở đầu mà nhảy vào tình huống ngay. Do đó, các anh chị em diễn viên ngoài Bắc vào thì phải mất một thời gian để thích nghi với nó, nếu muốn chạy ngay thì khó bon chen lắm!
Tự Long - Công Lý trong tình huống Ô sin và ông bà chủ gây tranh cãi trong thời gian qua. |
- Anh ấn tượng với trưởng phòng nào trong Ơn giời, cậu đây rồi?
- Một trong những nghệ sĩ khiến tôi ấn tượng trong thời gian ghi hình chương trình này là Việt Hương. Dân trong nghề gọi như vậy là diễn rất "mả". Việt Hương là người có nhiều mảng miếng, xét riêng trong chương trình thì cô ấy là người xuất sắc.
- Ngoài việc tham gia chương trình Ơn giời, cậu đây rồi, có những ý kiến nói rằng từ ngày anh lên làm sếp - Phó giám đốc Nhà hát Chèo Quân đội, anh kén show hơn. Anh nghĩ sao về điều này?
- Những người làm lãnh đạo đều rất hãi từ làm sếp. Thú thực, tôi cũng chưa quen cảm giác làm sếp. Lên chức quản lý thì thời gian cũng không có nhiều mà tôi lại công tác trong lực lượng vũ trang, mọi người cũng khuyên là khi làm cái gì thì cũng phải cân nhắc một chút. Trước đây, tôi có thể cái gì cũng làm, nhưng giờ thì cũng thận trọng hơn khi đưa ra quyết định làm hoặc phát ngôn.
- Việc đó có ảnh hưởng gì tới quyết định tham gia Táo Quân của anh trong năm nay - một chương trình vốn có đặc thù là châm biếm các mặt xấu của những ban, ngành khác?
- Táo Quân là một chương trình khá đặc biệt, không giống nhiều chương trình khác và nó gửi gắm những thông điệp trong suốt cả một năm. Nói rằng nó nhạy cảm thì không riêng gì một diễn viên mà cả Đài truyền hình Việt Nam cũng đều phải trải qua quá trình kiểm duyệt rất gắt gao trước khi chương trình lên sóng.
Có những người nói năm nào cũng như vậy thì nhàm rồi, nhưng để thay đổi là rất khó. Đại bộ phận dân chúng vẫn mong chờ một chương trình Táo Quân để tổng kết năm. Nó không chỉ mang ý nghĩa về chính trị, xã hội, mà còn là chương trình mang lại niềm vui cho rất nhiều người con xa quê. Với Táo Quân, không chỉ có trách nghiệm của người làm nghề mà còn mang tâm tư, tình cảm của nhiều người dân đất Việt. Bởi vậy, Táo Quân không thể không làm.
- Việc chạy show cuối năm ảnh hưởng thế nào đến vấn đề thời gian anh dành cho gia đình?
- Tôi phải thành thật mà nói rằng gia đình bao giờ cũng là một thứ yếu khi các nghệ sĩ phải bươn chải trong cuộc sống này. Bây giờ, trách nghiệm của tôi cũng nhiều hơn, đòi hỏi phải chu toàn công việc để yên tâm công tác tốt. Còn chẳng may nó có vấn đề thì sẽ rất vất vả.
Năm ngoái, anh em nghệ sĩ chúng tôi tập Táo Quân từ chập tối hôm trước tới 6h sáng hôm sau. Vợ tôi cùng vợ Xuân Bắc từng ngồi ở Cung Hữu Nghị Hà Nội đến 3-4 sáng, ngủ gà ngủ gật vì xem hai ông chồng tập tiểu phẩm mà cũng không thể đi đến buổi thứ hai. Hàng năm cứ đến dịp tập dượt cho Táo Quân, nếu không có chỗ, chúng tôi đành phải ra tập ở sân công cộng ở Cung, nhưng đến bây giờ thì bảo vệ cũng đuổi vì không cho tập nữa.
Tự Long là một trong những gương mặt quen thuộc tham gia chương trình Táo Quân hàng năm. |
- Vợ anh chia sẻ ra sao khi chồng có ít thời gian ở bên cạnh?
- Tất cả bà vợ của các diễn viên hài đều có chung một nỗi niềm là thở rất dài. Nhưng đôi khi họ vẫn phải chấp nhận vì trong khoảng 10 năm gần đây, các thế hệ nghệ sĩ hài cũng không có nhiều và kém phát triển.
Trước đây còn có nhiều nghệ sĩ để chúng ta so sánh, trông đợi. Trước còn có bác Trịnh Thịnh, Trịnh Mai, Dương Quảng. Sau này thì có anh Chí Trung, Quốc Khánh, Minh Vượng, Minh Hằng..., rồi đến các thế hệ Công Lý, Xuân Bắc, Tự Long. Đến bây giờ, cũng đã qua 11 năm chúng tôi làm Táo Quân thì vẫn chỉ có những gương mặt ấy nên rất khó tìm người thay thế. Có thể do nghiệp diễn hài quá vất vả mà nhiều người không nuôi nổi sự đam mê. Những diễn viên hài trẻ thì mãi vẫn chưa thấy đâu.
- Nhưng bù lại, các nghệ sĩ hài tên tuổi thu nhập không ít. Có tin đồn anh là một trong nghệ sĩ hài có cát-xê cao nhất miền Bắc, anh nói gì về điều này?
- Nếu xét về mặt bằng chung của nền sân khấu, thu nhập của nghệ sĩ cũng đủ sống. Vấn đề cát-xê còn phụ thuộc vào gương mặt và chương trình. Nếu làm với nhà đài thì ít khi nghệ sĩ đòi hỏi về chuyện thù lao. Còn khi làm ngoài, cộng tác với các nhãn hàng thì cát-xê còn phụ thuộc vào thỏa thuận và liên quan tới các vấn đề về thủ tục giấy tờ, phát ngôn, đóng thuế... Tôi là người tên tuổi đứng sau rất nhiều nghệ sĩ, bởi vậy, thu nhập cũng gắn liền với hình ảnh. Về cát xê thì khó có thể nói được là bây giờ ai là nhất hay nhì. Có những người cả năm họ diễn một, hai lần nhưng cuối năm làm vài cái đĩa hoặc đóng quảng cáo, thu nhập còn nhiều hơn người làm cặm cụi cả năm. Trong khi đó, tôi hầu như không làm quảng cáo. Nhiều người cũng biết tôi không phải nghệ sĩ có thu nhập cao ở miền Bắc.
- Trong số các diễn viên hài ngoài Bắc, anh và Xuân Bắc là một cặp diễn hài ăn ý. Anh nhận xét thế nào về ưu - nhược điểm của bạn diễn?
- Xuân Bắc có một nhược điểm là cẩn thận hơn người khác gấp 10 lần, phải tập tành kỹ lưỡng nhiều hơn người khác cũng gấp 10 lần. Nhược điểm thứ hai là làm việc không kể ngày đêm và thời gian, tức là có thể hẹn nhau vào lúc 0h, sau đó có thể tập với nhau đến 3 - 4h sáng là chuyện bình thường. Ngoài ra, Xuân Bắc là người không bao giờ đến đúng giờ.
Nhưng trong nhược cũng có ưu. Xuân Bắc là một trưởng nhóm rất khó tính, luôn đòi hỏi sự hoàn mỹ. Tôi từng phải nói với truyền thông rằng tôi nhịn Xuân Bắc như nhịn cơm sống, nhưng có lẽ nhờ vậy mà cả hai cùng được việc.