Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tư nhân làm phim chiếu rạp: 'Kẻ khóc người cười'

Những bộ phim đạt doanh thu cao trong khoảng 10 năm trở lại đây đều do các hãng phim tư nhân sản xuất, nhưng điều đó không có nghĩa cứ tư nhân làm phim là "hốt bạc".

Cơ hội cho tư nhân làm phim

Bắt đầu từ năm 2003, Nhà nước chủ trương xã hội hóa điện ảnh, cho phép tư nhân thành lập hãng (công ty) phim. Sự ra đời của Những cô gái chân dài ra (Hãng Thiên Ngân), Khi đàn ông có bầu (Hãng phim Phước Sang), Hồn Trương Ba da hàng thịt (Hãng Phim Việt - BHD), Thập tự hoa (Hãng phim Á châu), 1735km (Công ty phim Kỳ Đồng)… đánh dấu thời kỳ mới - tư nhân làm phim.

Những cô gái chân dài.
Hồn Trương Ba, da hàng thịt.

Đến năm 2006, Luật điện ảnh Việt Nam ra đời và Nhà nước chủ trương xóa bỏ bao cấp, cổ phần hóa các hãng phim Nhà nước, từ đây các hãng phim tư nhân thừa thắng xông lên. Những bộ phim đạt doanh thu cao thời gian qua như Nụ hôn thần chết, Những nụ hôn rực rỡ, Long ruồi, Để Mai tính, Tèo em, Nhà có 5 nàng tiên… đều là phim do tư nhân sản xuất. Việc khai mở các dòng phim từ hành động, dã sử (như Dòng máu anh hùng, Thiên mệnh anh hùng, Bẫy rồng), kinh dị (Lời nguyền huyết ngải, Khi yêu đừng quay đầu lại), hài hành trình (Tèo em), ca nhạc (Những nụ hôn rực rỡ), võ thuật, giả tưởng (Lửa Phật)… lần đầu có mặt ở Việt Nam đều do các hãng phim tư nhân khởi xướng, mang lại sắc thái mới, phong phú, đa dạng hơn cho thị trường phim Việt. Cũng chính các nhà sản xuất phim tư nhân đã “khai mở” các mùa chiếu phim tết, phim hè.

Tại các LHP quốc tế, LHP Việt Nam, Cánh diều vàng… phim tư nhân đều có mặt, và không ít phim giành được giải thưởng như Áo lụa Hà Đông, Huyền thoại bất tử, Dòng máu anh hùng, Thiên mệnh anh hùng, Hotboy nổi loạn, Scandal- Bí mật thảm đỏ… Chỉ tính trong vòng 5 năm trở lại đây, tư nhân hầu như chiếm vị trí áp đảo trong số lượng đầu phim sản xuất mới hàng năm (cả điện ảnh lẫn truyền hình).

So với các hãng phim Nhà nước, các nhà làm phim tư nhân phải hoàn toàn tự lực cánh sinh, từ sản xuất đến phát hành, không nhận được ưu ái nào trừ việc “sánh vai” bình đẳng trong các giải thưởng. Bởi vậy, doanh thu luôn được các nhà sản xuất phim tư nhân đặt lên hàng đầu vì sự thắng thua sẽ ảnh hưởng đến sự tồn tại và phát triển của hãng.

"Canh bạc" tiền tỷ

Hiện nay, trung bình sản xuất một bộ phim tâm lý, hài cần khoảng 6-8 tỷ đồng, những thể loại phim khác có mức đầu tư cao hơn. Cá biệt, có những phim như Áo lụa Hà Đông khoảng 1 triệu USD (2005), Dòng máu anh hùng kinh phí 1,3 triệu USD (2006), Mỹ nhân kế 3D 17 tỷ đồng (2012), Thiên mệnh anh hùng 25 tỷ đồng (2012), Lửa Phật 1,5 triệu USD (2013)…

Long ruồi.
Nhà có 5 nàng tiên.
Thiên mệnh anh hùng.

Trừ một số hãng lớn (như Thiên Ngân, BHD) vừa sản xuất vừa kinh doanh phim vì sở hữu rạp chiếu thì đa số tư nhân đều không có sẵn kinh phí để làm phim lâu dài. Trước NSƯT Nguyễn Chánh Tín của Hãng Chánh Tín bị “mất nhà”, đã có rất nhiều người cầm nhà, xe hơi, bán đất để có vốn làm phim. Đạo diễn Lê Bảo Trung  (Công ty phim LBT) làm phim Gia sư nữ quái hay cố đạo diễn Đỗ Quang Hải Âu làm phim Cuộc chiến với chằn tinh thế chấp nhà để vay tiền ngân hàng. Đạo diễn Lý Huỳnh (Hãng phim Lý Huỳnh) thực hiện bộ phim Tây Sơn hào kiệt cũng đã gom hết tiền của các con và kêu gọi các bạn bè đóng góp. Đạo diễn Nguyễn Nhất Trung phải bán xe hơi, bán đất để làm phim Hoán đổi thân xác… Khi phim công chiếu, may mắn thu đủ vốn thì có người chuộc được nhà, xe và tiếp tục làm phim, còn người không may thì mất nhà, phá sản.

Cuộc chiến với chằn tinh.

Trong hơn 10 năm qua, có một số phim tư nhân đạt doanh thu cao, tiêu biểu Những nụ hôn rực rỡ (2009) đạt 20 tỷ đồng, Hello cô Ba (2011) thu 25 tỷ đồng, Long ruồi ( 2011) thu 42 tỷ đồng, Cưới ngay kẻo lỡ (2012) thu 34 tỷ đồngMỹ nhân kế (2013) sau 2 tuần công chiếu thu 52 tỷ đồngNhà có 5 nàng tiên (2013) thu hơn 60 tỷ đồngTèo em (2014) thu 15 tỷ đồng sau 3 ngày công chiếu, Cô dâu đại chiến 2 (2014) đạt gần 40 tỷ đồng sau 2 tuần ra rạp; Quả tim máu (2014) đạt doanh thu 55 tỷ đồng sau 10 ngày công chiếu…

Ngoài việc chia cho các rạp chiếu (trung bình) 50% doanh thu, các nhà làm phim còn tính đến rất nhiều khoản chi khác như thuê máy móc, trả cát xê, kịch bản, phí PR… nên khoản lợi nhuận của mỗi dự án phim không hoàn toàn cao ngất ngưởng như những con số đã công bố. Và trên thực tế, những phim đạt doanh thu cao chỉ là rất ít trong số phim sản xuất ra hàng năm của các hãng tư nhân (trung bình 15-20 phim). Những phim còn lại một số có số phận long đong (chiếu ít rạp, chiếu trong mùa ít khán giả, suất chiếu ít khán giả) và một số khác thì “bạc mệnh” ngay từ xuất chiếu đầu tiên. Không công bố công khai, nhưng việc biến mất một cách âm thầm của khá nhiều hãng phim tư nhân sau 1-2 dự án cho thấy mức độ thành bại của “canh bạc” phim ảnh khốc liệt như thế nào.

Để phim tư nhân đi được đường dài

Hiện nay vẫn còn nhiều bất cập và khó khăn đối với các nhà làm phim nói chung và tư nhân nói riêng. Đầu tiên là hệ thống rạp chiếu phim tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn, không phải bộ phim nào sản xuất ra cũng tìm được nhà phát hành giỏi và cụm rạp tốt để công chiếu. Những bộ phim bị đánh giá chất lượng kém, không phù hợp thị hiếu công chúng và không chú trọng quảng bá cho phim sẽ khó mà len chân vào thời điểm “vàng” của mỗi mùa phim.

Tuy phim Việt hiện đã rải đều quanh năm nhưng vẫn chủ yếu tập trung vào mỗi mùa Tết, rất ít phim có cơ may thu hút khán giả vào mùa khác, trừ Để Mai tính (hè 2010). Ngay như Dòng máu anh hùng (hè 2007), Đường đua (hè 2013) được quảng bá rất tốt, nhận được sự khen ngợi của truyền thông nhưng khi chiếu vẫn ít khán giả. Điều này cho thấy thị hiếu của khán giả với phim Việt chưa ổn định và khó nắm bắt. Mặt khác, làm sao để có doanh thu cao khiến các nhà làm phim tư nhân chạy theo chiêu trò để câu khách.

Một nhà sản xuất cho biết, làm phim ở Việt Nam may nhờ rủi chịu. Năm nay có thể thắng nhưng năm sau thì chưa chắc, hoặc phim này lãi nhưng phim sau lại "lỗ sặc gạch". Bỏ bạc tỷ rồi lượm về bạc cắc, mất ăn mất ngủ từ khi bỏ vốn sản xuất đến khi phim rời khỏi rạp chiếu là cả một quá trình vất vả, lo âu với người đầu tư. Tuy nhiên, không chỉ vấn đề vốn nhiều hay ít mà làm phim hiện nay, nếu không có chiến lược, chọn đề tài hấp dẫn, diễn viên tên tuổi và diễn xuất tốt, kỹ thuật quay hiện đại, quảng bá, phát hành tốt thì khó đi được đường dài.

Anh Dương - Khanh Khanh

Bạn có thể quan tâm