Những người có ảnh hưởng lớn đến giới trẻ Trung Quốc thường thu nhập khoảng 8 triệu USD/năm. Con số này trở thành một trong những yếu tố quan trọng giúp công việc blogger được yêu thích, theo WWD.
Có tài khoản hơn 5 triệu lượt theo dõi cùng gu phối đồ riêng biệt, Anny Fan trở thành cầu nối cho các nhà mốt danh giá với người dân Trung Quốc - nhóm khách hàng tiềm năng.
Từ bỏ công việc ổn định
Để đến gần với khách hàng Trung Quốc, các thương hiệu xa xỉ cần tiếp cận qua mạng xã hội. Bởi vậy, họ muốn tìm kiếm và hợp tác với những gương mặt phổ biến ở đất nước này.
Năm 2010, Anny Fan trở thành một trong những blogger đầu tiên của Trung Quốc. Thời điểm đó, cô vẫn là nhân viên bàn giấy tại ngân hàng.
Đến năm 2014, nàng fashionista mở rộng tài khoản trên nhiều ứng dụng. Cô sau đó ngày càng nổi tiếng. Anny Fan từ bỏ công việc ổn định tại ngân hàng vào năm 2016.
Anny Fan là một trong những blogger đời đầu của Trung Quốc. Ảnh: @_annyfan_. |
Kể từ thời điểm đó, Anny Fan luôn thuộc top những người có ảnh hưởng lớn đến giới trẻ Trung Quốc trong lĩnh vực thời trang. Sức lan tỏa của nhóm người này tạo ra tiếng vang, thúc đẩy doanh số bán hàng cho các hãng thời trang.
Loạt thương hiệu như Gucci, Louis Vuitton, Hermès, Chanel và Miu Miu bắt đầu tìm kiếm, hợp tác với những người như Anny Fan. Bên cạnh đó, cô còn có khả năng tư vấn chiến lược cho các thương hiệu phương Tây bước vào bối cảnh cạnh tranh của thời trang cao cấp Trung Quốc.
Anny Fan ký hợp đồng với công ty quản lý người nổi tiếng - The Society (Mỹ) - với mục tiêu lan tỏa sức ảnh hưởng đến châu Âu. Nhờ mối quan hệ với các thương hiệu, cô thường góp mặt trên hàng ghế đầu trong show diễn thuộc tuần lễ thời trang.
Công việc quá tải
Theo WWD, mục tiêu của Anny Fan là trở thành người Trung Quốc đầu tiên có sức ảnh hưởng ở Mỹ.
"Tôi không phải phương tiện truyền thông. Tôi là blogger. Vì vậy, điều quan trọng nhất là các thông điệp gửi đến độc giả phải xác thực và do chính bản thân trải nghiệm. Tôi chỉ chia sẻ nội dung bắt nguồn từ cuộc sống thông thường", Anny Fan tâm sự với WWD.
Khi bắt đầu làm blogger, Anny Fan không có ý định kiếm tiền nhờ công việc này. Tuy nhiên, nhiều thương hiệu tìm đến khiến cô nhận ra tiềm năng, hướng đi mới. Để phát triển sự nghiệp, Anny Fan tới Thượng Hải (Trung Quốc) và xây dựng đội ngũ riêng.
Cô có tài khoản trên mạng thu hút 5 triệu lượt theo dõi. Ảnh: @_annyfan_. |
"Tôi cảm thấy may mắn vì là một trong những blogger đời đầu của Trung Quốc. Bắt đầu công việc từ sớm, nhiều thương hiệu và công ty quảng bá để ý đến tôi qua mạng xã hội.
Sau khi biết tôi từ bỏ công việc tại ngân hàng và đầu tư toàn bộ thời gian làm blogger, không ít nhãn hàng đã chủ động tiếp cận. Tôi là khách hàng quen thuộc của nhiều thương hiệu nổi tiếng. Tôi biết về lịch sử phát triểu của các hãng. Đây là lý do vì sao họ tìm đến tôi", Anny Fan chia sẻ với SCMP.
Từng có thời điểm Anny Fan phải đương đầu với sức ép cũng như số lượng công việc quá tải. Điều này thúc đẩy cô xây dựng đội ngũ riêng.
''Tôi là người mua sắm bốc đồng''
"Trong tôi tồn tại 2 phong cách khác biệt. Một hướng là tomboy, tôi mặc những thiết kế nhìn cá tính. Tôi thực sự thích diện đồ thể thao khi ngồi trên máy bay. Tôi sở hữu vài thiết kế của Browne và Fendi. Mặt khác, tôi chuộng váy áo nữ tính với họa tiết hoa", Anny Fan chia sẻ.
Công việc bận rộn khiến Anny Fan không có thời gian đi mua sắm. Cô thường tranh thủ dạo quanh các cửa hàng khi tham dự tuần lễ thời trang.
Điều khiến cô phiền lòng nhất là không thể mua hàng của CELINE bằng hình thức online. Vì vậy, mỗi lần đến Paris (Pháp), Anny Fan thường mua ít nhất 10 thiết kế của nhà mốt.
Anny Fan theo đuổi 2 phong cách riêng biệt. Ảnh: @_annyfan_. |
Quần áo của Anny Fan được mua qua các trang thương mại điện tử. Nàng fashionista cho biết: "Tôi là người mua sắm một cách bốc đồng và không mất nhiều thời gian suy nghĩ.
Trong một giờ, tôi có thể sắm 20-30 món. Tôi thường không hay trả lại đồ, kể cả khi sai kích cỡ, tôi sẽ sửa cho phù hợp với dáng người. Đội của tôi khuyên rằng nên lập một trang web để bán lại các thiết kế không mặc đến. Những chiếc váy tôi đã mặc một lần đều không thể dùng đến nữa.
Tôi có 3 tủ quần áo trong căn hộ và không giỏi sắp xếp. Người giúp việc sẽ phụ trách điều này. Tôi nghĩ cô ấy là người giúp việc thời thượng nhất ở Thượng Hải. Thỉnh thoảng, tôi tặng cô ấy một số món đồ. Đôi khi, cô ấy trợ giúp tôi trong quá trình phối trang phục vì căn hộ quá bừa bộn. Tôi không thể tìm thấy thứ mình cần".